Dọa nạt khiến bé càng lì và bướng

,
Chia sẻ

Dỗ con mãi không được, chi quyết định dùng chiêu “bán mình”: “Nếu con đòi mua ô tô này thì bán mẹ đi mới có tiền mua đấy, con đồng ý không?”. Cậu bé vừa khóc vừa gật đầu cái rụp “đồng ý bán mẹ”.

“Con mà không ngoan, mẹ gọi chó sói vào đấy. Nó ngồi ngoài cửa kia kìa” - Chị N.H.N (Khu đô thị Trung Yên, Cầu Giấy) dọa đứa con gái mới 4 tuổi của mình khi bé cứ nhũng nhiễu khi có khách đến. Tưởng cô bé sợ, ai dè nó phản pháo “Mẹ mở cửa ra cho nó vào đi. Con sẽ làm thịt nó”. Cả chị N và khách đều ngỡ ngàng nhìn vào cô bé.

Trường hợp của chị N không phải là hiếm hoi và đây cũng không phải là lần đầu tiên con bé có phản ứng như vậy. Chị N cho biết, không hiểu con bé học được ở đâu cách nói thách thức như vậy. Lần đầu tiên con bé phản ứng như vậy trong tình huống nó cứ đòi cắt hình ảnh gói quà trong một quyển truyện tranh.

Chị dùng mọi cách dỗ dành, giảng giải cho con gái nghe rằng không nên cắt sách, sẽ trở thành bé không ngoan… nhưng nó vẫn kiên quyết đòi cắt. Bực mình, chị dọa con “Con mà cắt gói quà ấy mẹ sẽ vứt toàn bộ những quyển truyện, sách của con ra đống rác đấy”.
 
Tưởng dọa thế là con bé sẽ sợ bởi nó rất ham đọc truyện, ai ngờ, mắt nó tròn xoe nhìn mẹ, trả lời “Mẹ vứt hết đi, con chán chuyện rồi”. Chị N đứng lặng trước phản ứng của con mình mà không biết làm thế nào, đành để cháu cắt hình ảnh gói quà mà nó thích. Nhưng chị chỉ nghĩ đơn giản, con gái mình chán chuyện nên nói thế chứ không có ý gì khác cho tới lần có khách tới nhà kia…

Sau lần dọa nạt không thành công này, chị biết dọa nạt với con không còn tác dụng gì nữa…

Chị H.T.M (nhân viên kế toán một công ty máy tính) cũng gặp phải tình huống tương tự của chị N, chỉ khác là đứa con gái của chị mới chưa đầy 3 tuổi. Con gái chị được đáp ứng mọi việc từ nhỏ vì nó hay gào thét mỗi khi không đạt được nguyện vọng nào đó. Hai vợ chồng chị M vì không muốn thấy con khóc nên ngay lập tức cho nó những gì nó muốn.

Cho tới một ngày, con bé nhìn thấy quyển tập tô màu của cậu bé hàng xóm qua chơi. Nó ngay lập tức đòi hỏi, khóc lóc và hét toáng lên như thể cậu bạn kia lấy quyển của mình. Anh chị M quay sang nịnh cậu bé cho con mình mượn nhưng cậu bé không đồng ý, con bé được thể càng khóc to hơn.

Chị M bèn nghĩ ra một chiêu, “thách” con gái cho cậu bé kia toàn bộ số đồ chơi của mình để đổi lấy quyển tô màu ấy. Chị nghĩ con bé sẽ dừng ngay lại vì nó rất thích đống đồ chơi của mình, ai dè, nó gật đầu ngay lập tức và dốc toàn bộ số đồ chơi ra đưa cho “anh hàng xóm” để được chơi quyển tô màu.

Chị M tâm sự, bình thường, nó quý đống đồ chơi ấy lắm, ai sờ vào cũng không được, ngày nào đi học về nó cũng lôi đống đồ ấy ra chơi lủi thủi một mình.. Cứ tưởng nghe nói mất đồ chơi của mình con bé sẽ “tỉnh” ra, không ngờ…

Cũng may, cậu bé sau khi chơi chán đã bỏ lại toàn bộ số đồ chơi lại và không quên mang quyển tô màu về nhà mình. Con gái chị lại quay sang chơi miệt mài với đồ của mình.

Không dùng những chiêu dọa nạt nhẹ nhàng như chị N và chị M, chị N.T.H (nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông) chơi “độc” hơn khi quyết định thử dọa con mình bằng cách “mang mẹ đi bán”.

Chuyện xảy ra trong một lần cho con đi chơi ở một trung tâm thương mại sang trọng. Cậu bé 4 tuổi nhà chị H cứ mê mẩn một chiếc ô tô trị giá hơn 4 triệu đồng. Nó đòi ngồi lái thử và sau khi đã được ngồi vào xe thì cậu bé không chịu ra. Ngay cả khi chú bảo vệ trung tâm lại dọa nạt, cậu bé vẫn cứ kiên quyết ngồi ô tô, nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng vì khóc, đòi mẹ mua bằng được.

Dùng mọi cách để hướng sự tập trung của con vào đồ chơi khác không được, chị H quyết định dùng chiêu “bán mình”. Chị bảo với con “Nếu con đòi mua ô tô này thì bán mẹ đi mới có tiền mua đấy, con đồng ý không?”. Cậu bé vẫn nước mắt ngắn, nước mắt dài, gật đầu cái rụp “đồng ý bán mẹ”.

Chị H ngỡ ngàng nhìn con vì bình thường chị cũng gần gũi với con rất nhiều, làm bạn với con rất thân thiết. Không ngờ, để được chiếc ô tô, cu cậu không cần đến mẹ nữa. Nghĩ rằng con không hiểu “bán mẹ” là như thế nào, chị giải thích cho con “mẹ sẽ không ở với con nữa, con ở với ai”. Cậu bé đáp lời gọn lỏn “Con ở với bố”. Đến nước này thì chị H “chào thua” và quay ra ngoài, bỏ mặc cậu bé để 2 bố con tự xử lý với nhau.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, hiện nay, tình trạng dọa nạt con khi không dỗ được con đang rất phổ biến, có thể ban đầu bé sẽ sợ nhưng lâu dần, bé sẽ quen và không còn làm trẻ sợ hãi, nhất là khi bé có thể đạt được món đồ bé thích. Dọa nạt cũng không phải là cách tốt nhất trong nuôi dạy con. Khi dọa con, vô hình chung bạn đã hình thành nên trong trẻ tính chống đối và phản kháng.

Trong trường hợp này, tốt nhất những người mẹ nên nhẹ nhàng, thủ thỉ phân tích cho con nghe về sự đòi hỏi vô lý hoặc hứa với con thời điểm khác sẽ thực hiện ước muốn của trẻ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên hứa những gì có thể làm và nhớ thưc hiện lời hứa của mình. Khi bạn thất hứa, bé sẽ rất thất vọng và mất lòng tin nơi bạn. Với bé, bạn cũng không nên bắt bé hứa trước điều gì. Hãy để cha mẹ và con cái cư xử với nhau dựa trên nền tảng của niềm tin.

Phi Phi

Chia sẻ