Đứng ngồi không yên vì gửi con cho... bảo mẫu
Rùng mình khi xem clip bảo mẫu Phụng ở Bình Dương hành hạ bé Ngân, anh Lực bỗng quay sang quát vợ: “Không làm liếc gì nữa hết, từ mai cô ở nhà trông con”.
Hai vợ chồng Lực, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội, đi làm từ sáng đến tối, chồng sửa điện tử thuê, vợ bán hàng cho một công ty, nên phải gửi con cho một bà trông trẻ cách nhà chỉ khoảng 700 mét, do hàng xóm giới thiệu. Do giờ giấc rất “co giãn” theo yêu cầu công việc nên nhiều hôm gần 20h, Hiền vợ anh mới về đón con.
Sợ cho con mà nghỉ việc
Còn chị Hằng, 25 tuổi, phiên dịch viên kiêm giáo viên tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ, nhà ở Thanh Trì, Hà Nội, tuy không bị chồng ép nhưng cũng quyết định tạm nghỉ công việc ban ngày từ đầu tháng 12 tới để không phải gửi con ở nhóm trẻ nữa. “Con tôi mới 9 tháng, các nhà trẻ không nhận, ông bà ngoại ở tận Yên Bái không giúp được, ông bà nội thì chỉ đủ sức trông mấy đứa nhà anh cả, nên tôi đành gửi cho nhóm trẻ tư. Nhưng xem cái clip kia xong tôi sợ quá. Con tôi bé bỏng thế này, nếu bà trông trẻ dỗ nó không được cũng tát cũng đánh thì tôi chết mất”, Hằng nói.
Trước mắt, chồng Hằng sẽ phải về nhà trước 18h để trông con cho vợ kịp giờ dạy tối. Họ chưa tìm ra cách nào ổn hơn cho đến khi em bé đủ tuổi đi nhà trẻ.
Ông bà gọi đưa cháu về quê
Ngay tối qua, ông Hạnh ở phường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An, tức tốc gọi điện ra nhà con gái ở Hà Nội: “Chúng mày đưa cái Bim về đây bọn tao trông, bận không đưa được thì tao ra đón. Chúng mày chỉ lo làm ăn, con cái vứt cho người lạ, có bị làm sao cũng chẳng biết”.
Vợ chồng cô con gái ông Hạnh vẫn ở nhà thuê ở Hà Nội, anh con rể làm xây dựng, hay phải theo công trình nên việc chăm nuôi con phó hết cho vợ. Thủy, con gái ông Hạnh, cũng phải đi làm nên phải gửi con cho một bà trông trẻ cùng tổ dân cư, hằng ngày cố gắng đón con trước 18h.
Hạnh tâm sự: “Bố em bảo tuy có đón sớm thì cũng không biết trong hơn 10 tiếng đồng hồ, họ có làm gì con mình không, dứt khoát bắt mang về quê. Em nghĩ nát óc không biết phải làm sao. Nó bé thế đã phải xa bố mẹ thì không nỡ, mà em cũng nhớ nó không chịu được, nhưng bỏ việc trông con thì không được vì thu nhập của chồng em rất sớm nắng chiều mưa”.
Bà Mai, 68 tuổi, nhà ở Hà Đông (Hà Nội), cũng gọi điện cho vợ chồng con trai út, nhà ở Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, đề nghị mang đứa cháu gái 15 tháng sang cho bà, dù cô bé này không bị gửi nhóm trẻ mà có hẳn một người giúp việc trong nhà trông nom. “Một mình chăm con thằng lớn mà tôi đã thấy quá sức rồi, nhưng nghĩ đến con bé nhà thằng út, tôi vẫn xót. Cứ nghĩ đến chuyện cô giúp việc có thể đánh nó, hay tát nó để bắt ăn, bắt ngủ là tôi thấy nghẹt thở”, bà Mai tâm sự.
Bà cho rằng, dù đường xa, vợ chồng con trai nên chịu khó đưa con đến gửi mẹ mỗi sáng, tối đến đón về, còn bà sẽ chịu khó “căng sức già” trông cả hai đứa trẻ.
Con bị hành không khó nhận ra
Khi chấp nhận ở nhà trông con hoặc gửi con cho ông bà ở xa, phụ huynh thường nghĩ rằng đó là cách an toàn nhất để tránh tình trạng con bị người trông trẻ hành hạ mà không biết. Đó cũng là mối lo ngại của rất nhiều bà mẹ trên các diễn đàn online từ hai ngày nay, kể từ khi clip về bé Ngân được phát hiện.
Tuy nhiên, cũng trên các diễn đàn, nhiều bà mẹ cho rằng, đối với những gia đình mà gửi con cho bảo mẫu là cách duy nhất, họ vẫn có thể biết hoặc nghi ngờ bảo mẫu đối xử không tốt với bé. Những đứa trẻ bị hành hạ nếu không có vết thương, bầm tím thì cũng sẽ thay đổi dễ nhận thấy về tâm sinh lý. Các bé sẽ trở nên sợ hãi khi phải đến chỗ bảo mẫu, khóc lóc xin được ở nhà, ánh mắt len lét nhìn người trông trẻ, ngủ hay giật mình…
Chị Hồng Anh, nhà ở khu Tân Mai, Hà Nội, kể: “Cách đây mấy năm tôi cũng gửi con ở nhóm trẻ tư. Cháu vốn rất dạn, dễ hòa đồng, vui vẻ, gặp ai cũng chơi, thế mà đi gửi ít hôm bỗng trở nên nhút nhát, đưa đến chỗ gửi thì bám chặt lấy mẹ, nhưng đến khi bà bảo mẫu bảo nín thì nín ngay, không dám ho he. Tôi nghi ngay, tìm hiểu thì biết bà ấy hay dọa dẫm và đánh bọn trẻ, nên đổi chỗ khác”.