Điểm danh các bệnh lý hay gặp ở trẻ
Mùa đông - xuân với khí hậu đặc trưng mát mẻ, se lạnh ở miền Nam hoặc lạnh vừa ở miền Bắc làm cho độ ẩm trong không khí cao. Đây chính là điều kiện lý tưởng cho các loại virus, vi khuẩn cùng các tác nhân khác phát triển và gây bệnh cho trẻ em, đối tượng rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu.
Một số bệnh hay gặp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em vẫn là bệnh phổ biến nhất. Nhóm bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em vào mùa đông - xuân cũng là nhóm bệnh về đường hô hấp, bao gồm những bệnh sau đây:
Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên chiếm tỷ lệ cao nhất với các bệnh phổ biến là viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA (tổ chức hạch bạch huyết vùng mũi họng), viêm amiđan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang... những bệnh này tuy đơn giản và dễ phát hiện, nếu không được chăm sóc thích hợp cũng có thể gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ như gây thở khó, hạn chế việc ăn uống hoặc bú mẹ, đôi khi có thể làm nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Với trẻ đã có tiền căn mắc bệnh hen phế quản (suyễn), khi mùa đông - xuân đến bệnh càng dễ tái phát và càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều trường hợp trẻ bị suyễn phải đi cấp cứu khiến cha mẹ rất lo lắng. Bởi vì trẻ bị bệnh hen phế quản, thời tiết chuyển lạnh vừa là nguyên nhân trực tiếp vừa là nguyên nhân gián tiếp, khiến trẻ dễ lên cơn co thắt phế quản gây khó thở dữ dội, thiếu oxy trầm trọng.
Đặc biệt, những trẻ đã có sẵn các bệnh mạn tính như: viêm phế quản mạn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính, trẻ bị mắc các bệnh lý tim mạch bẩm sinh... thường bị mắc bệnh nặng hơn và dễ bị những biến chứng nặng nề so với những trẻ bình thường khác. Những trẻ này phụ huynh cần tích cực chăm sóc và chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhiễm bệnh của trẻ.
Thời tiết với khí hậu lạnh ẩm, trẻ cũng rất dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất là bệnh tiêu chảy.
Bệnh tiêu chảy có thể là tiêu chảy thông thường (trẻ đi tiêu phân lỏng hoặc phân sệt 1 - 2 lần so với ngày thường) và cũng có thể là tiêu chảy cấp (trẻ đi tiêu phân lỏng toàn nước trên 3 lần trong vòng 24 giờ). Bệnh tiêu chảy cấp có thể do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là virus Rota. Bệnh tiêu chảy do virus Rota chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tiêu chảy mùa lạnh ở trẻ em. Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa đông - xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Vào mùa đông - xuân, nhất là sau dịp Tết, tình trạng ngộ độc thức ăn cũng rất phổ biến ở trẻ em, đây là bệnh lý nguy hiểm nếu trẻ mắc phải tình trạng ngộ độc thức ăn nghiêm trọng không được xử trí và điều trị tích cực kịp thời tại bệnh viện. Nguyên nhân chủ yếu do việc nấu nướng thức ăn trong những ngày Tết không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc việc lưu giữ thức ăn/thực phẩm chế biến sẵn không đúng cách đã làm cho người sử dụng bị ngộ độc, nhất là trẻ em.
Ngoài ra, mùa đông - xuân, một số bệnh về da của trẻ cũng dễ xuất hiện, tái phát nhiều lần như bệnh chàm (còn gọi là Eczema), nổi mày đay... đây là những căn bệnh gây rất nhiều “phiền toái” cho trẻ như gây ngứa ngáy, trẻ khó chịu hay quấy khóc và gãi chỗ ngứa rất nhiều làm chảy máu, rất dễ bị nhiễm trùng da.
Cần chủ động phòng bệnh
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ giúp trẻ tăng sức đề kháng. Tạo môi trường sống trong lành, sạch sẽ và thoáng khí giúp trẻ phòng tránh hiệu quả các bệnh lý đường hô hấp như hạn chế việc sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, tránh tình trạng bụi bẩn, khói thuốc lá trong nhà, khói công nghiệp.
Khuyến khích trẻ thực hiện thói quen rửa tay đúng cách, thường xuyên để loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua con đường tay - miệng, rửa tay được xem là liều vắc-xin miễn phí cho mọi người.
Giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là những trẻ có tiền căn - tiền sử về dị ứng và hen phế quản/suyễn bằng những biện pháp rất đơn giản như mặc thêm quần áo ấm, mang thêm vớ/tất, đội thêm mũ len hoặc quấn thêm chăn/mền ấm cho trẻ.
Thực hiện chế biến thức ăn những ngày đông - xuân cho trẻ theo quy trình “Vệ sinh an toàn thực phẩm” giúp trẻ phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa một cách thiết thực nhất, đặc biệt nên bảo quản và lưu giữ thực phẩm đúng cách để luôn đảm bảo sức khỏe những ngày đông - xuân cho mọi thành viên trong gia đình.
Thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động và hiệu quả nhất.