Dô - ta nào, mẹ giúp con tập lẫy nhé
Giai đoạn bé bắt đầu học ngồi, điều khiển đầu tốt cũng là lúc bé biết lẫy. Bé bắt đầu biết lật người từ lưng sang bụng và ngược lại.
Khả năng này được thực hiện khi bé khoảng 2-3 tháng tuổi. Nhưng phải đến 5 (hoặc 6) tháng tuổi, bé mới lẫy thành thạo do lúc này, các cơ ở cổ và cơ cánh tay đã đủ chắc chắn, giúp bé vận động thành thục.
Hỗ trợ bé học lẫy
Khoảng
3 tháng tuổi, khi bạn đặt bé nằm sấp, bé sẽ ngỏng đầu dậy; đồng thời,
chống khuỷu tay để nâng đỡ cơ thể. Bài tập nhỏ này giúp bé chắc khỏe cơ
bắp cho giai đoạn lẫy. Có thể bé bất ngờ lật người trong lần đầu tiên
và khiến cha mẹ phải ngạc nhiên. Nhiều bé tự nhiên lật người từ đằng
trước (khi nằm sấp) ra đằng sau (tư thế nằm ngửa) rất nhanh.
Bố mẹ hãy là "trợ thủ" đắc lực cho con nhé!
Khoảng 5 tháng tuổi, bé biết nhấc đầu tốt, đẩy tay và cong lưng để nâng ngực lên cao hơn mặt sàn. Bé còn biết đá chân, vung vẩy đôi tay như đang học bơi. Tất cả những động tác này giúp bé chắc khỏe các cơ cần thiết cho việc hoàn thiện học lẫy ở bé, khoảng 6 tháng tuổi.
Bạn có thể khuyến khích bé học lẫy thông qua trò chơi. Nếu phát hiện bé tự nhiên lẫy, bạn hãy động viên bé lặp lại động tác này bằng cách lắc lư một món đồ chơi ở một bên, khiến bé tò mò và phải lật người để khám phá. Ngoài ra, bạn cũng có thể nằm nghiêng về một bên và quan sát bé lật người để đến gần mẹ hơn. Hãy vỗ tay, mỉm cười khen ngợi những cố gắng của con. Bạn cần để việc học lẫy ở bé là một hoạt động vui vẻ, chứ đừng bắt ép bé.
Nếu 3 tháng tuổi mà bé chưa có dấu hiệu lật người lần đầu tiên, bạn đừng vội chủ quan. Nhiều bé có những cú lật người ở thời điểm mà người mẹ không ngờ tới. Vì thế, không đặt bé nằm ở mép giường hay bề mặt không an toàn. Cú lật người đầu tiên có thể khiến bé bị tai nạn.
Một số bé biết lẫy theo đúng thời điểm. Nhưng cũng có một số bé bỏ qua giai đoạn này, tiến thẳng tới việc học ngồi và học bò. Nếu bé đạt những kỹ năng ở giai đoạn sau đó tốt mà bỏ qua việc học lẫy thì bạn không cần quá lo.
Dấu hiệu cần lo lắng
Nếu
bé chưa biết lẫy khi 6 tháng tuổi; tỏ ra không thích thú với mọi thứ
xung quanh, bạn cần đưa con đi khám. Dù các kỹ năng ở mỗi bé là khác
nhau (một số bé lẫy khá nhanh trong khi một số bé khác muộn hơn hoặc có
bé không lẫy) nhưng nếu bé không đạt được những kỹ năng khác như không
biết ngồi, không hứng thú chuyển động… thì bạn cần đưa con đi khám. Nên
nhớ, những bé sinh non thường đạt được kỹ năng kém hơn bé sinh đủ ngày.
Theo Mẹ&Bé