Đôi khi yêu thương con, không phải chỉ cho toàn trái ngọt

,
Chia sẻ

“Con gái, hè năm nay của con sẽ không là hè, không mùa hè nào như mùa hè này, nhưng đành vậy, vì sự trưởng thành của con, mẹ sẽ mạnh mẽ làm, dù lòng mẹ bất an…”

Online, thấy những dòng entry của bạn trên blog : “Con gái, hè năm nay của con sẽ không là hè, không mùa hè nào như mùa hè này, nhưng đành vậy, vì sự trưởng thành của con, vì không muốn con dựa dẫm mãi vào những thứ ba mẹ cho sẵn, mẹ sẽ mạnh mẽ làm, dù lòng mẹ bất an…”. Hỏi ra mới biết chị quyết định mùa hè này gửi con gái về nhà một người bạn thân. Đứa con nhỏ đã quen với sự hy sinh vô bờ bến của mẹ. Nó học hành chểnh mảng, các môn học đuối dần theo những buổi đi chơi, online, offline và những buồn giận vu vơ, vô trách nhiệm của tuổi mới lớn.

Nhà người bạn của chị ở miền thôn dã, hai vợ chồng là giáo viên Toán, đứa con lớn là giáo viên Ngoại ngữ, đủ tất cả cho một cuộc làm mới. Nhưng chị xót con gái chưa một lần xa nhà, chưa bao giờ xa mẹ một đêm, và đã quen sống trong tiện nghi sáng choang của thành phố.

Tôi khuyên bạn đừng buồn, đừng tự trách mình, đừng làm to tát vấn đề vì theo tôi, chuyến đi đó thực ra sẽ là một bước ngoặt lớn cho cô bé. Đôi khi chúng ta không hiểu những thứ con trẻ thực sự cần, chúng ta không đo lường được hết nhựa sống giấu trong những thân cây trẻ, mà ở một môi trường tốt, phù hợp, cái cây sẽ đột nhiên trở mình phát triển mạnh mẽ, nở bung ra những bông hoa rực rỡ muôn màu.
 
Con bận rộn với những online, offline... mà chểnh mảng việc học.

Với tôi, cách dạy trẻ tốt nhất không phải là nhốt chúng trong bốn bức tường, bảo làm bài, học bài và làm đúng hệt những điều cha mẹ bảo ban. Để tính cách một đứa trẻ hoàn thiện, đi càng nhiều, tiếp xúc và sống càng nhiều, mới là cách tốt nhất để một đứa trẻ đang tuổi dở dở ương ương trân trọng cuộc sống và quý những gì chúng đang có.  

Hồi còn nhỏ, tôi cũng từng là một đứa trẻ xét về mặt nào đó có thể được gọi là hoàn hảo.  Luôn luôn đứng đầu lớp, có nhiều năng khiếu nổi trội, đi đâu cũng được trầm trồ khen ngợi, là tấm gương sáng cho anh chị em trong họ trông vào, so sánh. Nhưng ngoài cái vẻ ngoài sáng chói đó ra, tôi không có một cái gì hơn cả. Tôi không nấu nổi cho mình một tô mì, không quan tâm đến ai trong gia đình vì tôi nghĩ, chuyện tôi học giỏi đã đủ cho tất cả.  Mẹ là người không hả hê với những tiếng tăm lặt vặt tôi đạt được.  Bà nhìn thấu sự không ổn trong tính cách của tôi, nhưng ở cái tuổi dở dở ương ương, lại thừa lời khen mà thiếu người thật lòng, tôi phản ứng rất tiêu cực với những dạy dỗ của mẹ. Thậm chí, để chọc tức mẹ, tôi còn cố phá hỏng chuyện học hành của chính mình để làm mẹ đau lòng.

Và mẹ cũng đã có một quyết định như bạn tôi hôm nay, cho tôi đi về nhà một người bà con, xa hẳn thành phố hiện đại, tiện nghi mà tôi đang ở. Lúc đó, tôi đã khóc, đã oán giận mẹ rất nhiều khi bị bỏ lại ở cái thị trấn heo hút và lạnh giá đó. Những ngày đầu, một con bé chảnh chọe không nấu nổi ấm nước cho cả nhà như tôi đã rất khổ sở khi phải còng lưng thổi lửa, dùng cành khô nhặt trong vườn chụm bếp nấu cơm. Năm giờ sáng đã phải thức dậy ăn cơm với mắm ruốc nấu loãng với ớt, dĩa rau lang luộc sơ sài rồi hái chè đến tận trưa, buổi chiều trần lưng ra sàng kính thưa các loại đậu: đậu phộng, đậu nành, đậu xanh, nhặt những hạt sần chai đến gãy lưng mới được một kg thành phẩm.

