“Đố mẹ, tại sao lại thụ tinh được?”

,
Chia sẻ

“Mẹ ơi! Đố mẹ trứng và tinh trùng kết hợp với nhau được gọi là gì? Tại sao lại thụ tinh được?” - Bé Tuấn Anh học lớp 5 trường Tiểu học Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) hỏi mẹ như vậy khi vừa học môn Khoa học lớp 5.

Mẹ không giải thích nổi!
 
Chị Mai Hạnh, mẹ bé Tuấn Anh cho biết, sau khi học xong bài 4  “Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào?”, trong đó có hình vẽ mô tả khái quát quá trình thụ tinh. Con nó hỏi tôi là: Mẹ ơi! Tại sao lại cho trứng và tinh trùng gặp được nhau hả mẹ?, tôi không biết giải thích như thế nào. Tôi bất ngờ quá vì cháu còn nhỏ mà đã phải học chuyên sâu về vấn đề này.

Được biết, trong nội dung Bài 4, sách Khoa học lớp 5, có viết: Cơ thể chúng ta được hình thành từ sự kết hợp giữa trứng của mẹ và tinh trùng của bố. Quá trình tinh trùng kết hợp với trứng được gọi là sự thụ tinh. Trứng đã được thụ tinh gọi là hợp tử... và mô tả khái quát quá trình thụ tinh.

Ngoài kiến thức này ra, sách còn yêu cầu học sinh xem hình vẽ và phân biệt đâu là thai 5 tuần, 8 tuần, 3 tháng, khoảng 9 tháng.

Trong Bài 2-3 Nam hay Nữ? có đoạn: Đến một độ tuổi nhất định, cơ quan sinh dục mới phát triển, làm cho cơ thể nữ và nam có nhiều điểm khác nhau về mặt sinh học. Ví dụ: Nam thường có râu, cơ quan sinh dục nam tạo ra tinh trùng; Nữ có kinh nguyệt, cơ quan sinh dục nữ tạo ra trứng. Câu hỏi của bài là Nêu một số điểm khác biệt giữa nam và nữ về mặt sinh học?

Và trong Bài 5 Cần làm gì để cả mẹ và bé đều khoẻ? đặt câu hỏi hóc hơn: Phụ nữ có thai nên và không nên làm gì? Tại sao? - Đến tôi thực sự còn lúng túng nữa là các bé học sinh lớp 5, chị Mai Hạnh nói. 

Hình ảnh Bài 4, sách Khoa học lớp 5
 
Cô giáo cũng... đỏ mặt Cô giáo Nguyễn Thị Bốn (đã nghỉ hưu), Trường Tiểu học Đồng Mai, với thâm niên hơn 30 năm trong nghề cho biết, việc học sinh lớp 5 được học giới tính là rất cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, với nội dung kiến thức này thực sự quá tải với học sinh lớp 5 và không phù hợp với các em, thậm chí xem hình vẽ chúng tôi cũng khó hiểu nữa là giảng cho các em.

Được biết, sách Khoa học lớp 5, của Nhà xuất bản Giáo dục, Chủ biên là Bùi Phương Nga và Lương Việt Thái.

Thạc sỹ tâm lý Đinh Đoàn, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới tính - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, ông cũng bất ngờ khi cầm cuốn sách này mà trong đó có nội dung như vậy.

Tủm tỉm cười khi học

Khi PV phỏng vấn các cô giáo về chương trình  sách Khoa học lớp 5, hầu hết các giáo viên đều “từ chối trả lời”.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan, khối trưởng khối 5, trường Dân lập Nguyễn Siêu (Hà Nội) thì cho rằng: “Việc quá tải, hay hình ảnh không phù hợp của bài viết trong sách, chúng tôi không bàn cãi.

Với bài 2 -3, Namhay Nữ? và bài 4, Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào?, chúng tôi chỉ yêu cầu giới thiệu qua cho các cháu về các bức tranh và nhiệm vụ của học sinh là phát hiện thai nào 5 tuần, thai nào 8 tuần và 9 tháng; kết nối các hình trong sơ đồ của quá trình thụ tinh”.

“Khi học bài này, các em cứ tủm tỉm cười” - cô Lan cho hay.

“Sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT cho xuất bản thì đã có nghiên cứu. Ở Việt Nam đưa kiến thức giới tính vào sách giáo khoa bây giờ so với nước ngoài là muộn nên nếu có sai thì cũng đúng thôi. Có thể những người làm sách giáo khoa thực sự chưa hiểu và không đặt mình vào lứa tuổi trẻ con, thậm chí không đặt mình vào địa vị cô giáo dạy. Cô giáo lớp 5, thường chỉ học xong trung cấp, với kiến thức này với các cô còn xa lạ, đỏ mặt chứ nói làm sao dạy được với trẻ em 10 tuổi. Các cô sẽ “bó tay” trong khi giảng dạy vấn đề này” - Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho hay.

Ông Đoàn thắc mắc: “Khi đưa nội dung kiến thức vào sách giáo khoa là phải có mục đích, nhưng tôi không biết rằng, với học sinh lớp 5 mà đưa nội dung này vào thì nhằm với mục đích gì? Rõ ràng nội dung trứng và tinh trùng là từ ngữ tương đối khó hiểu với các em”.

Theo chuyên gia này, các cháu 10, 11 tuổi là thời kỳ tiền dậy thì. 1,2 năm sau các cháu mới đến tuổi dậy thì. Ở đây nên cung cấp cho các cháu những kiến thức không phải bối rối khi đến tuổi dậy thì. Chẳng hạn như là hướng dẫn các em học sinh gái là thời gian tới các em sẽ phải đón nhận hiện tượng kinh nguyệt như thế nào, để khoảng lớp 6,7 khi có kinh thì các em đã biết, vấn đề này mình đã được học ở lớp 5, chứng tỏ là mình lớn rồi, không phải bị bệnh. Đối với học sinh nam 12, 13 tuổi thì khi phát triển hệ lông hoặc tinh trùng thì các em không phải lo lắng và đó là hiện tượng đáng mừng.

Bản thân học sinh lớp 5, bố mẹ còn ép ăn từng bữa một đã khó chứ làm sao mà truyền tải được kiến thức nhiều như thế này. Chỉ nên đưa kiến thức xác định là con trai, con gái nên ăn mặc như thế nào, ứng xử với các bạn khác giới như thế nào... còn quá trình thụ thai, trứng và tinh trùng đã kết hợp với nhau như thế nào? Phụ nữ có thai nên và không nên làm gì? kiến thức này chỉ nên dành cho học sinh cấp III thì phù hợp. Đặc biệt những hình ảnh ở đây thì tôi nghĩ coppy nguyên bản trong cuối sách dành cho sinh viên Y khoa.

Bên cạnh đó, trong Bài 4, không nên để hình trứng, tinh trùng và bào thai như thế, học sinh rất ghê và nói rằng “ngày xưa mình thế này ư”, tạo nên ấn tượng không hay. Bài tinh trùng và trứng, cô giáo không giảng được bảo học sinh về hỏi bố mẹ, bố mẹ dù có hiểu nhưng khó diễn đạt cho con hiểu.

“Nói chung, trước khi đưa nội dung nào vào sách giáo khoa thì phải xác định đưa nội dung nào vào phù hợp với lứa tuổi. Đây là sự quá tải nặng nề về kiến thức với trẻ em” - Thạc sĩ tâm lý Đình Đoàn nhận định.

Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Chia sẻ