Điều cha mẹ không nên làm khi con đang sợ hãi

Tùng Bách,
Chia sẻ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên lo sợ. Người lớn cần quan tâm và luôn khẳng định là chỗ dựa an toàn cho trẻ.

Điều cha mẹ không nên làm khi con đang sợ hãi - Ảnh 1.

Bố mẹ nên giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi. Ảnh minh họa: ITN.

Dừng ngay việc la mắng

Từ khoảng 2 tuổi trở lên, trẻ con thường sợ nhiều thứ như bóng đêm, quái vật, tiếng ồn, người lạ, người mặc đồ hình thú, nhân vật hoạt hình ở các cửa hàng trung tâm thương mại… Lúc này, các bậc cha mẹ cần lắng nghe, tìm hiểu lý do và giúp trẻ vượt qua nỗi sợ của mình dù là lớn hay nhỏ.

Cô Nguyễn Hà Trang (Trường Tiểu học Vạn Phúc, Hà Nội) cho rằng, với những nỗi sợ hãi của trẻ, người lớn hãy coi trọng và lắng nghe. Cần hỏi trẻ xem chính xác điều gì khiến chúng cảm thấy sợ hãi và chứng tỏ rằng bạn hiểu nỗi sợ hãi đó. Hãy trấn an trẻ rằng bạn sẽ ở bên cạnh nếu chúng cảm thấy sợ hãi một lần nữa.

Cô Trang cũng chia sẻ, trẻ sẽ ghi nhớ rất lâu điều gì khiến chúng bị tổn thương. Do đó, khi phát hiện con mình đang sợ hãi điều gì thì cha mẹ không nên xem thường nỗi sợ của trẻ, ép buộc trẻ đối mặt với nỗi sợ hoặc la mắng trẻ vì nỗi sợ của trẻ quá vô lý.

“Khi trẻ con đang sợ hãi mà còn bị la mắng sẽ gây nên cảm xúc rất tiêu cực, vừa sợ vừa hoang mang, ấm ức, lâu dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Nghiêm trọng hơn sẽ khiến cho trẻ không còn muốn chia sẻ với người thân. Lúc này các bậc cha mẹ cần lắng nghe, tìm hiểu và giúp trẻ vượt qua nỗi sợ”, cô Trang cho biết.

Đối với trẻ mầm non, nhiều hành xử của trẻ mang tính bản năng. Nếu con bạn hoảng sợ đến khóc to thì việc đầu tiên là nên tìm cách dỗ cho bé nín khóc. Ôm bé vào lòng cho bé cảm giác an toàn và thay vì nói “có gì sợ đâu”, “làm gì mà sợ”, “nó rất là bình thường con à”, thì hãy cho trẻ biết rằng bạn biết rất rõ con đang sợ và tìm cách xoa dịu, bảo vệ con trẻ. Cách phản ứng này của cha mẹ giúp trẻ hiểu rằng nỗi sợ là một điều bình thường và luôn có cách vượt qua nó.

Theo cô Trang, nên cố gắng trấn an để bé nín khóc và sử dụng giọng nói hài hước giữ cho bầu không khí vui vẻ. Hãy giải quyết nỗi sợ hoang đường của con mình theo cách thật sáng tạo.

Sau khi lắng nghe con trẻ kể về nỗi sợ của mình thì hãy xoa dịu con rằng ai cũng có thể sợ điều đó chứ không phải một mình con, nhưng chúng ta có cách vượt qua.

Cùng phân tích sự tưởng tượng cũng như nỗi ám ảnh của con và kể cho trẻ nghe những câu chuyện về các bạn nhỏ khác cũng có nỗi sợ tương tự, nhưng các bạn ấy đã có cách vượt qua nỗi sợ đó như thế nào.

Trường hợp trẻ sợ một hành động, sự việc gì do chưa hiểu rõ nguyên tắc của vấn đề thì cha mẹ hãy giải thích cho con thật đơn giản và minh họa cho trẻ thấy không có gì phải sợ.

Ví dụ: Trẻ sợ bồn cầu vì tiếng dội nước hoặc vì sợ rơi vào đó, cha mẹ hãy giải thích lợi ích và vai trò của bồn cầu, chỉ cho trẻ thấy bồn cầu hoạt động như thế nào và hướng dẫn cho bé sử dụng thử khi có mặt cha mẹ ở đó để con an tâm.

Đối với trẻ chưa hoàn thiện khả năng giao tiếp, có thể trẻ chưa thể diễn tả được mình đang sợ điều gì, vì sao lại sợ, chỉ thể hiện nỗi sợ của mình bằng một ít lý lẽ, phản ứng như nép người, chạy trốn, khóc… thì các bậc cha mẹ cần phải kiên nhẫn tìm hiểu, quan sát và ở bên cạnh con mình lúc đó.

Điều cha mẹ không nên làm khi con đang sợ hãi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa ITN.

Cùng con làm quen

Thực tế, có nhiều trẻ mang trong mình nỗi sợ “mơ hồ” hay với những nỗi sợ hữu hình như sợ con vật gì đó, sợ tiêm chích, thậm chí một món ăn nào đó thì cha mẹ cũng phải hết sức quan tâm và động viên con mình.

Giải pháp lúc này các bậc cha mẹ cần giải thích mỗi ngày, cùng con tập làm quen, tạo cảm giác an toàn cho trẻ khi trẻ tỏ ra sợ hãi. Đôi khi trẻ cần vài tháng hoặc cả năm để vượt qua một nỗi sợ nào đó nhưng cũng có thể trẻ chỉ giảm bớt và nhiều lúc trở thành sự ám ảnh khi con trưởng thành nên bạn phải thật kiên nhẫn cùng con giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, trẻ thường sợ đi học hoặc tham gia các sự kiện của trường. Trẻ có thể đang lo lắng, căng thẳng hoặc rất cảnh giác. Dấu hiệu của sự sợ hãi, cô đơn thể hiện cả khi trẻ có ít bạn bè trong trường hoặc ngoài trường. Mất bạn bè đột ngột hoặc trốn tránh các tình huống xã hội.

Ngoài ra, cần để ý quần áo, đồ điện tử hoặc đồ dùng cá nhân khác bị mất hoặc bị phá hủy hoặc thường xin tiền, học lực thấp. Trẻ cũng có thể ngủ không ngon hoặc gặp ác mộng. Trẻ hay than phiền về nhức đầu, đau dạ dày hoặc các bệnh thể chất khác.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, việc giúp con vượt qua nỗi sợ hãi là hãy cố gắng trấn an các con mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Trong thời gian đó, hãy quan sát và đồng hành cùng con để vượt qua cả những nỗi sợ, ám ảnh mà con phải chịu đựng từ trước đó. Bởi nhiều trẻ, không phải sự việc đã được giải quyết là có thể quên ngay được.

Có những nỗi sợ lâu dài khiến trẻ đeo bám mãi không dứt mà chỉ cần nhìn thấy kẻ xấu là con lại hốt hoảng, lo lắng. Vì vậy, người lớn hãy khéo léo dùng ngôn ngữ của mình để giải quyết, đồng hành, làm bạn để cùng con vượt qua những sợ hãi.

“Dù bạn có giải thích hoặc cố gắng giúp trẻ đối mặt với nỗi sợ của mình nhưng tuyệt đối đừng ép buộc trẻ đối diện với nỗi sợ khi bé chưa sẵn sàng vì nó sẽ khiến trẻ thêm hoảng sợ hơn”, cô Trang nhấn mạnh.
Chia sẻ