Em chồng giật lại tiền lì xì Tết trong tay con khi cháu chê "20.000 ít quá", nói 1 câu tôi nhớ đời
Sau này, tôi mới dám tiết lộ với em chồng một sự thật về số tiền trong chiếc phong bì đó.
Tết năm nay lại đến, chỉ còn non nửa tháng nữa là nhà nhà người người sum họp bên mâm cỗ Tết, chúc nhau bình an, du xuân đón lộc. Trong lúc nghĩ ngợi Tết năm nay sẽ dành ra khoảng bao nhiêu tiền để lì xì cho các cháu trong nhà, một chuyện khó quên của ngày Tết trước dội về. Tôi nghĩ, đó là 1 chuyện cả đời tôi sẽ nhớ mãi.
Hôm đó đúng ngày mùng 1 Tết, tôi cùng chồng và các con Tết nội trước. Do gia đình tôi ở nhà riêng nên vừa về nội là cũng gặp ngay cô em chồng vừa trở về nhà thăm ông bà. Gia đình tôi có 2 đứa con, đều đã lên cấp 2. Cô em chồng có 1 bé trai, năm đó 10 tuổi.
Khi tôi lì xì cháu nhanh nhảu đón lấy, vẻ mặt rạng rỡ hẳn lên, nói to: Con cảm ơn mợ!
1 lúc sau, khi tình cờ đi ngang phòng em gái, tôi chứng kiến một cuộc nói chuyện của đứa cháu và mẹ nó (tức em chồng tôi).
Đứa bé xị mặt sau khi mở phong bì lì xì thấy bên trong là tờ 20.000 đồng. Nói với mẹ: 20.000 ít quá...
Em gái tôi đang gấp dở đồ thì dừng tay. Đanh mặt lại, nói ngay: Con không được nói thế, lì xì đầu năm là cái lộc, không được chê ít chê nhiều.
Đứa bé không chịu: Nhưng cậu mợ giàu mà, đi xe hơi nữa, sao chỉ lì xì con có 20.000, biết đến bao giờ con mới đủ tiền mua bộ đồ chơi lắp ghép con thích?
Em chồng tôi bỏ hẳn mớ đồ xuống, mặt thay đổi sắc thái, ngồi xuống cạnh con trai, nói chậm từng lời 1 như muốn con khắc ghi: 20.000 đồng cũng là tiền, có ít hơn nữa cũng là tiền. Cậu mợ làm lụng cũng vất vả, con không thể nhìn vào những thứ bên ngoài rồi so bì, đánh giá, yêu cầu như thể đó là trách nhiệm. Tiền mừng tuổi là số tiền lấy may, con không thể nghĩ đây là 1 cơ hội để kiếm lời. Bao nhiêu bộ đồ chơi lắp ráp ở nhà con đã động tới đâu, sao lại muốn mua thêm cái mới. Đáng nói, con trông chờ vào việc người khác cho mình tiền để có được cái mình muốn? Mẹ không đồng ý. Con thay đồ rồi ra chơi với mọi người.
Đứa trẻ vùng ra khỏi vòng tay của mẹ nó, giận dỗi vì số tiền trong phong bì không như ý muốn, không chịu hiểu lời mẹ nói.
Chẳng may, cháu chạy ra thì va ngay vào tôi. 3 gương mặt bối rối. Tôi không biết phải "trốn" đi đâu trong giây phút ấy.
Bất giác, em gái tôi giật ngay chiếc phong bao lì xì trên tay con mình, đưa lại cho tôi ngay lúc đó. Tôi tái xanh mặt mày, nghĩ bụng: Thôi chết rồi, chỉ vì mình đưa nhầm chiếc phong bì (đáng ra phải là 500.000 đồng như đã định, thì lại bỏ nhầm vào 20.000 đồng) mà giờ trở thành chuyện quá khó xử.
Nhưng ngay khi em tôi cất giọng, tôi liền nhận ra chỉ có mình mới đang suy nghĩ nhỏ nhen.
Mẹ yêu cầu con xin lỗi mợ. Nếu con không làm, số tiền mừng tuổi này xin mợ nhận lại giúp. Trong nhà này không có loại vô ơn thế được! - em chồng quát lên.
Đứa trẻ tái xanh mặt mày, vội cầm chặt phong bì lì xì trong tay, không ngờ mẹ công khai chuyện xấu này cho tôi biết, cả bà nội cũng nghe thấy, một số đứa cháu phải dừng chơi để "hóng". Có lẽ, trong giây phút đó, đứa cháu tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình, lí nhí nói: Con xin lỗi mợ...
Cả nhà ai cũng đồng tình với cách làm của em chồng tôi: Cứng rắn, đúng lúc, vừa không gây hiểu lầm.
Tôi định nói 1 câu gì đó để bầu không khí dịu lại thì em chồng tôi đã nắm lấy tay tôi: Chị thông cảm, em hiểu con em. Em phải có cách giáo dục riêng, để cháu ý thức được ý nghĩa của tiền lì xì, trân trọng mọi thứ được nhận. Đối với em, bao nhiêu cũng là quý, rất ngại với chị vì ngày đầu năm đã chứng kiến cảnh không vui.
Cho đến mãi sau này, tôi mới dám thỏ thẻ nói với em, hôm đó tôi bỏ nhầm tiền vào phong bao chứ thật sự không có ý định lì xì cháu chỉ 20.000. Nhưng chuyện cũng qua rồi, mọi người cùng hoan hỉ với nhau là ngày Tết đầm ấm, ý nghĩa vẹn tròn.
Tôi cũng mang câu chuyện trên kể với các con mình, chồng mình và tấm tắc khen cách giáo dục của em chồng.
Còn bạn, bạn có từng gặp chuyện khó xử gì với tiền lì xì ngày Tết không?