Đẻ thường tốt nhưng không nên cố

Nguyễn Hà,
Chia sẻ

Với những trường hợp thai to, ngôi thai xuống không thuận lợi, thì không nên đẻ thường. Nếu trong tình huống này vẫn cố đẻ thường sẽ dẫn đến rách phức tạp vùng âm đạo. Mặt khác em bé quá to và đường âm đạo không giãn và co lại được nhiều sẽ tạo thành điểm yếu ở vùng sản chậu, gây thoát vị, sa sinh dục.

Chị M.T.P. (Hà Nội) đã từng đẻ thường 2 lần. Khi đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để phẫu thuật thu hẹp tầng sinh môn, sau khi khám, bác sĩ phát hiện cơ vòng hậu môn của bệnh nhân đã bị đứt 1 nửa ở phía trên. Phần ống âm đạo và hậu môn mất đi phần cơ thẳng ở giữa.

Theo Ths.BSCKII Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh nhân này đã bị rách đứt 1 nửa cơ vòng hậu môn, nguy cơ nhiễm trùng từ âm đạo lên hậu môn rất cao, đặc biệt bệnh nhân không kiểm soát được việc đi đại tiện. Bác sĩ đã tư vấn tiến hành phẫu thuật để phục hồi tầng sinh môn và thu hẹp cửa âm đạo cho bệnh nhân.

Đẻ thường tốt nhưng không nên cố - Ảnh 1.

Đẻ thường tốt với những trường hợp đẻ thuận lợi, đẻ dễ dàng, tức là em bé không quá to, đẻ không bị rách phức tạp vùng tầng sinh môn, vùng âm đạo và phục hồi nhanh (ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Cường, đây không phải là trường hợp duy nhất. Có nhiều phụ nữ sa thành trước và sa thành sau âm đạo gây ra són tiểu do đẻ thường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người phụ nữ.

Bất cứ một thai phụ nào chuẩn bị đi sinh đều nên biết rằng mỗi phương pháp sinh có ưu và nhược điểm gì để đưa ra lựa chọn phù hợp, cùng với sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn đẻ mổ hay đẻ thường.

“Thông thường mọi người cho rằng đẻ thường là tốt. Thế nhưng đó mới chỉ là 1 nửa sự thật, bởi đẻ thường cũng tồn tại những nhược điểm. Đẻ thường và mổ đều có những mặt ưu và nhược, khi chấp nhận phương án nào, bạn cũng nên chấp nhận cả những nhược điểm của nó”, bác sĩ Cường nói.

Theo bác sĩ Cường, đẻ thường tốt với những trường hợp đẻ thuận lợi, đẻ dễ dàng, tức là em bé không quá to, đẻ không bị rách phức tạp vùng tầng sinh môn, vùng âm đạo và phục hồi nhanh.

Đẻ thường tốt nhưng không nên cố - Ảnh 2.

Ths.BSCKII Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Thế nhưng với những trường hợp thai to, ngôi thai xuống không thuận lợi, thì không nên đẻ thường. Nếu trong tình huống này vẫn cố đẻ thường sẽ dẫn đến rách phức tạp vùng âm đạo. Mặt khác em bé quá to và đường âm đạo không giãn và co lại được nhiều sẽ tạo thành điểm yếu ở vùng sản chậu, gây thoát vị, sa sinh dục.

Khi rách phức tạp ở âm đạo, tầng sinh môn sẽ gây ra hậu quả lớn như đứt cơ vòng hậu môn, tầng sinh môn (tức là phần giữa âm đạo và hậu môn có thể bị đứt tung ra). Chính điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến rối loạn đi đại tiện của bệnh nhân sau này.

Ngoài ra, với những ca đẻ thường khó thực hiện ở những cơ sở mà kỹ năng về việc đỡ đẻ không đúng thì tất cả hoạt động đẻ thường đều trở nên nguy hiểm.

“Với một ca mổ đẻ, một vết thương bình thường trên bụng, bác sẽ mất khoảng 30 phút để khâu. Với đẻ thường, có những trường hợp rách phức tạp ở tầng sinh môn phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ cũng chưa khâu xong. Và khi đã khâu xong thì mọi thứ rất khó về được như trạng thái bình thường, bởi sẹo bên trong âm đạo nhiều, rách hết cơ vòng hậu môn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống sau sinh ở phụ nữ”, bác sĩ Cường cho biết.

Do đó bác sĩ khuyến cáo, đẻ thường có ưu nhược điểm của nó. Sản phụ không nên cố đẻ thường mà hãy lựa chọn phương pháp nào dễ và thuận lợi nhất dựa trên sự tư vấn của y khoa.

Chia sẻ