Diễn viên "giờ vàng VTV" bật khóc sau sinh vì câu nói của chồng, tâm sự về những vất vả, tủi thân từng trải qua
Nữ diễn viên vừa chào đón con gái thứ 2 cách đây vài ngày.
Lan Phương gây ấn tượng nhờ khả năng diễn xuất tinh tế, qua các bộ phim truyền hình trên khung giờ vàng như "Gia đình mình vui bất thình lình", "Thương ngày nắng về", "Cả một đời ân oán", "Nàng dâu order"... Không chỉ ghi dấu ấn với vẻ ngoài trẻ trung, xinh đẹp cùng tài năng nghệ thuật, diễn viên Lan Phương còn được quan tâm bởi cuộc sống hạnh phúc bên chồng Tây.
Mới đây, nữ diễn viên thông báo đã hạ sinh thành công con gái thứ 2 và có những dòng chia sẻ về người chồng của mình: "Hôm nay anh David đăng post chia sẻ về em bé Mia trên FB của anh ấy. Trong đó có câu nói về Phương: "Phuong has shown amazing strength throughout this journey and I’m so very proud of her" (Phương đã thể hiện sức mạnh tuyệt vời trong suốt hành trình này và tôi rất tự hào về cô ấy).
Đọc xong mình trào nước mắt. Cảm giác được thừa nhận những vất vả, những nỗ lực và cố gắng không ngừng mỗi ngày cũng xoa dịu rất nhiều những vất vả và cả những lúc tủi thân mình đã trải qua.
Cảm ơn anh vì đã luôn yêu và chăm sóc em, cảm ơn anh vì đã mang đến cho em 2 tình yêu lớn khác là Lina và Mia. Và như anh nói: "The family is complete". Chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng mỗi ngày để luôn như thế này anh nhé", nữ diễn viên tâm sự.
Ai theo dõi nữ diễn viên đều biết cô từng có khoảng thời gian mang thai rất mệt mỏi, tự mình làm hết mọi việc mà không có chồng ở bên. Vì thế, đôi khi bà mẹ 2 con cảm thấy chông chênh, tủi thân trên hành trình này. Thế nhưng vượt qua tất cả, sự hy sinh của người mẹ quả thực là điều kỳ diệu.
Trước đó, nữ diễn viên từng tâm sự về chuyện mang thai một mình khiến nhiều người không khỏi xúc động: "Mang thai 1 mình.
Đầu năm 2024, thai 7 tháng, chồng Phương chuyển công tác vào Đà Nẵng. Thế là bắt đầu hành trình mang thai và chăm Lina 1 mình. Anh ấy luôn cố gắng bay về nhiều nhất có thể và có lúc đưa Lina vào Đà Nẵng để Phương được nghỉ ngơi vài ngày nhưng dù sao điều rõ ràng là anh không thể ở bên cạnh Phương mỗi ngày.
Đầu tiên là việc Phương phải làm quen với sự thay đổi này. Sự trống trải và tủi thân là rõ nhất. Sự căng thẳng ít nhiều khi biết rằng mình sẽ không thể gọi: "Anh ơi giúp em ngồi dậy", hoặc là "anh ơi hôm nay em mệt và đau cơ thể quá". Và rúc vào lòng chồng. Việc đột ngột không thường xuyên có những điều đó nữa, cũng mang lại một chút cái gọi là căng thẳng (prenatal depression).
Ngoài ra thì là các cơn đau nhức từ từ kéo đến. Em bé mỗi ngày một lớn nên việc bé đè lên các cơ quan nội tạng khác của Phương khi thay đổi tư thế nằm khá thường xuyên và nhiều đêm gây ra đau đớn mà Phương phải cắn răng chịu đựng vài phút cho cơn đau qua đi. Rồi cơn đau xương mu thường xuyên đến khiến việc đi lại khá khó khăn. Ngồi hay nằm lâu 1 tư thế, đứng lên đi lại thì cơn đau ấy càng rõ ràng, Phương phải ì ạch nghiêng qua nghiêng lại để đi như con chim cánh cụt khổng lồ. Lúc tắm rửa, mặc quần áo, cúi xuống đi tất, đi giày cũng trở nên khó khăn theo do bụng to, xương đau, chân phù nhẹ và máu dồn xuống nhiều. Cũng may 2 lần chân bị chuột rút buổi đêm đều là lúc David ở nhà nên anh ấy giúp Phương giãn chân cho bớt đau.
Đứng ngồi, đi lại, thay đổi tư thế đều khó nên Phương cũng không chơi với Lina nhiều được. Đến ôm con cũng không thoải mái được do bụng quá to. Bé rất muốn mẹ chơi cùng nhưng bé cũng hiểu khó khăn của mẹ, không đòi mẹ quá nhiều. Nhưng nhìn mắt bé, Phương biết bé buồn và thèm được mẹ bế, ôm ấp và chơi cùng như trước.
Rồi nhiều đêm ôm Lina ngủ, những vấn đề trong việc điều hành Lalina kids café ùa đến. Cảm giác của việc bất lực vì không thể tập trung, không thể suy nghĩ nhiều, cũng không thể sâu sát những gì mà công việc kinh doanh cần cộng thêm cơn đau làm Phương òa khóc. Mà phải cố khóc nhẹ nhàng không để Lina hay mẹ Phương nghe thấy nữa cơ.
