Em bé vừa ra đời đã có răng, người khuyên giữ lại vì "răng ngậm ngọc giàu có", người lại kêu nên bỏ?
Mọi người đều phân vân không biết nên làm gì khi bé nhà mình rơi vào tình huống tương tự như vậy.
Trẻ sơ sinh có độ tuổi mọc răng không giống nhau, có bé mọc sớm từ lúc 4-5 tháng, có bé lại hơn 1 tuổi mới mọc. Thế nên việc em bé này vừa ra đời đã có luôn một chiếc răng khiến ai cũng cảm thấy tò mò. Theo đoạn clip đăng tải, bé trai mới được vài ngày tuổi nhưng đã có một chiếc răng ở phần răng cửa, không chắc chắn mà có chút lung lay và sỉn màu.
Được biết hiện tượng này được gọi là răng sơ sinh hay răng ngậm ngọc. Một số người cho rằng theo quan niệm dân gian, những bé đẻ ra đã có răng là điềm báo sẽ giúp gia đình giàu có. Bởi thế mà bố mẹ sẽ giữ gìn răng rất cẩn thận, nâng niu và mong sau này gia đình sẽ phát tài.
Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng vì răng lung lay và không chắc chắn nên sẽ gây ra không ít nguy hiểm cho bé. Trong quá trình con ăn, chơi, chiếc răng có thể bị rơi ra khiến bé có thể hóc, sặc hoặc nuốt phải răng rất nguy hiểm. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng theo một số nghiên cứu, răng sơ sinh có yếu tố di truyền, khoảng 15% bé có cha mẹ hoặc họ hàng gần có răng sơ sinh.
Em bé vừa sinh ra đã có răng
Răng sơ sinh là gì?
Răng sơ sinh là răng đã có từ khi bé chào đời. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ gặp phải hiện tượng mọc răng ở trẻ sơ sinh như vậy là khoảng 1/7.000 đến 1/30.000. Thông thường bé sẽ không có nhiều hơn 3 chiếc răng sơ sinh cũng như không phân biệt bé trai hay gái. Chiếc răng này thường là răng cửa hàm dưới, chân răng thường nông, gắn với lợi bằng một mô mềm nên rất dễ lung lay và rụng bất ngờ.
Răng sơ sinh có gây hại cho em bé không?
Chính vì dễ rụng, bác sĩ khi phát hiện chiếc răng này thường sẽ yêu cầu phụ huynh cho nhổ trước khi đưa em bé từ bệnh viện về nhà với lý do răng có thể rơi rụng bất cứ lúc nào và khi đó sẽ gây nguy hiểm nếu rơi vào đường hô hấp của trẻ.
Chiếc răng này sẽ khiến bé khó bú, không thể bú liên tục gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, trong trường hợp răng mọc lên ở nướu sẽ làm bé bị đau, kích thích và khiến bé hay quấy khóc. Ngoài ra, bé có răng sơ sinh có thể cắn ti mẹ khi bú hay vú bình. Việc này có thể khiến mẹ bị đau hay núm vú bình dễ hư hỏng và ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Xử lý răng sơ sinh thế nào?
Răng mới sinh thường được phát hiện khi bác sĩ làm xét nghiệm sơ sinh. Lúc này, bé sẽ được chụp X-quang nha khoa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào liên quan đến răng mới sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu.
Nếu muốn nhổ luôn chiếc răng này cho bé thì biện pháp là phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ được thực hiện sau khi bé được ít nhất 10 ngày tuổi. Lúc này, bé đã có hệ vi khuẩn đường ruột, sản sinh vitamin K giúp máu đông lại. Vì thế, khi phẫu thuật chảy máu, cơ thể bé có thể cầm máu và lành vết thương tốt hơn.
Các gia đình có bé mọc răng sơ sinh thì nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa khám để quyết định có nhổ răng hay không và xem xét mức độ ảnh hưởng của răng với sự phát triển của bé. Nếu răng đã mọc chắc chắn và không có tác động gì đến bé thì không cần thiết nhổ răng.
Với những gia đình không muốn nhổ bỏ răng cho trẻ, bác sĩ khuyên, người nhà phải chăm sóc răng miệng cho bé bằng cách dùng khăn ẩm sạch lau nhẹ lợi và răng của bé. Thường xuyên kiểm tra lợi và lưỡi của bé xem có bị răng làm tổn thương không, có lung lay không để đảm bảo an toàn cho con.