Dòng thư của mẹ gửi con trai bị nhiễm trùng sơ sinh ngay từ lúc chào đời
Những ngày tháng khó khăn nhất đã qua, và người mẹ cảm thấy hạnh phúc nghẹn ngào khi con đã khoẻ mạnh trở về nhà.
Ngay sau khi ra đời, cậu bé Tít đã bị nhiễm trùng sơ sinh, nằm lồng ấp và truyền kháng sinh. Suốt 20 ngày, chị Bích Thảo (sinh năm 1991, sống tại Nha Trang) đã phải xa con của mình. Từng giờ, từng phút trôi qua với bà mẹ trẻ đều như lửa đốt, là những nỗi lo lắng, sự sợ hãi và nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Phải đến khi em bé Tít trở về trong vòng tay mẹ thì chị mới thực sự cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Dưới đây là bức tâm thư của chị Thảo dành cho con trai khiến nhiều bà mẹ cảm thấy nghẹn ngào, xúc động.
Em bé Tít lúc mới chào đời và sau 1 tháng.
Nghẹn lòng khi thấy xung quanh con toàn là mũi tiêm
Lần đầu, mẹ nói về câu chuyện của con, chàng trai dũng cảm của ba mẹ!
Chàng trai của mẹ à, con thật dũng cảm!
Ngày con ra đời, con chẳng được nằm bên cạnh mẹ, chỉ vỏn vẹn vài giây phút trong vòng tay ba và ngoại, con được chuyển thẳng vào bệnh viện Tỉnh.
Mở mắt, trong phòng hồi sức, mẹ tìm con, tất cả mọi thông tin về con được giấu kín, ba mỉm cười nói với mẹ "con hơi mệt nên con chuyển qua phòng ấp nghỉ ngơi". Mẹ an lòng dưỡng bệnh. Nhưng tình trạng của mẹ cũng ngày càng nặng, một nửa cơ thể bị bất động, đau nhức trong từng khúc xương, mẹ chuyển viện cùng con.
7 ngày, mẹ đếm chính xác từng ngày trôi qua, mẹ con mình cùng nằm tại 1 bệnh viện, nhưng không gặp nhau, mọi người hỏi mẹ sao không lên gặp con, mẹ mỉm cười im lặng. Thật ra mẹ mong ngóng từng ngày, mẹ muốn giây phút ấy thật đẹp, lúc ấy con thật khoẻ, mẹ sợ gặp con lúc này, mẹ khóc không ngừng mất thôi.
Mỗi ngày, mẹ đều mong chờ tới giây phút hỏi ba hoặc ngoại "Tít khoẻ không?", ai cũng mỉm cười nói "con khoẻ lắm". Mẹ an lòng, âm thầm cá cược cùng con xem ai ra viện trước, mẹ hứa sẽ tập luyện cố gắng tự bước được những bước đầu tiên để đi đến gặp con. Mẹ tưởng tượng ra khuôn mặt con của mẹ sẽ như thế nào nhỉ? Sẽ là một thiên thần đáng yêu của mẹ.
Vậy là, ngày thứ 7 nằm viện, tháng 12 cuối năm, ngoài trời mây mù mưa phùn lạnh cả da thịt và trong lòng mẹ, bước xuống xe lăn, chập chững vịn từng bước chân, mẹ đi đến gặp con.
Chân mẹ không thể đứng vững, dường như muốn gục ngã, xung quanh con là rất nhiều sợi dây quấn quanh, nhiều mũi kim đâm vào da thịt và cả đầu, con chẳng được bú mẹ, họ truyền sợi dây gì đó vào miệng con. Ngón tay mẹ run run chạm nhẹ vào bàn tay con, bàn tay bé xíu xiu, thật mềm nhưng tím tái, con đang ngủ, trông con thật bé nhỏ. Mẹ cắn chặt răng, nức nở không lên tiếng, nước mắt giàn giụa mờ cả hình ảnh con. Mẹ nhìn con, muốn lưu lại hình ảnh con trong đầu thật kỹ, hình ảnh lần đầu gặp nhau của mẹ và con. Mẹ muốn ôm con, thật chặt, nhưng không thể. Chỉ có gần 15 phút, mẹ được đứng bên cạnh con, con của mẹ thật dũng cảm một mình nằm đây chiến đấu vượt qua đau đớn, mẹ sẽ cố gắng cùng con. Mẹ về nhà trước đợi con, con nhé!
