Ngày nay, nhiều bố mẹ nuôi con theo quan điểm bảo vệ tuyệt đối, không cho con va vấp hay khám phá cuộc sống một cách tự nhiên. Cách bao bọc này đồng thời cũng khiến trẻ học hỏi được rất ít, gần như không có kinh nghiệm sống. Gần 1 năm nuôi con, chị Trân (sống tại TP HCM) đã cho con được thoải mái khám phá thế giới dưới sự hỗ trợ của ba mẹ và thu về thành quả rất ngọt ngào. Em bé Chiêu Dương tự tin, không ngại người lạ, cứng cáp và lúc nào cũng vui tươi.
Không để con là đứa trẻ trong máy lạnh khiến sự thích nghi của con hạn chế. Bé vẫn được ngủ trong môi trường mát mẻ cho ngon giấc nhưng khi thức thì mình sẽ đưa bé ra ngoài nhiệt độ thường. Đổ mồ hôi, đỏ mặt, khát nước vì trời nóng cũng là đặc quyền của một đứa trẻ giúp con thích nghi tốt và khoẻ mạnh hơn nhiều.
Đưa con ra ngoài chơi, tiếp xúc thiên nhiên mà không sợ lấm bẩn, nắng gió. Từ nhỏ xíu CD đã nhìn thấy con chim bay tít đằng xa và chỉ trỏ la ó. Tri thức bắt đầu từ sự quan sát và tò mò về thế giới xung quanh chứ không phải học thuộc lòng từ trang giấy khô khan.
Không vì sợ con đau, ngã, đụng đầu mà luôn giữ bé trong vòng tay, không dám cho thử cái mới. Vận động cũng cần phải học, luyện tập và tốt nhất là để con tự tìm ra cách riêng. Bé cũng sẽ học cách cẩn thận chứ không ỷ lại luôn có người phía sau đỡ lấy mình.
Nếu không yên tâm khi giao con cho ba bé chăm chút, thì ít nhất cũng hãy tạo cơ hội để ảnh chơi với con. Đàn ông thường không biết cách bày trò nên mình sẽ hướng dẫn cụ thể. Ví dụ ba giơ hình ảnh lên cho con xem “đây là con mèo”, ba đọc truyện, ba làm rối tay rồi bịa ra câu chuyện cô bé quàng khăn đỏ cho con, ba tập đi cho con,… Có khi đàn ông không chủ ý xem điện thoại để con chơi một mình mà là vì nhạt quá con không thích.
Cho con cơ hội kết nối với ông bà, người thân trong gia đình thật nhiều. Đây cũng là cách tăng cường trí thông minh cảm xúc của con, củng cố sức mạnh nội tâm bằng tình yêu thương.
Nếu muốn con dạn dĩ, hãy tạo nhiều cơ hội cho bé gặp gỡ người lạ. Giới thiệu người đó với con: đây là chú bảo vệ mở cửa cho mình, cô tính tiền cho mẹ nè, bà là bà ngoại anh Minh Khôi,… Cười, chào, nắm tay, sờ vai đều được nhưng đừng để người lạ ẵm bé. Điều này giúp bé hiểu ra giới hạn an toàn, hoà đồng nhưng không dễ dụ.
Có những thứ được bảo là không tốt nhưng trong hoàn cảnh của mình thì nó là tốt nhất. Ví dụ như lúc thấy con ngồi buồn bã trên chiếc xe nôi trong khi chờ chị Tuyền nấu cơm mình đã quyết định mua chiếc xe tập đi. Chiêu Dương được tự mình di chuyển khám phá trong tầm quan sát của người lớn, có được sự chủ động nên vui lắm. Hoặc như việc ngủ võng cũng vậy, nếu con quá khó ngủ - chắc mình cũng dùng cách đó.
Con chưa biết nói, nhưng con hiểu chuyện từ rất sớm. Hãy chỉ cho con thế giới tươi đẹp bên ngoài và cho con cảm nhận được hạnh phúc toả ra từ tổ ấm bên trong. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình ngập tràn yêu thương, trên người họ có một sự tự tin và an toàn mà không thể nào bắt chước được.
Chi tiêu hợp lý, để dành nguồn lực đầu tư cho con những điều to tát hơn. Thay vì mua nhiều đồ lặt vặt giá rẻ (tính ra cũng tốn nhiều tiền) thì mình tập thói quen mua ít đồ mà chất, tiền ăn vặt, chơi vặt gom lại tổ chức thành một hoạt động ý nghĩa hơn (như du lịch, dã ngoại,…) cho con.
Đừng ngại cho con nhìn - sờ - ngửi - nếm mọi thứ xung quanh. Chỉ cho con thấy đây là một bông hoa Màu Trắng xinh đẹp. Cho con chạm vào cánh hoa Mềm Mềm, lá hoa Nham Nhám. Đưa hoa vào mũi sẽ có mùi Thơm Thơm. Nếm thử nếu con muốn (dĩ nhiên là trong tầm kiểm soát của ba mẹ).
Yêu con, nhưng hãy xem con là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Càng thể hiện con là báu vật, mẹ càng tạo ra hàng rào khiến con mất đi cơ hội để xây dựng kết nối với xã hội. Những người tử tế họ ngại làm phiền lòng bạn nên cũng sẽ chỉ dám đứng nhìn con bạn từ xa.
Mỗi đứa trẻ mỗi khác nên mình cũng không lấy kinh nghiệm của mình mà tuỳ tiện cho lời khuyên với mẹ khác. Đôi khi lòng tốt không đúng cách sẽ trở thành áp lực cho họ. Khi được khen về con, cũng hãy tìm điểm sáng của đối phương để cùng nhau tận hưởng niềm vui làm mẹ. Đừng có kiểu “Bé 12 tháng mà đi cứng quá ha chị” - “Uiii, con em nó biết đi từ 8 tháng rồi”.