Dạy trẻ không còn vòi vĩnh
Nài nỉ mãi vẫn không được mẹ mua siêu nhân, cậu con trai 5 tuổi của chị Lan (Hà Nội) giãy đành đạch, lăn ra đất ăn vạ. Dọa nạt, dỗ dành không được, cuối cùng chị Lan cũng mua.
Chị Lan cho biết, chị đến khổ với tính vòi vĩnh của cậu con trai. Ở nhà không thiếu nhưng cứ thấy cửa hàng bán đồ chơi là cậu lại sà vào, đòi mua siêu nhân cho bằng được. Con lại không biết giữ đồ, siêu nhân nào mua cũng chỉ chơi được 1-2 ngày rồi lại gãy tay, chân..., vứt xó nên chị không muốn mua thêm.
"Nhưng xin mua không được thì cháu ăn vạ, khóc lóc. Đánh, mắng con thì mình không nỡ, nên nhiều khi để yên chuyện, tôi vẫn phải mua cho xong", chị Lan tâm sự.
Giống như chị Lan, nhiều lần chị Hoài (Gia Lâm, Hà Nội) cũng gặp phải cảnh dở khóc cười vì cậu con trai 4 tuổi. Dù là con trai, nhưng cứ không vừa lòng là lại xị mặt, ngồi thu lu vào góc nhà, ôm mặt khóc, có khi đến 30 phút. Ai động vào thì càng khóc to hơn, thậm chí quay lại đánh bôm bốp.
Một lần, cả nhà chị đi siêu thị, bé cứ nằng nặc đòi vào chơi trò chơi. Chị không cho thế là con dậm chân, nhất quyết không chịu dù mẹ kéo tay, rồi ngồi bệt xuống nền nhà. Đến khi mọi người cố tình làm ngơ, bỏ đi về, bé vẫn không chịu dậy. Cuối cùng bố cháu phải quay lại bế lôi cổ về, chị Hoài kể.
Bà Hoàng Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng cho biết, một trong những điều khó nhất khi làm cha mẹ là nói "không" với con. Nhiều cha mẹ hay phàn nàn vì tính vòi vĩnh của trẻ và tỏ ra bất lực khi từ chối một đề nghị nào đó.
Trong cách giáo dục trẻ, giữa muốn và cần rất khác nhau. Tâm lý của trẻ bao giờ cũng muốn rất nhiều, mà muốn là vô cùng, trẻ cần phải hiểu rằng không phải lúc nào muốn cũng được. Vai trò của cha mẹ là đảm bảo yếu tố cần trên cơ sở quyền của trẻ.
"Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đáp ứng mọi mong muốn, đề nghị của con cái. Mà dù có thể cũng không nên vì nếu đáp ứng được 1, 2, 3 lần thì cũng sẽ đến lúc có điều không thể đáp ứng được. Vì thế, cha mẹ nên học cách nói "không" với con cái", bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, khi trẻ đã đề nghị bạn một việc gì đó nghĩa là trẻ mong muốn và hy vọng được đáp ứng. Nếu không được đáp ứng, bé sẽ buồn và thất vọng. Vì vậy cha mẹ nên chọn cách nói như thế nào để không làm trẻ buồn, thất vọng.
Trước lời đề nghị của con, cha mẹ nên lắng nghe một cách cẩn thận, chăm chú và dành thời gian suy xét lời đề nghị của bé, kể cả khi biết chắc chắn phải từ chối cũng không nên trả lời "không" ngay lập tức. Tránh việc con vừa nói đã phủi tay một cái: "Thôi. Vớ vẩn, cái này có cần đâu", có thể người lớn không cần nhưng trẻ cần.
Một trong những nguyên tắc khi cha mẹ nói "không" với con là phải xuất phát từ sự chân thành, coi trẻ như bạn. Nhiều khi chính cách nói của cha mẹ khiến trẻ giận hơn. Chẳng hạn, bạn có thể nói: "Con đã có 3 đồ chơi dạng này rồi, mua thêm thành 4, như thế có cần thiết mua ngay bây giờ không".
Bạn hãy phân tích để trẻ hiểu tại sao bạn không muốn đáp ứng yêu cầu của con. Khi bé có thể dự đoán được quyết định của cha mẹ, bạn hãy khẳng định câu trả lời "không". Nếu không được, bạn có thể hướng trẻ vào cái khác, có thể đáp ứng được, lại phù hợp hơn. Hoặc bạn gắn nó với một thời điểm mua khác. Đó có thể là phần thưởng được mua sau khi hoàn thành bài tập, kỳ thi, là phần thưởng do sự nỗ lực của trẻ, chứ không phải cứ muốn là được.
Bà Lan cũng nhấn mạnh, cha mẹ cần kiên nhẫn trước sự phản ứng của trẻ và không nên quá dễ dàng thay đổi câu trả lời "không" thành "có". Nếu sự không kiên quyết này được lặp đi lặp lại, trẻ sẽ có hiểu rằng bố mẹ có thể thay đổi câu trả lời, những phản ứng như khóc, mè nheo, hờn dỗi... có thể làm thay đổi quyết định của bố mẹ.
Theo Vnexpress