Lúc ra đi, tôi hậm hực gọi đó là đi đày nhưng cuối cùng, ba tháng ở miền quê bị phạt đó đã trở thành một mùa hè tuyệt đẹp. Tôi đã học được rất nhiều từ cuộc sống bên ngoài cánh cửa nhà cha mẹ. Tôi thấy những đứa trẻ nghèo cả buổi sáng đội chè ra nhà máy, buổi chiều tất tả đi học với mái tóc còn khét nắng. Tôi biết lao động mụ mẫm người để trưa về ăn cơm với nước ruốc kho loãng mà ngon tê lưỡi, biết rấn rấn nước mắt cảm ơn mợ khi được dành riêng một quả trứng rán vàng vì mợ sợ người thành phố quỵ ngã với bữa ăn đạm bạc của người nhà quê suốt đời rau mắm. Tôi cũng được các anh chị dạy cưỡi ngựa chạy lóc cóc dọc theo trang trại café, được xuống khe đãi hến nấu canh, được vào rừng xem các anh lấy hoa lan… Cuộc sống mở ra tuyệt đẹp, rừng rực những tranh đấu và khát vọng của con người.

Trở về thành phố, tôi trở thành người con khác, người học trò khác, đã biết nghĩ cho người khác nhiều hơn bản thân mình, đã biết cuộc đời này không chỉ gói gọn một dúm những ích kỷ toan tính của kẻ sớm tự mãn với bản thân. Nhờ chuyến đi của mẹ, tôi thấy cuộc đời này bao la những tình thương. Mỗi lần nhớ những đứa trẻ sáng sáng đội chè đến công ty chế biến, môi còn tím vì lạnh, tất tả, tất tả để còn kịp bữa học chiều, tôi thấy mình hạnh phúc lắm trong vòng tay che chở của bố mẹ, cảm thấy những điều mình làm chưa bao giờ đủ để đáp lại sự yêu thương vô bờ bến của hai người.
 
Trở về thành phố, tôi trở thành người con khác, người học trò khác.

Sau này được làm mẹ, tôi đã luôn dạy con như thế. Hễ có dịp là tôi mang con theo khắp mọi nơi. Mẹ con tôi đi dạo giữa lòng thành phố quen mà lạ, tìm hiểu từng ngóc ngách ngọn nguồn lịch sử của nơi mình lớn lên. Tôi đưa con tôi đến những hoạt động từ thiện mà tôi tham gia, dạy con đút cơm cho những đứa trẻ tật nguyền, dạy con chia sẻ từng cuốn tập, cái áo còn lành với những đứa trẻ không may. Tôi đưa con tôi về quê để biết trong chén cơm chúng ăn có bao nhiêu giọt mồ hôi, cho chúng trải qua đêm bên ánh đèn dầu để trở về thành phố, mỗi tối cúi đầu học bên ánh điện sáng choang, hiểu mình là người hạnh phúc.

Con tôi trưởng thành, cứng cáp hơn mẹ nó khi xưa. Và cũng khiêm tốn hơn.

Đôi khi yêu thương con, không phải chỉ cho chúng toàn trái ngọt. Có những vị đắng con cần nếm để cái nhân nhẩn ấy trở nên nồng nàn khi đã trôi đi. Nuôi con, cần cả yêu thương, nghiêm khắc, và biết lúc nào, điều gì sẽ tốt nhất cho con. Những điều tai nghe, mắt thấy có ích cho trẻ nhỏ hơn bất cứ bài giảng giáo điều nào.

Tôi ủng hộ bạn, mong bạn hãy cứng cỏi lên và tôi tin rằng, mùa hè năm nay sẽ là mùa hè đẹp nhất. Cô bé ấy sẽ quay lại thành phố với một hình hài khác và những điều chân thành đọng lại nơi tim.

Và bạn tôi, cũng sẽ là một người mẹ tuyệt vời !

Anh Anh

Chia sẻ