Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em

P.V,
Chia sẻ

Trẻ bị trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn tác động đến sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống, học tập và các mối quan hệ xã hội.

Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em - Ảnh 1.

Hình minh họa.

BSCKII. Nguyễn Thanh Sang, Trưởng Khoa Phòng khám chất lượng cao - Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hằng năm, khoa luôn tiếp nhận bệnh nhi đến khám các triệu chứng trầm cảm. Nhóm trẻ thường gặp từ 13 tuổi trở lên, với nhóm tuổi nhỏ hơn chiếm số lượng không nhiều.

Khi đến khám, trẻ có các biểu hiện như: buồn chán, lo lắng, đánh giá bản thân thấp kém, khó ngủ, ngủ ít, hoặc ngủ nhiều, chán ăn, hoặc ăn quá nhiều, không muốn tiếp xúc, mất hứng thú, mất tập trung, học hành sa sút…

Theo ThS. Phùng Thị Lụa, chuyên viên tâm lý tại Khoa Phòng khám chất lượng cao - Tâm lý, trầm cảm là một rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, thiếu động lực kéo dài trong một thời gian dài. Người trầm cảm có thể thấy mất hứng thú với những hoạt động trước đây mà họ yêu thích, cảm thấy lo âu, mệt mỏi hoặc có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống.

Để chẩn đoán trầm cảm, trẻ sẽ được thăm khám các chuyên khoa liên quan nếu có các triệu chứng thực thể như: trẻ khó thở khám chuyên khoa tim mạch, trẻ đau đầu khám chuyên khoa thần kinh. Sau đó, trẻ khám chuyên khoa tâm lý và thực hiện các thang đo để loại trừ các rối loạn lo âu.

Trẻ bị trầm cảm nếu phát hiện muộn sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng sống và các mối quan hệ xã hội của trẻ, thậm chí trẻ có ý nghĩ tự sát.

Trầm cảm có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Điều này cần người bệnh tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của nhà chuyên môn. Những biện pháp để hỗ trợ trong điều trị trầm cảm ở trẻ em gồm liệu pháp chính là điều trị tâm lý. Trong tình huống điều trị tâm lý không cải thiện sẽ kết hợp với điều trị thuốc. Bên cạnh đó, trẻ còn được hỗ trợ bằng phương pháp y học cổ truyền.

Chia sẻ