Điểm lại các xu hướng sinh nở mới được các mẹ ưa chuộng nhất trong năm 2017
Ngoài các phương pháp sinh nở truyền thống vẫn khá phổ biến, năm 2017 chứng kiến sự ra đời nhiều xu hướng sinh nở mới được nhiều bà mẹ trên thế giới áp dụng.
Không phải tất cả những xu hướng sinh nở đó đều được đông đảo mọi người hưởng ứng, hay thậm chí một vài xu hướng bị lên án do gây phản cảm. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần đón đầu xu hướng một cách khôn ngoan để vẫn đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mẹ và bé.
Năm 2017 sắp kết thúc, hãy cùng điểm lại một vài xu hướng sinh nở “hot” nhất năm 2017.
Sinh mổ tự nhiên (natural caesarean) đã xuất hiện từ năm 2008, nhưng phải đến năm 2017, phương pháp này mới trở nên phổ biến trên thế giới, được nhiều mẹ lựa chọn. Sinh mổ tự nhiên là phương pháp kết hợp giữa sinh thường và sinh mổ, trong đó mẹ bầu vẫn cần mổ để đảm bảo an toàn nhưng trẻ sẽ tự vận động ra khỏi bụng mẹ mà không cần sự hỗ trợ của các y bác sỹ.
Em bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ tự nhiên hồi tháng 4/2017
Trong một ca sinh mổ tự nhiên, cách trẻ sơ sinh từ từ “trườn” ra khỏi bụng mẹ tương tự như một ca sinh thường. Quan trọng nhất, cha mẹ đóng vai trò trung tâm thay vì vai trò bị động của bệnh nhân. Bức màn chắn được hạ thấp để người mẹ có thể tận mắt chứng kiến khoảnh khắc đứa trẻ chào đời. Và bất cứ khi nào có thể, mong muốn của người mẹ đều được đáp ứng (ánh sáng mờ hơn, chọn bài hát, không nói chuyện trong phòng mổ, v.v…).
Sinh mổ tự nhiên bao gồm một vài yếu tố xuất hiện trong sinh thường, nhờ đó có nhiều ưu điểm hơn so với sinh mổ, như giúp tăng cường tình cảm gắn kết giữa mẹ và trẻ, gia tăng tỷ lệ cho con bú, cải thiện sự hài lòng của người mẹ trong ca sinh và dây rốn chỉ được cắt khi có sự đồng ý của cha mẹ.
Thông thường, sinh mổ tự nhiên chỉ được chỉ định cho những mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh chắc chắn sinh mổ vì ngôi thai không thuận hoặc các vấn đề sản khoa khác. Tuy nhiên một nhóm bác sỹ thuộc Bệnh viện Tưởng niệm Rhode Island đã bắt đầu áp dụng sinh mổ tự nhiên cho những mẹ bầu phải mổ gấp.
Dù có rất nhiều lợi thế nhưng theo tìm hiểu thì phương pháp sinh mổ tự nhiên hiện nay vẫn chưa được áp dụng ở các bệnh viện của Việt Nam.
#2 Tự tay kéo con ra khỏi bụng mẹ
Cũng là một hình thức sinh mổ nhưng năm 2017 còn chứng kiến sự nở rộ của một trào lưu mới đó là các bà mẹ tự tay đón con ra khỏi bụng mình. Trước khi sinh, các bà bầu đã phải tham gia rất nhiều buổi tư vấn, đào tạo và được cung cấp thông tin, thậm chí thực hành các động tác thật thuần thục trước để đảm bảo sẵn sàng cho ca mổ của mình.
Một bà mẹ người Úc tự tay đón con chào đời.
Vào ngày ca mổ diễn ra, sản phụ được đặt nằm trên bàn mổ cùng đôi găng tay đã tiệt trùng. Khác với những ca mổ đẻ thông thường, sản phụ hoàn toàn được nhìn thấy mọi việc đang diễn ra mà không có tấm màn che chắn nào, khi mọi thứ đã sẵn sàng, người mẹ tự đưa tay đón con ra ngoài. Ngay sau đó, em bé được thực hiện da tiếp da trên ngực người mẹ. Phương pháp này cũng ngày càng được các mẹ đón nhận bởi nó tăng cường sự gắn kết giữa hai mẹ con.
