Chơi với giấy ăn, bé 21 tháng tuổi bị suy hô hấp và bác sĩ gắp được vật này trong phổi

Ocean,
Chia sẻ

Bốn mẩu giấy ăn nhỏ, mỏng manh nhưng chèn một bên phổi trái gây tắc nghẽn phổi khiến bé Đạt khó thở, tím tái.

Vì hoàn cảnh bận rộn, nhiều gia đình vẫn phải để cho trẻ nhỏ chơi một mình. Thế nhưng, rất nhiều câu chuyện đau lòng cũng từ đây mà ra. Trẻ gặp không ít tai nạn vì chưa đủ nhận thức để kiểm soát các nguy cơ, hiểm họa xảy ra đối với mình. Mới đây, câu chuyện kinh khủng xảy ra với bé Thành Đạt (21 tháng tuổi, hiện sống tại Nghệ An) một lần nữa lại khiến bố mẹ hoảng hốt và phải thức tỉnh, cẩn thận hơn khi trông con. Bởi chỉ vì chơi một mình với hộp khăn giấy mà bé Đạt đã bị suy hô hấp khó thở, suýt mất mạng vì bị giấy chèn vào trong phổi.

Câu chuyện của bé Thành Đạt khi được chị Thúy Nguyễn (26 tuổi) – mẹ bé đăng lên trang cá nhân đã nhanh chóng nhận được hơn 7.100 lượt like và hơn 10.000 lượt chia sẻ chỉ sau ít giờ đồng hồ. Trong cảm giác vô cùng hoang mang, chị viết: "Cho đến lúc này mình vẫn chưa thôi hết sợ hãi vì chỉ một chút nữa thôi là có thể đã phải ân hận cả đời. Ngày hôm qua con vẫn chơi bình thường, không ai nghĩ được rằng chỉ một đêm thôi mà mọi chuyện diễn biến nhanh thế. Chỉ có một mảnh giấy ăn mềm nhỏ xíu mà suýt nữa mẹ đã mất con.

Chơi với giấy ăn, bé 21 tháng tuổi bị suy hô hấp và bác sĩ gắp được vật này trong phổi - Ảnh 1.

Hình ảnh bé Đạt khi còn khỏe mạnh, chơi vui bình thường.

Theo lời kể của chị Thúy, chiều ngày 31/3, bé Thành Đạt ngồi chơi một mình vì người lớn bận việc. Khoảng 5h chiều bé rút giấy trong hộp ra, chơi và xé mà không biết bằng cách nào lại hít phải. Đến buổi tối thì bé bắt đầu ho rất nhiều, nhưng mẹ bé lại chỉ nghĩ là con bị cảm cúm bình thường. Nhưng đến đêm thì bé có biểu hiện ho và khó thở rõ ràng hơn. Buổi sáng hôm sau ngày 1/4, thấy con không chơi nữa, cứ buồn buồn, mệt mệt thì cả nhà mới lo lắng thực sự. Gần trưa, khi thấy bé bị tím tái, thở rít vào, cả nhà mới vội vã đưa bé đi cấp cứu.

Chị Thúy cho biết thêm: “Khi ấy là khoảng 12h trưa, bé khó thở lắm rồi nhưng mình vẫn cố chấp cho con đi các phòng khám ở thành phố Vinh để tìm nơi cho con thở khí dung. Nhưng tất cả các phòng khám đều nghỉ trưa, mình mới phải cho con vào nhập viện. Bé được đưa thẳng vào phòng cấp cứu, chụp X-quang phổi. Nhưng kết quả chỉ cho thấy phổi mờ, trắng xóa mà không tìm được nguyên nhân. Trong trường hợp cấp bách, các bác sỹ ở tất cả các khoa đã phải hội chẩn gấp, nghi ngờ có dị vật trong phổi”.

Chơi với giấy ăn, bé 21 tháng tuổi bị suy hô hấp và bác sĩ gắp được vật này trong phổi - Ảnh 2.

Các bác sỹ đã hội chẩn cấp bách để đưa ra quyết định mổ nội soi gắp dị vật ở phổi.

Khi ấy, các bác sỹ hỏi chị Thúy xem ở nhà bé có ăn hay chơi gì không nhưng chị nghĩ mãi cũng không ra. “Còn khi được hỏi thì chồng mình nói rằng con có chơi hộp giấy, rút ra và xé thôi chứ không chơi gì lạ cả”, chị Thúy kể lại. Các bác sỹ dựa vào kết quả hội chẩn và lời kể của bố bé đã tiến hành gấp rút mổ nội soi và gắp dị vật ở phổi vào lúc 10h đêm. Những mẩu giấy nhỏ đã được gắp ra. Theo lời của các bác sỹ, những mẩu giấy chèn hẳn một bên phổi trái gây nên tình trạng khó thở, suy hô hấp ở bé Đạt.

Chơi với giấy ăn, bé 21 tháng tuổi bị suy hô hấp và bác sĩ gắp được vật này trong phổi - Ảnh 3.

Những mẩu giấy vụn đã được gắp ra từ phổi trái của bé Đạt.

“Hai tiếng đứng trước cửa phòng mổ dài như cả thế kỷ, thực sự rất kinh khủng. Cuối cùng, các bác sỹ đã đưa cho mình những thứ này, là 4 mảnh giấy mong manh, nhưng bám chặt ở phổi làm tắc nghẽn, chèn ép khiến con khó thở. Nếu đêm ấy mà không tìm ra nguyên nhân thì không biết mọi chuyện sẽ như thế nào nữa”, chị Thủy vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.

Sau khi được mổ nội soi và gắp dị vật, bé Đạt đã có thể thở trở lại bình thường, không còn tiếng rít nữa. Tuy vậy, phổi của bé vẫn bị viêm nhẹ vì còn một ít giấy nát vụn không thể gắp được. Các bác sỹ hiện đang hội chẩn để cho bé thuốc uống điều trị tiếp.

Chị Thúy chia sẻ thêm: “Bác sỹ thông báo rằng những thứ quan trọng nhất đã được xử lí. Hình ảnh X-quang chụp phổi đã đen, rõ trở lại. Nếu có điều kiện, bác sỹ khuyên gia đình nên chuyển lên tuyến bệnh viện trên để điều trị tiếp. Còn nếu ở lại bệnh viện tỉnh, bé sẽ được các bác sỹ theo dõi tiếp trong vòng 1 tuần nữa”.

Cũng theo lời chị Thúy, thì đây là một bài học để đời cho chị hay bất cứ ai đã, đang và sẽ làm mẹ. Bởi những vật dụng tưởng chừng như an toàn trong nhà nhưng lại tiềm tàng nguy hiểm chết người, có thể kể đến như hộp giấy mà con chị đã chơi. Chỉ một vài phút sơ suất, không cẩn trọng thôi, mẹ có thể sẽ phải ôm nỗi ân hận cả đời. Vì vậy, chị Thúy cho rằng, người mẹ nào cũng đừng nên rời tầm mắt khỏi con. Dù có bận đến thế nào đi nữa, mẹ cũng cần phải xác định được các nguy cơ để con luôn ở trong điều kiện an toàn.

Chia sẻ