Ngồi trên xe đi về nhà, lòng mẹ trống rỗng, trách bản thân chẳng thể bảo vệ được con. Nhưng giờ mẹ có thể tự đi chập chững được rồi, hằng ngày ba sẽ chở mẹ vào thăm con, mẹ sẽ vắt sữa ngọt lành cho con bú. Cả nhà mình sẽ sớm đoàn viên.
Niềm hy vọng của mẹ chỉ được le lói và đếm bằng giờ. Ngay buổi chiều hôm đó, bác sỹ yêu cầu chuyển con gấp vào Sài Gòn. Xé lòng - đó là những gì mẹ vẫn còn nguyên cảm xúc đến tận bây giờ. Một ngày giá lạnh cuối năm, bầu trời đen tối, mẹ khóc, khóc chẳng thể lên tiếng vì sợ mọi người lo cho mẹ, cắn chặt răng mà nước mắt cứ hai hàng chảy mãi. Mẹ gấp lại từng đôi tất-tã-khăn-áo quần-quấn-bình sữa vào balo cho con, ôm mọi thứ của con vào lòng, thật xót xa cho con của mẹ. Ngay trong đêm, ba cùng con trên chiếc xe cấp cứu.
Thêm 14 ngày tại bệnh viện, mỗi ngày là một ngày dài lê thê trông ngóng tình trạng của con. Chỉ một mình con trong phòng cách ly, nhưng bên ngoài con luôn có ba, có nội, có ngoại, có dì và cô chú lo lắng cho con.
Vậy là 14 ngày, mẹ không ngừng hy vọng, mẹ chẳng thể đi vào với con, tình yêu của mẹ chỉ có thể gửi gắm trong từng túi sữa mẹ vắt, bao nhiêu lần vắt là bấy nhiêu lần mẹ khóc, những lời nguyện cầu nhắn nhủ đến con được mẹ ghi lên từng túi sữa "Tít của Mẹ cố gắng lên nha, mẹ chẳng thể làm được gì cho con ngoài giọt sữa ngọt lành này, uống khoẻ nhanh về với mẹ, con nhé!". 14 ngày, mẹ cố gắng tập luyện đôi chân để chờ con về được trực tiếp chăm sóc con, đôi mắt mẹ như mờ hơn, mỗi bữa ăn chỉ đơn thuần cố nuốt vào thật nhiều để có sữa cho con chứ chẳng biết mùi vị là gì, mỗi giấc ngủ chỉ bắt đầu khi đã quá mệt nhoài. Đôi lần, mẹ nghe lén ngoại nói với mọi người rằng "sợ không qua khỏi", ai cũng khóc, nghẹn cứng cả cổ họng. Mẹ đau xót nương nhờ cửa Phật tụng Chú Đại Bi thật nhiều nguyện cầu xin con được khoẻ mạnh. Qua tuần thứ 2, con đã tỉnh hơn, mỗi ngày đều có thông tin hồi phục dần dần từ con.
Hạnh phúc đón con trở về nhà: "Cảm ơn con vì đã khoẻ mạnh"
Và rồi, tối ngày 27-12-2019, ngoại và ba đã mang con về với mẹ. Cuối cùng, mẹ đã được ẵm Tít của mẹ vào lòng. Chẳng thể nào hạnh phúc bằng, Tít của mẹ thật nhỏ bé, nhưng không sao, đã có mẹ bên cạnh, mẹ sẽ bảo vệ con, bằng mọi giá. Trong căn nhà nhỏ đầy yêu thương của chúng ta, ba mẹ và con cuối cùng đã được gặp nhau, cùng lúc, cùng cười, chỉ cần gia đình mình được bên nhau bao khó khăn sẽ chẳng là gì.
