Để đôi tay bé nghịch và khám phá thế giới

,
Chia sẻ

"Đánh chừa cái tay nghịch đất bẩn thỉu này", "đánh chừa cái tay nghịch nước làm ướt quần áo này"... nhiều bà mẹ trẻ đã dùng biện pháp trừng phạt ấy để dạy con mỗi khi trẻ làm vỡ đồ vật hoặc nghịch bẩn.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý Nguyễn Hạc Đạm Thư (Giải nhì - Giải thưởng Nguyễn Khắc Viện về Nghiên cứu tâm lý trẻ em, tác giả cuốn sách “6 năm đầu tiên của cuộc đời”), không nên ngăn cản mọi hành động của trẻ. Người lớn cần giải phóng đôi bàn tay của trẻ để chúng có thể tự do tìm hiểu thế giới đồ vật, từ đó phát huy óc sáng tạo.

Càng cấm, trẻ càng lén lút làm
 

Trẻ em cần được khuyến khích khả năng sáng tạo, khám phá thông qua các trò chơi. (Ảnh minh họa)

Bé Bi gần 3 tuổi rất thích tháo pin ở điều khiển tivi ra lắp vào ô tô, máy xúc của bé, khiến không ít lần bố Bi nổi giận vì không dùng điều khiển để chuyển kênh được, nên đã để điều khiển lên nóc tủ.
 
Từ đó, trước mặt bố mẹ, Bi không dám tháo pin ra nghịch, nhưng hễ không có ai là Bi lại tìm cách để lấy điều khiển tháo pin ra chơi đủ trò. Hậu quả là mấy lần ngã bươu đầu, sưng trán. Nhưng khủng khiếp hơn là một lần ông ngoại Bi bắt quả tang đứa cháu cưng đang cố gắng nhét pin vào bình rượu. Vội vàng kiểm tra, ôi thôi trong bình rượu có gần chục viên pin đũa bị tóp hết vỏ. Vậy là lâu nay, ông uống rượu... ngâm pin mà không biết.
 
Tương tự, bé Nguyễn Khải Hoàn cũng rất thích nghịch nước. Hễ thấy mẹ đi giặt quần áo là bé lại lẽo đẽo bám theo vào nhà tắm để thò tay vào chậu giặt. Bực mình, chị Minh bế thốc con nhốt vào phòng khách và cằn nhằn: “Phải nhốt vào đây thôi, ai cho nghịch nước hả, một ngày thay mấy bộ quần áo ai mà chịu được”.
 
Tuy nhiên, đang giặt thì có chuông điện thoại, chị Minh vội chạy lên nhà và sững sờ khi thấy cậu con trai đang lột quần đùi ra vò dưới vòi của bình nước lọc tinh khiết.
 
Trẻ mất tự tin nếu thường xuyên bị đe nẹt
 
Theo nhà tâm lý Nguyễn Hạc Đạm Thư, người có kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu về tâm lý trẻ em thì trẻ em ở lứa tuổi lên 2 đã cần phải phát triển đồng thời cả 4 kỹ năng: Trí tò mò ham hiểu biết, năng lực trí tuệ, ngôn ngữ và giao tiếp xã hội, chứ không chỉ phát triển trí khôn và ngôn ngữ.
 
Vì vậy, đây là thời điểm dễ nảy sinh “mâu thuẫn” giữa người lớn và trẻ con. Bởi nhiều khi để bảo vệ trẻ, người lớn đã vô tình cản trở sự tìm hiểu thế giới xung quanh trẻ, thông qua việc cấm đoán và trừng phạt đôi bàn tay trẻ.
 
Nếu trẻ thường xuyên bị cấm đoán, đe nẹt, lớn lên trẻ sẽ mất tự tin và kém sáng tạo, ngược lại trẻ sẽ thấy rất vui và thích thú nếu được thoả mãn nhu cầu. Nhà tâm lý Đạm Thư cho rằng, đôi tay chính là “phương tiện” để bé tìm hiểu thế giới đồ vật xung quanh. Thông qua đôi tay, trí não trẻ sẽ có nhiều sáng tạo hơn với các đồ chơi xung quanh mình.
 
Nên để trẻ được thoải mái trong việc chọn đồ chơi.
(Ảnh: Chí Cường)
 
Bà Thư kể rằng, một lần bà đến thăm một công viên ở Mátxcơva (Liên bang Nga) và cảm phục sự đồng cảm với trẻ của một bà mẹ Nga. Người mẹ Nga ấy đẩy con trên một chiếc xe đẩy đi trên đống tuyết, dưới xe đẩy là xô, xẻng và cào. Khi đứa trẻ đòi dừng lại nghịch tuyết, người mẹ đã lấy xô, xẻng ra đưa cho con và cùng chơi tuyết với con chỉ bằng hành động xúc đầy tuyết vào xô rồi lại đổ đi. Tuy nhiên, đứa trẻ cười khanh khách mỗi khi xô tuyết đầy và người mẹ vẫn nhẫn nại chơi cùng con trò chơi “vớ vẩn” này đến khi đứa trẻ chán mới thôi.
 
Vì vậy, theo nhà tâm lý học Nguyễn Hạc Đạm Thư, để trẻ phát huy hết khả năng sáng tạo từ tuổi thơ ấu, tốt nhất các gia đình nên dành cho trẻ một phòng nhỏ riêng biệt để trẻ có thể lăn lê bò xoài, đi lại thoải mái với những đồ chơi trẻ yêu thích. Tránh trường hợp có những tai nạn đáng tiếc khi trẻ lén lút làm vì bị cấm đoán.
 
Hầu hết cha mẹ không biết cách hỗ trợ trẻ về trí tuệ, cảm xúc và giao tiếp
 
Giáo sư tâm lý học người Mỹ Burton White, chuyên nghiên cứu tâm lý trẻ dưới 3 tuổi cho rằng, đa số các bậc cha mẹ ít mắc sai phạm trong dưỡng dục con khi chúng dưới 8 tháng, nhưng khi trẻ từ 8 tháng đến 2 tuổi, hầu hết các bậc cha mẹ không làm được như trước. Đặc biệt là không hỗ trợ được sự phát triển về mặt trí tuệ, cảm xúc và giao tiếp, thậm chí còn vô tình ngăn cản sự phát triển đồng bộ bốn  kỹ năng ở trẻ (trí tò mò ham hiểu biết, năng lực trí tuệ, ngôn ngữ và giao tiếp).
 
Ông cho rằng, thật bất công cho trẻ nếu trẻ luôn bị người lớn ngăn cấm không được xem, nghịch, đụng chạm, vào những đồ vật xung quanh. Bác sĩ tâm lý người Áo, A.Adler còn cảnh báo sẽ rất lo ngại nếu đứa trẻ không sờ mó, nghịch ngợm và thờ ơ với những thứ xung quanh, vì như vậy đứa trẻ đó có thể có những bất ổn về tâm lý.  
(Nguồn: womantoday)
 
Theo Mai Thuý
Giadinh
Chia sẻ