Điều kỳ diệu sẽ đến khi cha mẹ nói "cảm ơn" và "xin lỗi" với con

An Khê,
Chia sẻ

Nhiều phụ huynh không biết rằng, 2 từ "cảm ơn", "xin lỗi" mang sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ một cách bền vững và sâu sắc nhất. Thực tế, khi cha mẹ dám nói lời xin lỗi và cảm ơn với con, điều kỳ diệu sẽ xảy ra: Con học được sự tử tế từ chính cách cha mẹ sống mỗi ngày.

Điều kỳ diệu sẽ đến khi cha mẹ nói "cảm ơn" và "xin lỗi" với con - Ảnh 1.

Hành trình làm cha mẹ không cần hoàn hảo, chỉ cần đủ chân thành và kiên nhẫn để trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày cùng với con

Vì sao nhiều bậc phụ huynh ngại nói lời "xin lỗi" với con?

Trong hành trình nuôi dạy con, không ít bậc cha mẹ luôn giữ mình ở vị trí "người lớn luôn đúng". Họ cho rằng nói lời "xin lỗi" với con là điều không cần thiết - thậm chí không nên.

Có người sợ rằng lời xin lỗi sẽ làm giảm uy tín và sự nghiêm khắc của người làm cha mẹ. Có người lại cho rằng nếu mình nhận sai, con sẽ "nhờn", sẽ không còn tôn trọng người lớn. Có người đơn giản là không quen - vì bản thân cũng từng lớn lên trong môi trường mà người lớn hiếm khi xin lỗi trẻ nhỏ.

Cha mẹ học cách nói

Thạc sĩ - Chuyên gia Content Hoàng Hà

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ - Giảng viên - Chuyên gia Content Trần Hoàng Hà cho biết "xin lỗi" và "cảm ơn" là 2 từ khóa quan trọng, mang sức mạnh ngôn từ tích cực trên hành trình dạy con nên người mà mỗi bậc phụ huynh cần biết.

"Xin lỗi" và "Cảm ơn: Lời nhỏ gieo hạt tích cực

Chuyên gia Hoàng Hà cho biết, điều trẻ cần không phải là một người lớn hoàn hảo, mà là một người lớn chân thật và biết lắng nghe. Khi cha mẹ đủ dũng cảm để thừa nhận lỗi sai, trẻ không những không "nhờn" mà còn học được bài học về sự khiêm nhường và trách nhiệm.

Thay vì né tránh, chuyên gia này khuyên các bậc phụ huynh hãy bắt đầu từ những điều đơn giản:

- Hãy xin lỗi con ngay khi cha mẹ nhận ra mình sai, đừng để quá lâu khiến cảm xúc bị nguội lạnh.

- Nói lời xin lỗi bằng ánh mắt, giọng nói chân thành, kèm theo hành động sửa sai cụ thể (ví dụ: giải thích, hỏi ý con, hoặc cùng con tìm giải pháp).

- Đừng dùng câu "Nhưng mà..." sau lời xin lỗi, vì điều đó khiến lời xin lỗi mất đi giá trị.

Ví dụ: Thay vì nói "Mẹ xin lỗi vì đã quát con, nhưng con nghịch quá!", hãy để lời xin lỗi thật sự là sự thừa nhận lỗi sai: "Mẹ xin lỗi vì đã mất bình tĩnh và quát con. Mẹ sẽ cố gắng kiểm soát cảm xúc tốt hơn."

Theo Chuyên gia, lời xin lỗi không làm cha mẹ "mất điểm" trong mắt con, mà là nền tảng giúp con cảm thấy được tôn trọng và trở nên mạnh mẽ hơn về mặt cảm xúc.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của từ "cảm ơn" trong gia đình. Rất nhiều phụ huynh cho rằng, việc con giúp bố mẹ là điều đương nhiên. Trẻ gấp quần áo, dọn bàn, nhường đồ chơi cho em - tất cả đều được xem là "bổn phận". Chính vì thế, họ quên mất việc cảm ơn.

Nhưng với trẻ nhỏ, mỗi hành động tốt đều là một nỗ lực. Khi con biết giúp người khác, dù chỉ là một việc nhỏ như lấy hộ ly nước, đó cũng là một dấu hiệu cho thấy con đang học cách quan tâm. Và nếu hành động ấy được công nhận bằng lời cảm ơn, con sẽ hiểu rằng việc tử tế là điều đáng được trân trọng.

Ví dụ, bố mẹ chỉ cần dừng lại vài giây để nhìn vào mắt con và nói: "Cảm ơn con đã giúp bố mẹ gấp quần áo. Nhờ con mà bố mẹ đỡ mệt rồi" hay "Cảm ơn con đã chơi cùng em, trong lúc bố mẹ nấu ăn tối."

Những lời cảm ơn chân thành như vậy sẽ gieo vào lòng trẻ hạt mầm của sự biết ơn - điều sẽ lớn lên cùng con và giúp con biết cách sống tử tế với những người xung quanh.

Đừng chờ đến lúc con làm việc "to lớn" mới cảm ơn, bởi lẽ, mỗi hành động tốt, dù nhỏ của trẻ đều đáng được ghi nhận. Cha mẹ hãy cảm ơn bằng cả lời nói, ánh mắt, và nụ cười - để con cảm thấy lời cảm ơn không phải là nghĩa vụ, mà là sự yêu thương thật lòng. Ngoài ra, cha mẹ nên giúp con hiểu rằng lời cảm ơn không chỉ áp dụng với người ngoài, mà nên được áp dụng cả với bạn bè, em nhỏ và chính cha mẹ.

Chuyên gia Hoàng Hà cho biết thêm: Không chỉ "xin lỗi" và "cảm ơn", những ngôn từ cha mẹ sử dụng mỗi ngày đều góp phần định hình thế giới nội tâm của con.

Nếu mỗi ngày con nghe những lời tích cực, lời động viên, lời khen ngợi đúng lúc - con sẽ lớn lên với sự tự tin và lòng nhân ái.

Ngược lại, nếu ngôn từ cha mẹ dùng là những câu chê bai, so sánh, hay nặng nề trách mắng - con sẽ dần khép lại cảm xúc, thậm chí tổn thương lòng tự trọng.

Thay vì cố gắng trở thành những bậc cha mẹ "không bao giờ sai", hãy trở thành những người lớn biết học hỏi mỗi ngày. Một lời "xin lỗi" hay "cảm ơn" tưởng chừng nhỏ bé nhưng có thể tạo nên sự thay đổi lớn trong cách con nhìn nhận thế giới - và chính cha mẹ mình.

Hành trình làm cha mẹ không cần hoàn hảo, chỉ cần đủ chân thành và kiên nhẫn để trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày cùng với con.

Chia sẻ