Sáng ngày 28-12-2019, mở mắt dậy, nhìn thấy con, hạnh phúc nào bằng khi con đang hiện diện ngay đây, bên cạnh vai kề vai mẹ. Mẹ đã mong chờ và tưởng tượng rất nhiều, nhưng không ngờ cảm giác ngay lúc này đây quá đỗi ngập tràn bình yên đến vậy. Mẹ được bế con trên tay.
Nhìn lại, 20 ngày trôi qua là thử thách buộc 3 người chúng ta, mỗi người một nhiệm vụ phải hoàn thành.
20 ngày, con trai của mẹ thật dũng cảm vượt qua thử thách đầu đời mà không phải đứa trẻ nào cũng có thể làm được. Dù không có ba mẹ bên cạnh, con vẫn ngoan, vẫn mạnh mẽ. Và rồi con từ từ trưởng thành khoẻ mạnh.
Con là siêu nhân của mẹ.
20 ngày, nỗi đau thân thể không sánh được nỗi đau bên trong mẹ, nhưng mẹ đã nhìn vào sự mạnh mẽ của con, của ba mà nỗ lực.
20 ngày, vòng tay ba to lớn biết bao nhiêu để che chở, bảo vệ mẹ và con. Bên ngoài nụ cười luôn cho mẹ chỗ dựa vững chắc thì mẹ biết bên trong ba đã đau đến nhường nào. Vậy mà, bao vất vả, mệt nhọc dường như bị ba giấu đi đâu mất, luôn có nụ cười tươi khi ba gặp mẹ, gặp con, nhưng đôi lúc mẹ lại thấy mắt ba đỏ hoe. Ngày ba hôn lên trán mẹ trong phòng hồi sức, ba cười nhưng sao mắt buồn đến vậy. Ba nói "con không sao, có anh đây rồi!". Ba tập cho mẹ từng bước chân đầu tiên hồi phục, xúc cho mẹ từng muỗng cơm, nằm cạnh mẹ mỗi đêm để mẹ yên giấc, là "thú vui" chọc cười mẹ mỗi ngày. Với con thì, ba đã đồng hành cùng con trong suốt những ngày dài tại Sài Gòn, mọi vất vả khó khăn ba giấu kín âm thầm (mãi đến khi con về mẹ mới biết được sự thật). Một người chưa từng biết ăn chay là gì đã nguyện ăn chay suốt hơn một tháng vì con. Ba đã luôn bên cạnh mẹ và con, mình thật may mắn khi có ba, đúng không nào?
20 ngày, gia đình nhỏ của mình được bao bọc bởi tình yêu thương của gia đình lớn. Một vỏ bọc kiên cố, không giới hạn và rất ấm áp làm lành dần mọi vết thương. Một tình cảm mà chỉ có gia đình mới có được.
Với mẹ, với gia đình mình, 20 ngày đã qua đó là những ngày thật may mắn và biết ơn.
Cảm ơn nội, ngoại, các dì, anh chị, đồng nghiệp và bạn bè thân đã tiếp sức cho gia đình nhỏ!
Cảm ơn anh - người chồng - người ba tuyệt vời!
Cảm ơn Tít - siêu nhân mặc tã của mẹ đã thật kiên cường độc lập. Sau này con lớn, mẹ sẽ kể cho con nghe lại câu chuyện này, để con hiểu rằng, khó khăn lớn nhất cuộc đời con đã trải qua được thì những khó khăn còn lại chẳng thể cản bước đường yêu thương của con với cuộc sống này, con nhé!
Chia sẻ thêm về bức thư trên, chị Bích Thảo tâm sự: "Bé bị nhiễm trùng sơ sinh. Mình thì bị liệt nửa người đến nay vẫn còn di chứng không cảm giác hoàn toàn phần chân. Thai kỳ khoẻ bình thường nhưng có lẽ là do thủ thuật gây mê của bác sĩ. Mình bị mê man trong phòng mổ luôn, lúc tỉnh dậy thì thấy đang khâu vết mổ xong rồi. Bé đẻ ra không có phòng ấp nên tím dần dẫn đến nhiễm trùng. Còn mình thì cứ thế mất cảm giác đau đớn từ xương ra...".