Để con không bị bắt cóc bố mẹ nhất định phải dạy trẻ những kĩ năng sau
Gần đây các tin tức về bắt cóc lan truyền chóng mặt khiến bố mẹ lo sợ hơn bao giờ hết. Đề phòng là quan trọng nhất, hãy dạy con những kĩ năng cần thiết sau để đối phó với bọn bắt cóc.
1. Hét thật to khi cảm thấy không an toàn
Khi kẻ bắt cóc chụp lấy bé, hét to để tìm kiếm sự cầu cứu, gây chú ý là một việc hết sức quan trọng. Tiếng hét còn là động lực để thúc đẩy con vùng vẫy mạnh hơn thoát khỏi tay kẻ xấu.
Nên tập cho bé hét to từ “bắt cóc” và “cháy nhà”. Vì bọn buôn người ngày càng tinh vi, chúng có thể sẽ nói bé là con của mình khi bé hô “bắt cóc”, từ đó người đi đường sẽ không chú ý nhiều. Và nếu bé hô to “cháy nhà” sẽ khiến kẻ tấn công bị phân tán ý chí, từ đó con có thể dễ dàng vùng chạy thoát thân. Nên tập cho bé cả 2 khẩu hiệu này để phòng khi rui ro nhất.
Bạn hoàn toàn có thể lồng ghép việc hô khẩu hiệu khi chơi đùa cùng con, vừa tăng cường ý thức cho con, vừa luyện phản xạ nhanh chóng.
2. Bình tĩnh xử lí khi bị lạc
Hãy dạy cho con cách xử lí khi bị lạc, nếu con thấy mình lạc mất bố mẹ thì cần chạy ngay vào các khu vực có bảo vệ như siêu thị mini, các cửa hàng lớn... và tìm cách liên lạc về cho bố mẹ, vì không phải lúc nào cũng có thể thấy được công an, nên hướng dẫn bé vào các khu vực công cộng có bảo vệ và quản lí sẽ linh động hơn.
Bạn hoàn toàn có thể dạy con, chỉ cho con những người mặc đồng phục bảo vệ, quản lí... khi đi siêu thị, các cửa hàng... để bé biết được đặc điểm nhận dạng của những người an toàn, có thể hỗ trợ khi con đi lạc.
3. Cùng con xem các video về bắt cóc
Cha mẹ hãy cùng trẻ xem những video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những bé khác gặp phải khi không ở cùng bố mẹ của mình. Sau đó, cha mẹ có thể khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ khi bé xem những video này để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống tương tự có thể xảy ra với trẻ nếu trẻ gặp phải.
4. Dạy con cách từ chối những món quà
Một trong những chiêu thức dụ người của bọn bắt cóc chính là các món quà hấp dẫn, bố mẹ hãy dạy con từ chối món quà của người lạ. Giải thích rõ cho bé người lạ là người chưa bao giờ gặp mặt, sẽ nói năng ngọt ngào và dụ dỗ con khi bố mẹ không ở gần bên.
Dạy con từ chối nhận quà từ người lạ (ảnh: Internet)
5. Dạy con học thuộc thông tin liên lạc của bố mẹ
Dạy con thuộc ít nhất là 1 số điện thoại của người thân trong gia đình, và dặn dò con không được tiết lộ với người lạ, phòng kẻ xấu có ý đồ. Chỉ đưa thông tin cho người “lạ an toàn” khi thật cần thiết.
Để cẩn thận hơn, khi đi xa hoặc đến nơi đông người, bố mẹ có thể viết thông tin liên hệ vào 1 mảnh giấy, sau đó bỏ vô túi quần, áo của con phòng ngừa lúc bị thất lạc. Và nhớ dặn dò con không tùy tiện đưa thông tin cho kẻ lạ, chỉ đưa cho những người “an toàn” mà bố mẹ hướng dẫn.
6. Dạy cho con về “người lạ an toàn”
Người lạ an toàn là người mà con có thể tin tưởng như cảnh sát giao thông, bảo vệ, nhân viên bán hàng trong siêu thị… những người bé có thể nhờ giúp đỡ khi bị lạc, có người theo dõi.
7. Cảnh giác với những lời gạ gẫm nhờ giúp đỡ
Trẻ con thường được dạy là nên thương yêu và giúp đỡ mọi người, lợi dụng điều này kẻ xấu thường giả danh nhờ lòng tốt của con trẻ mà dụ dỗ chúng rời xa khỏi vòng an toàn rồi thực hiện bắt cóc. Bạn cần dạy con trẻ, nếu người ta thật sự cần giúp đỡ, họ sẽ tìm đến người lớn hơn chứ không phải là trẻ em.
Và con cần tránh xa những người gạ gẫm giúp đỡ với câu nói đại loại như sau:
– Bố mẹ cháu đang gặp tai nạn, để cô/chú/bác/… đưa cháu đi đến chỗ bố/mẹ ngay.
– Cô là bạn của mẹ con, mẹ gửi cho con một món quà. Cô để nó ở xe, con đến lấy nhé.
– Có một bà cụ bị gãy tay, con đến phụ cô giúp bà lão đó nha.
– Có bạn muốn gặp con, bạn nhờ cô nhắn con ra ngoài đó.
– Con chó của chú đang bị lạc, con cùng đi tìm giúp chú nhé
Nếu có người lạ đến nói với bé những điều trên thì họ đều là đối tượng đáng nghi ngờ.
Hãy dạy con đối đáp với người lạ: “Cháu không quen cô/chú. Mẹ/bố cháu ở kia, để cháu hỏi ý mẹ/bố đã”.
8. Đối phó khi trẻ bị tấn công ngay cả khi có mặt phụ huynh
Bọn bắt cóc ngày càng táo tợn, chúng sẵn sàng uy hiếp, giằng co con trẻ ngay cả khi có người lớn cạnh bên. Chính vì thế, nếu gặp trường hợp này, hãy hô to “cướp”, để thu hút sự chú ý của mọi người, không kêu “cứu với” vì mọi người sẽ dễ hiểu nhầm là bạn đang nô đùa cùng trẻ.
Nếu bọn cướp giằng được trẻ và uy hiếp bằng vũ khí có thể gây sát thương, thì lập tức nhìn kĩ đặc điểm khuôn mặt, xe, biển số xe...để báo công an ngay lập tức.
(Tổng hợp)