Đừng chủ quan khi thấy con hay bứt "trym"
Cả ngày, Mít chỉ lấy tay bứt "trym". Mỗi lần đi tiểu, con cứ cong người lên và không chịu tè. Mẹ càng cố xi, con càng khóc thét.
Có thể bị hăm dẫn tới viêm da
Cứ mỗi lần mẹ thay bỉm, bé Tin 2 tuổi lại đưa tay gãi chim sột soạt. Bất cứ lúc nào người lớn không để ý, Tin lại nằm sấp, “cọ” chim xuống sàn ra chiều thoải mái lắm. Bố mẹ Tin coi đó là chuyện bình thường: “Trẻ con đứa nào chả thế”. Có hôm Tin còn bứt chim xước cả da.
Tối hôm qua, Tin tự nhiên khóc ré lên, ai bế cũng không cho, người cứ cúi gập xuống. Bế thẳng lên, con lại không chịu. Cả nhà sợ quá, tưởng con bị đau bụng, lồng ruột, cho con đi cấp cứu ở bệnh viện. Chụp X-Quang, siêu âm, tất cả đều bình thường.
Cuối cùng, bác sỹ mới phát hiện ra nguyên nhân con khóc to và hay gãi chim là do bị hăm. Do nắng nóng hấp hơi, phần sinh dục của con ửng đó, nổi mụn nhỏ li ti, khiến con ngứa ngáy, khó chịu.
Bác sỹ cho con về nhà, dặn mẹ mua lá trà xanh, đun rồi rửa cho con ngày 2 lần. Mùa hè nóng nực, mẹ cố gắng lau nhà, thay chăn đệm, để con “thả rông”, đừng bắt con đóng bỉm, vừa khó chịu, vừa hăm đỏ, dễ gây viêm da.
Bị hẹp bao quy đầu
Với những bé trai đã 4-5 tuổi mà bao quy đầu chưa tuột xuống được thì có thể bôi kem có corticosteroid (0,1% dexamethasone) lên bao quy đầu, 2-3 lần mỗi ngày trong khoảng 4 - 6 tuần thì 2/3 trường hợp bao quy đầu bong ra, tuột xuống được.
Trẻ 7- 8 tuổi mà bao quy đầu chưa tuột được và bôi thuốc không kết quả, nhất là khi tiểu có hiện tượng bao quy đầu căng phồng như bong bóng hay trẻ thường bị viêm bao quy đầu, thì nên phẫu thuật cắt bao quy đầu. Đây là một phẫu thuật đơn giản được thực hiện ở các cơ sở y tế, chỉ cần gây mê tại chỗ. Thời gian phẫu thuật trung bình từ 20 - 30 phút, liền vết thương sau 10 ngày và có thể sinh hoạt bình thường.