#3 Màn chắn trong suốt trong sinh mổ
Với những người mẹ không muốn sinh con bằng phương pháp sinh mổ vì lý do phương pháp này hạn chế mối liên kết gần gũi giữa mẹ và bé thì tấm chắn trong suốt được cho là có thể giúp họ khắc phục nhược điểm này.
Thông thường, người mẹ chỉ có thể gặp mặt đứa con mới chào đời sau ca sinh mổ một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, sự tiếp xúc gần gũi giữa người mẹ và đứa trẻ sớm hơn sẽ tốt hơn rất nhiều. Đứa trẻ thường chỉ được kéo ra và đặt trực tiếp lên ngực người mẹ trong các ca sinh thường, còn trong các ca sinh mổ, sự tiếp xúc giữa mẹ và con thường bị chậm hơn.
Bức màn trong suốt được đặt ngang bụng giúp người me tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình sinh mổ của bản thân và gặp mặt đứa con ngay khi được bác sỹ đưa ra khỏi bụng mẹ.
Nhiều nhiếp ảnh gia đã ghi lại được những khoảnh khắc tuyệt đẹp khi người mẹ có thể lần đầu tiên nhìn thấy đứa con mới chào đời qua một bức màn trong suốt đầy sáng tạo.
Bằng cách được nhìn thấy quá trình sinh mổ, được gặp mặt con sớm hơn, các sản phụ sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn và yên tâm hơn trong cả quá trình sinh mổ. Nhờ vậy, chúng ta có thể hạn chế được những vấn đề có thể xảy ra khi người mẹ đón con chào đời. Khi phụ nữ có cảm giác bất lực trong sinh nở, nguy cơ mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) có thể rất cao. Vì vậy, cảm giác kỳ diệu và mạnh mẽ khi được tận mắt chứng kiến đứa con của họ chào đời cũng có thể giảm thiểu khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) của người mẹ. Những lựa chọn như màn chắn trong suốt hay gỡ bỏ màn chắn chính là cách giúp hạn chế những vấn đề sau sinh đó.
#4 Khí cười giảm đau khi sinh
Khí cười đang ngày càng được sử dụng làm thuốc giảm đau trong sinh nở ở nhiều quốc gia. Như nhiều loại thuốc gây mê khác, khí cười có thể gây ra tác dụng phụ với người bệnh, nhưng nhìn chung khí cười khá an toàn trong quá trình sinh nở. Trên thực tế, nhiều quốc gia có nền y học phát triển như Canada, Thụy Điển, Australia, Phần Lan và Vương quốc Anh đang sử dụng khí cười với thành phần 50% khí oxy và 50% oxit nitơ để giảm đau cho sản phụ.
Như nhiều loại thuốc gây mê khác, khí cười có thể gây ra tác dụng phụ với người bệnh, nhưng nhìn chung khí cười khá an toàn trong quá trình sinh nở.
Khí cười đem lại nhiều ích lợi khi được sử dụng như thuốc giảm đau trong sinh nở:
Khí cười khá an toàn với sản phụ và thai nhi. Khí cười không gây ức chế sự giải phóng và chức năng của oxytocin nội sinh, vì vậy không ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ trong lần tiếp xúc đầu tiên với người mẹ. Khí cười không ảnh hưởng đến việc cho con bú. Khí cười không giúp người mẹ hết hoàn toàn cảm giác đau khi sinh, nhưng giúp người mẹ thư giãn và tăng khả năng chịu đau. Tác dụng của khí cười biến mất chỉ trong vòng 5 phút sau ca sinh. Ngoài ra, khí cười cho phép người mẹ tự quyết định liều dùng.
Tuy nhiên, khí cười có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt cũng các vấn đề về chức năng sinh sản với người tiếp xúc thường xuyên.
Nguồn: American Pregnancy/ Science Daily