Đẻ mổ ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?
Đẻ mổ hay đẻ thường phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ, sức khỏe và trọng lượng của thai... Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ các ca sinh mổ là 40%, thậm chí 60% ở nhiều địa phương.
Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của y học, việc sinh mổ dường như đang ngày càng bị lạm dụng, và quyền chỉ định đẻ thường hay đẻ mổ nhiều khi không còn thuộc về các bác sỹ, mà thuộc về sản phụ, người nhà bệnh nhân, hay thậm chí là thuộc về… thầy bói.
Tại Mỹ, tỷ lệ đẻ mổ lần đầu tiên được khảo sát năm 1965, và kết quả chỉ có 4,5% tổng số ca sinh là nhờ can thiệp phẫu thuật mổ lấy thai. Tỷ lệ này gia tăng đáng kể, lên 27% vào năm 2002, và đến năm 2013 tỷ lệ này là 33% [1].
Ở Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ các ca sinh mổ trung bình là 40%, thậm chí lên đến 60% ở nhiều địa phương [2].
Việc đẻ mổ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?
Chúng ta đều biết sinh đẻ là một quá trình sinh lý tự nhiên. Nhiều người tin rằng những trẻ được sinh bằng phương pháp mổ đẻ có hệ miễn dịch yếu kém hơn những trẻ sinh thường.
Điều này là dễ lý giải, vì những trẻ sinh mổ gặp phải những bất thường nên các bác sỹ mới chỉ định mổ lấy thai. Những vấn đề này có thể thuộc về bản thân các bé, hoặc do tình trạng của người mẹ. Nhưng dù nguyên nhân do đâu thì chúng cũng đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này.
Còn những trẻ khỏe mạnh, có thể đáp ứng được việc sinh thường nhưng cha mẹ vẫn quyết định sinh mổ thì sao?
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc lạm dụng chỉ định mổ lấy thai có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đối với sự hình thành và phát triển hệ miễn dịch của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, các bệnh dị ứng thực phẩm, chứng béo phì, hội chứng rò rỉ ruột và các vấn đề sức khỏe khác.
Đào sâu căn nguyên của hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng, chính những bất thường ở hệ vi sinh vật đường ruột là yếu tố chủ đạo dẫn đến sự khác nhau giữa hệ miễn dịch của trẻ đẻ mổ và trẻ được sinh ra bằng phương pháp sinh thường.
Ảnh minh họa
Hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ em được hình thành như thế nào?
Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, chúng phát triển trong một môi trường không có vi khuẩn, và được bảo vệ bởi màng ối. Do đó, đường tiêu hóa của chúng gần như vô trùng [3].
Trong quá trình sinh đẻ bình thường, mắt, mũi, môi, miệng và da của trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm (hay tiếp xúc) với vi khuẩn ở âm đạo của người mẹ.
Những vi khuẩn này vẫn được tìm thấy trong ruột người khỏe mạnh, và chúng sẽ nhanh chóng đi vào đường tiêu hóa, đường hô hấp và đường sinh dục của trẻ. Chúng bắt đầu tập trung và phát triển, đồng thời kích hoạt hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh [1].
Trong suốt 2 năm tiếp theo, do sự tiếp xúc với môi trường, việc đưa thức ăn nước uống vào đường tiêu hóa, hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ mới được định hình và phát triển hoàn chỉnh gần giống như của người lớn.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Nhi khoa Quốc tế (2013) đã cho thấy: Trong vòng 1 tuần kể từ khi sinh ra, trẻ sơ sinh đủ tháng và được sinh từ âm đạo bị "đổ bộ" bởi các vi khuẩn kỵ khí, phần lớn là Bacteroides. Trong khi đó, trẻ sinh mổ chậm được tiếp xúc với các vi khuẩn kỵ khí này, thay vào đó là các loài Klebsiella, Enterobacter và Clostridia [3].
Hệ quả là gì?
Trẻ được sinh nhờ phương pháp mổ đẻ không đi qua đường sinh sản của người mẹ, do đó không bị phơi nhiễm với cùng loại và cùng mức độ vi khuẩn như những trẻ sinh thường.
Chính vì thế, trẻ có khuynh hướng có ít lợi khuẩn hơn, và hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ không chỉ khác mà còn hoạt động kém hiệu quả hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh được mổ đẻ có lượng Clostridium difficile, một loại vi khuẩn gây tiêu chảy thường gặp trong môi trường bệnh viện, cao hơn.
Việc bắt đầu với một hệ vi khuẩn đường ruột không cân bằng có thể đeo bám trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ dị ứng với sữa và các sản phẩm từ sữa, kéo theo đó là sự hình thành chất nhầy dư thừa ở đường hô hấp, gây nên các vấn đề về mũi họng như cảm lạnh, nhiễm trùng tai, và hen phế quản.
Ảnh minh họa
Khi các bệnh này được điều trị bằng thuốc kháng sinh, vấn đề lại bị trầm trọng thêm khi một số thuốc kháng sinh phổ rộng tiếp tục làm giảm số lượng lợi khuẩn và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, tạo thành một vòng xoắn theo thời gian.
Ở trẻ em mắc chứng tự kỷ, người ta cũng tìm thấy những dấu vết của một hệ vi khuẩn đường ruột khác biệt. Đương nhiên đó chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến chứng bệnh này, nhưng người ta tin rằng nó có thể là một yếu tố góp phần quan trọng trong nhiều trường hợp tự kỷ ở trẻ.
Bởi vì trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa kém sẽ phải chịu đựng một danh sách dài những lần tiêm chủng để củng cố hệ miễn dịch yếu ớt của trẻ, và do đó, tăng nguy cơ phải chịu những tác dụng phụ từ những mũi Vaccine [1].
Probiotics (các men vi sinh) giúp được gì?
Biện pháp rõ ràng nhất giúp cải thiện tình trạng trên đơn giản là tránh việc sinh mổ nếu có thể. Cách thứ hai là lấy lại sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột bằng các sản phẩm bổ sung như thực phẩm lên men và Probiotics.
Gần đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Valencia, Tây Ban Nha đã tiến hành thu thập những mẫu phân su của trẻ sơ sinh để nghiên cứu. Họ nhận thấy rằng chủng loại và số lượng những vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa của trẻ liên quan đến lối sống của người mẹ, và thậm chí còn là một cơ sở để dự đoán các vấn đề sức khỏe của trẻ trong tương lai.
Từ lâu, chúng ta đã biết rằng hàng loạt những vấn đề sức khỏe như các bệnh tim mạch, hen , các chứng dị ứng, bệnh về da, thừa cân, rối loạn cảm xúc, hội chứng ruột kích thích, bệnh tự kỷ, tiểu đường, và hàng tá các chứng bệnh khác có liên quan mật thiết với cuộc sống của trẻ ngay từ giai đoạn thai nhi.
Theo một cách nào đó, chế độ ăn uống của người mẹ lúc mang thai rõ ràng là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể, nhưng các chủng vi khuẩn mà người mẹ truyền cho đứa trẻ trước và trong quá trình sinh đẻ thậm chí còn quan trọng hơn [1].
Chính vì thế, các nhà nghiên cứu cố gắng phân lập các chủng vi khuẩn có mặt một cách tự nhiên trong đường ruột của người, để tạo ra những sản phẩm bổ sung giúp hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ đẻ mổ tiếp cận gần giống như ở trẻ đẻ thường. Đó là một trong những biện pháp hứa hẹn giúp hạn chế tác dụng tiêu cực của việc sinh mổ lên sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
*Theo Drdavidwilliams, NCBI