Những hôm có event hay có việc quay chụp quảng cáo thì Phương lại trở nên khá linh hoạt, vui vẻ, nhiều năng lượng. Nhưng qua ngày hôm sau là Phương sẽ nằm vật 1 chỗ vì quá mệt. Có lẽ việc tập trung chuẩn bị quần áo, ngồi lâu make up, làm tóc, đứng ngồi cười nói cho phù hợp với công việc khiến hôm sau cơ thể biểu tình buộc Phương phải nằm nghỉ cả ngày. Có lúc là 2 ngày sau vẫn quá mệt. Hôm nào đi sang Lalina làm việc thì hôm sau Phương cũng sẽ mệt rũ như thế.
Theo thời gian ngay cả việc đi lại của Phương cũng trở nên mệt mỏi hơn. Đi lại liên tục 30 phút để mua sắm là chân Phương rã rời. Sau đó là đúng nghĩa phải lết chân từng bước ra xe về nhà. Đứng lâu hay đi lại lâu hay cố sức nói chuyện nhiều cũng làm Phương mất sức khá nhanh.
Với tình trạng của mình, Phương nghĩ không phải mẹ bầu nào cũng gặp. Mỗi người có một cơ địa, hoàn cảnh, khó khăn về tinh thần, áp lực riêng nên mỗi người sẽ có những khó khăn riêng khi mang thai. Nhưng ít nhiều Phương có thể kết nối mình với những mẹ bầu đơn thân, những người mẹ thật mạnh mẽ khi lựa chọn một mình đi cùng sự hình thành, ra đời của con mình. Còn nếu mẹ bầu đơn thân mà cơ thể, tâm lí cũng phải gồng gánh nhiều thứ như Phương thì quả thật còn khó khăn gấp trăm lần. Vì dù sao Phương còn được gặp David 1-2 tuần 1 lần, còn họ thì không.
Các mẹ bầu yêu thương ơi, có lúc chúng ta không biết chia sẻ với ai để nhẹ bớt gánh nặng, có lúc chúng ta òa khóc, có lúc chúng ta giận dữ vì những gì chúng ta đang trải qua, nhưng Phương biết chắc 1 điều là chúng ta đều có thể mạnh mẽ, hít một hơi thật sâu và lại tiếp tục những gì mình cần phải làm. Bởi đích đến vẫn là sinh ra và nuôi dạy những em bé khỏe mạnh, hạnh phúc. Những em bé sẽ giúp chính chúng ta hoàn thiện mình và trở thành những người tốt hơn chúng ta của ngày hôm qua".
Sự khó khăn trong quãng thời gian này khiến Lan Phương mạnh mẽ, kiên cường hơn, cũng học được cách cân bằng trong việc chăm sóc con cái, sắp xếp công việc, nhà cửa sao cho trọn vẹn. Nữ diễn viên thấy rất đồng cảm và thấu hiểu với những bà mẹ đơn thân, dù vất vả nhưng luôn cố gắng vì con cái.
Mẹ bầu nên chăm sóc bản thân thế nào khi không có chồng bên cạnh?
Vì nhiều lý do mà không phải chị em nào cũng được chồng chăm sóc, hỗ trợ trong giai đoạn mang thai. Tuy nhiên, đây lại là thời gian vô cùng quan trọng, tâm lý của mẹ bầu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong bụng. Chính vì vậy, việc mẹ bầu học cách cân bằng và biết cách tự chăm sóc bản thân là điều nên làm.
Mẹ bầu cần chú trọng đến việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh, đảm bảo đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của em bé. Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh căng thẳng là rất quan trọng, nên lên lịch thăm khám thai định kỳ tại cơ sở y tế. Tìm kiếm sự giúp đỡ và tư vấn từ bạn bè, gia đình, các chuyên gia sức khỏe, hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ để không phải đối mặt với quá trình mang thai một mình.
Để chuẩn bị tâm lý cho việc mang thai một mình, các mẹ cần xây dựng thái độ tích cực và tự tin rằng mình có thể đối mặt với thách thức này. Hãy cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè và cộng đồng xung quanh để không cảm thấy cô đơn. Ngoài ra, việc tham gia các lớp học tiền sản, đọc sách và thông tin về thai kỳ, sinh nở có thể giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt hơn về mặt kiến thức và kỹ năng cần thiết khi làm mẹ. Đừng quên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình bằng cách thực hành thiền, yoga hoặc các hoạt động giải trí khác để giảm stress. Hãy nhớ rằng các mẹ không đơn độc và luôn có những nguồn hỗ trợ sẵn có.
Tâm lý của mẹ bầu có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bầu thường xuyên căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm, điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và phát triển của em bé trong bụng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ stress cao có thể dẫn đến việc sinh non, cân nặng khi sinh thấp và có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ sau này. Do đó, việc duy trì một tâm trạng ổn định và lành mạnh là rất quan trọng trong suốt thời kỳ mang thai.