Du học “thoát trượt đại học”
Bên cạnh những bạn trẻ cầu tiến muốn đi du học để mở mang kiến thức thì vẫn có một bộ phận khác lấy du học làm con đường “thoát trượt đại học”.
Tốt nghiệp cấp ba, trong khi bạn bè đang ngày đêm dùi mài kinh sử cho kì thi đại học nước rút, thì Hoàng vẫn ung dung vì đã có một suất du học bên Singapore rồi. Nhà có mỗi cậu con trai lại khá giả nên hai vợ chồng Hương quyết định cho con mình đi du học. Từ lớp mười hai, Hoàng đã được biết tương lai của mình và Hoàng chỉ tập trung vào học tiếng với mấy môn chính ở trường.
Lần đầu tiên sống tự lập xa nhà, trong khi ngôn ngữ hạn chế, Hoàng chán nản, suốt ngày gọi điện đòi về nước. Vợ chồng chị Hương lo lắng suốt ngày gọi điện động viên, thỉnh thoảng lại gửi thêm tiền cho con. Hai năm dự bị đại học, trình độ học tập của Hoàng vẫn không có gì tiến triển hơn trong khi bạn bè cùng trang lứa ở Việt Nam đã chuẩn bị ra trường.
Biết học lực của con mình, ông Thắng (quận Kiến An, Hải Phòng) đã cố dồn số tiền tích cóp của mình lo cho cậu ấm một suất đi du học bên Đài Loan. Nhà có con một lại làm giám đốc của doanh nghiệp suốt ngày tài trợ cho khuyến học, ông Thắng không thể để cho con mình “thất học”.
Bàn đi tính lại cuối cùng du học là con đường rộng mở đối với Trung, cậu con trai của ông Thắng. Ông sẽ luôn tự hào rằng: “con tôi đi du học”. Tiễn cậu con trai ra sân bay ra nước ngoài nhập trường, ông Thắng nhẹ hẳn người.
Ai ngờ, mỗi năm cậu quý tử tiêu hết khoảng 2000 tệ học phí (khoảng gần 400 triệu VN). Bạn bè nước ngoài phải lác mắt vì lối ăn chơi của Trung, một buổi sinh nhật trên sàn nhảy đã ngốn hết gần nửa học phí một năm. “Không chịu thua kém ai”, Trung tỏ ra sành sỏi và chi tiêu tiền mạnh tay.
Thời gian lên lớp thì ít, thời gian lên sàn nhảy, quán bar thì nhiều, sau khi bị bố mẹ cắt mất trợ cấp tiêu vặt hàng tháng, Trung lấy tiền học phí ăn chơi. Kết quả học tập giảm sút, Trung bị đuổi học, lại trở về Việt Nam. Và sau 4 năm du học trở về, Trung chỉ bập bẹ được vài câu “ni hao”.
Ông Thắng chóng mặt vì những khoản học phí, tiền chi tiêu của con. Cho tới bây giờ, khi được hỏi con du học ở trường nào, vợ chồng ông Thắng đều ấm ớ không biết con học đại học hay cao đẳng.
Còn trường hợp của Quỳnh cũng tương tự. Thấy bạn bè đứa nào cũng đi du học, Quỳnh nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học nước ngoài. Với học lực của Quỳnh thi vào trường dân lập ở Việt Nam đã khó nói gì công lập, bố mẹ quyết định bán bớt ít vốn làm ăn đầu tư cho tương lai con gái rượu.
Quỳnh được đi du học ở Úc tại một trường quản trị khách sạn du lịch. Ra nước ngoài tự do lại sống điều kiện, Quỳnh được tự do bay nhảy. Cứ vài ba tháng, Quỳnh lại gọi điện về xin tiền đóng thêm học phí, tiền ăn uống đủ loại. Quỳnh tham gia vào nhóm du học sinh Việt Nam bên đó. Toàn dân vip con đại gia, Quỳnh thường xuyên đi cùng nhóm mua sắm, đi ăn, rồi nhà hàng. Hôm nào thấy buồn buồn trong người, Quỳnh lại gọi điện cho bạn bè đi máy bay sang Singapore mua lấy vài bộ quần áo.
Nhiều bạn bè làm thêm kiếm tiền, Quỳnh không hề quan tâm. Quỳnh yêu một anh người Việt học cùng khóa. Chuyện yêu đương vỡ lở, Quỳnh đành phải trốn về Việt Nam phá thai. Ba năm ở nước ngoài, Quỳnh không thu được tí kiến thức gì ngoài ăn mặc, mua sắm. Bố mẹ ở nhà cũng chỉ biết con gái du học và đang “chạy chọt” cho con vào một công ty nhà nước.
Trong khi con cái đi du học không học được điều gì, cha mẹ ở nhà cứ mỗi lần nhắc tới các cậu ấm cô chiêu là lại tự hào “con tôi đi du học”.
Cái mác con du học đã trở thành một niềm tự hào, thước đo cho mỗi bậc phụ huynh. Cha mẹ không cần biết con mình sang đó làm gì, sống ra sao, học được những gì mà họ chỉ cần biết có con đi du học là sành điệu, là oai với bạn bè. Chỉ cho tới khi nhận được giấy báo đuổi học của trường, các vị phụ huynh này mới nhận ra “vị đắng” của du học và sai lầm của mình. Du học như là để ra oai với thiên hạ thì thà rằng học ở trong nước còn có giá trị hơn.
HL