Đứa trẻ nào cũng nên có một bộ đồ chơi lego vì những lợi ích tuyệt vời này
Đồ chơi xếp hình Lego có thể mê hoặc không chỉ trẻ em mà cả người lớn bởi những lợi ích mà nó mang lại.
Lego là thương hiệu đồ chơi trẻ em của Đan Mạch vô cùng nổi tiếng ra đời từ năm 1932. Trải qua 85 năm phát triển, các sản phẩm đồ chơi trẻ em của LEGO đã có mặt trên toàn thế giới không chỉ mang lại cho trẻ nhỏ ở mọi lứa tuổi những trải nghiệm mới lạ về thế giới xung quanh mình mà còn giúp các bé phát triển nhiều kĩ năng khác nhau.
Thiết kế cũng như hình thức của lego khá đơn giản và ở dạng những “viên gạch” hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, trụ, tháp, thoi… tạo sự mới lạ và khơi gợi tính tò mò của trẻ, giúp trẻ học hỏi hình khối và màu sắc hiệu quả.
Bộ đồ chơi xếp hình Lego luôn hấp dẫn các bé (Ảnh minh họa).
Lego giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội
Đồ chơi xếp hình Lego sẽ khuyến khích trẻ giao tiếp và tăng cường khả năng tương tác xã hội. Cụ thể là khi trẻ chơi xếp hình và dựng mô hình nào đó cùng nhau, trẻ sẽ cần tìm kiếm các miếng ghép và làm theo hướng dẫn để cùng tìm ra miếng ghép nào phù hợp.
Trong đó, thông thường sẽ có 1 bé có tính cách thiên về lãnh đạo và trở thành trưởng nhóm, bé này sẽ đưa ra quyết định nên ghép hình gì, màu gì hoặc làm như thế nào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những đứa trẻ khác sẽ đồng ý với tất cả các quyết định của bé trưởng nhóm nhưng thông qua trò chơi xếp hình Lego, trẻ sẽ học cách giao tiếp với các bạn và giải quyết tranh chấp mà không cần tranh cãi hoặc đánh nhau.
Trẻ sẽ học cách giao tiếp với các bạn và giải quyết tranh chấp mà không cần tranh cãi hoặc đánh nhau thông qua trò chơi này (Ảnh minh họa).
Rèn luyện sự khéo léo, tăng khả năng phối hợp giữa tay và mắt
Khi chơi xếp hình Lego, bé sẽ có cơ hội rèn luyện sự khéo léo và phát triển khả năng phối hợp giữa tay và mắt, thậm chí là dùng sức mạnh để ghép các mảnh lại với nhau và tách các khối hình ra khỏi nhau.
Đây còn được gọi là rèn luyện kĩ năng vận động tinh. Những kỹ năng này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ bắp tay của trẻ và giúp bé vận động khéo léo hơn. Đây cũng là tiền đề quan trọng bổ trợ cho việc cầm bút viết sau này của trẻ.
Bé chơi Lego để rèn luyện sự khéo léo, tăng khả năng phối hợp giữa tay và mắt (Ảnh minh họa).
Tiếp cận các bài học giáo dục sớm
Thông thường cha mẹ vẫn hay cố gắng lồng ghép các bài học, phép toán đơn giản vào trò chơi và hoạt động của trẻ để giúp trẻ được tiếp cận với tri thức giáo dục sớm. Điều này cũng đúng với bộ đồ chơi xếp hình Lego. Bé sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, gọi tắt là giáo dục STEM.
Dạy bé làm quen với các con số, học đếm, học phép cộng trừ với lego vô cùng dễ dàng.
Những “viên gạch” Lego có thể được dùng để dạy bé các khái niệm toán học đơn giản. Ví dụ cha mẹ yêu cầu bé chọn ra những hình có màu sắc khác nhau , xếp hình với 1 số lượng miếng ghép nhất định nào đó. Quá trình xếp hình Lego cũng giúp trẻ phát triển khả năng phán đoán ba chiều. Ví dụ bé nhanh chóng tìm ra cách ổn định cấu trúc của mô hình, làm sao để dựng hình và cách lắp ghép như thế nào cho cân đối.
Kích thích óc sáng tạo, khả năng tư duy lô-gic
Nếu cha mẹ thấy bé không xếp theo các mô hình được hướng dẫn sẵn thì đây là lúc bé muốn phát huy khả năng sáng tạo của mình. Cha mẹ hãy khuyến khích con tưởng tượng và cố gắng “xây dựng” bất cứ mô hình hoặc cái gì đó mà con thích hoặc mơ ước.
Giới hạn duy nhất ở đây chính là số lượng miếng ghép mà trẻ có để dựng các mô hình trẻ muốn. Sau khi bé hoàn thành tác phẩm, cha mẹ hãy đề nghị bé giải thích về những gì bé làm và tại sao bé lại làm vậy. Để tăng thêm sức sáng tạo và tư duy lô-gic, cha mẹ có thể cùng con tạo dựng câu chuyện và “xây” thêm nhiều mô hình khác cùng các nhân vật sống động theo trí tưởng tượng của con.
Cha mẹ hãy khuyến khích con tưởng tượng và cố gắng “xây dựng” bất cứ mô hình hoặc cái gì đó mà con thích hoặc mơ ước (Ảnh minh họa).
Kiến tạo và củng cố kỹ năng phán đoán và giải quyết vấn đề.
Khi bé cùng các bạn chơi xếp hình Lego, chắc chắn sẽ có bé thích xếp theo ý muốn riêng, và số lượng miếng ghép bị vơi dần. Bé sẽ nhận ra số lượng “viên gạch” Lego không còn đủ, buộc trẻ phải tìm cách để có thể tiếp tục hoàn thành mô hình của mình với số lượng còn lại đó.
Không chỉ đơn thuần là giải trí như các loại đồ chơi trẻ em thông thường, Lego còn là dòng sản phẩm được nhiều nhà khoa học cũng như bác sĩ nhi khoa khuyến khích sử dụng. Những lợi ích tuyệt vời từ trò chơi này chính là lí do vì sao hiện nay rất nhiều cha mẹ Việt tìm mua cho con.
Nguồn: Parent