Dạy trẻ chấp nhận nỗi buồn

Lương Vũ,
Chia sẻ

Đôi khi, đừng cố gắng an ủi, hãy để trẻ tập luyện kỹ năng ứng phó với nỗi buồn trong cuộc đời, điều này cực kỳ quan trọng khi trẻ trưởng thành.

"Vợ chồng tôi phát hiện và phản ứng quá muộn, nên không còn cơ hội sửa sai. Bây giờ, tôi hiểu rằng có tiền cũng chẳng có ý nghĩa gì" - anh N.T (45 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP HCM) nghẹn ngào nói.

Hối hận thì đã muộn

Anh T., giám đốc công ty chuyên sản xuất nhựa có cơ sở sản xuất ở huyện Cần Giờ, quận Bình Tân và Tân Phú (TP HCM). Chị H.M (43 tuổi), vợ anh T., cũng trực tiếp trông coi chi nhánh, kiêm luôn tài chính. Vợ chồng anh gần như không còn thời gian rỗi.

Hơn 1 năm từ ngày con trai qua đời, mỗi lần nhìn lên di ảnh, nước mắt anh T. vẫn lăn dài. "Y. lúc nhỏ rất ngoan, học giỏi. Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi con bước vào học cấp 3" - anh T. nhớ lại.

Theo lời anh T., vợ chồng anh rời nhà từ tờ mờ sáng và về lúc đêm muộn. Thương con thiệt thòi nên từ nhỏ, Y. cần gì, anh chị đều đáp ứng. Rồi Y. giao du với bạn xấu, sa vào game, đua xe, yêu đương nhưng anh chị không biết, không hay. "Chiều hôm đó, tôi bàng hoàng nhận tin con bị thương rất nặng đang nằm bệnh viện vì đua xe. Đến nơi, chúng tôi không kịp nhìn con lần cuối. Bây giờ, có hối hận, đau đớn thì cũng quá muộn" - anh T. buồn rầu chia sẻ.

Dạy trẻ chấp nhận nỗi buồn - Ảnh 1.

Gần đây, chị N.M (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) mất ăn mất ngủ vì cậu con trai 12 tuổi trở nên trái tính, trái nết, không vừa ý điều gì là hất tung đồ đạc, miệng cãi lại cha mẹ nhem nhẻm.

"Lúc đầu, tôi không hiểu vì sao tự dưng con lại thế nên đưa con đi điều trị tâm lý. Bác sĩ nói do con ở tuổi dậy thì nên tâm tính thay đổi; đồng thời qua nói chuyện với bác sĩ, tôi hiểu được rằng tính cộc cằn, nóng nảy có phần thô lỗ của con là do "nhiễm" từ người lớn. Chồng tôi lúc nào cũng quát mắng, gặp chuyện không vui là dùng những lời lẽ không hay chì chiết con. Không có lấy một lời nhẹ nhàng hay cử chỉ ân cần với con. Tôi đang cố gắng thuyết phục chồng thay đổi, đừng làm tấm gương xấu cho con" - chị M. tâm sự.

Trong khi đó, chị P.C (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) thừa nhận đã sai lầm vì quá chiều chuộng con. "Thương con mồ côi cha sớm, từ nhỏ, tôi đã rất cưng chiều con gái, chưa từng để con đụng vào bất kỳ việc gì trong nhà. Thấy con thích gì, tôi đều mua, không có tiền cũng mượn để mua cho con. Nhưng chiều chuộng quá nên con bé không biết cư xử phải phép, không biết nghe lời ai. Giờ đây, con đã tốt nghiệp đại học vẫn không buồn tìm việc làm, ỷ vào mẹ" - chị C. thở dài.

Phải biết từ chối

Theo chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, thời hiện đại nhưng vẫn có không ít cha mẹ dạy con chưa đúng, khiến con ỷ lại, làm giảm đi cơ hội phát triển của trẻ.

"Có không ít cha mẹ dễ dàng đáp ứng mọi món đồ con yêu thích. Cần dừng ngay điều này. Hãy giữ thái độ rõ ràng, kiên quyết ngay cả khi trẻ ăn vạ, khóc lóc, làm mình làm mẩy. Cứ thế, theo thời gian, trẻ sẽ tự điều chỉnh hành vi, dần bỏ được thói quen xấu này.

Các nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ được nuôi dạy theo khuôn mẫu, ít được nuông chiều thì lòng tự trọng cao và dễ đồng cảm với người khác. Tuy nhiên, khi từ chối, cha mẹ cần đưa ra lý do ngắn gọn để trẻ hiểu vì sao bị từ chối.

Cạnh đó, cần khen ngợi trẻ khi chúng làm điều gì đó tốt, dù là nhỏ; dạy con lòng biết ơn để con cảm thấy hạnh phúc, dám đương đầu với nghịch cảnh và tăng sự hài lòng trong cuộc sống" - bà Mai Thanh Thủy nói.

Bà Thủy cũng lưu ý cha mẹ không nên chỉ trích, so sánh con với trẻ khác sẽ khiến con dễ bị tổn thương dần trở nên bướng bỉnh hơn.

Ngoài ra, cần đặt ra những quy tắc rồi khuyến khích trẻ kiểm soát hành vi. Từ đó kích thích trẻ có thói quen tự tìm cách điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp. Cha mẹ cũng hãy tử tế và tôn trọng người khác, vì trẻ thường học hỏi, bắt chước cách hành xử của người lớn. Nếu cha mẹ la mắng thô tục, con trẻ sẽ học cách làm tương tự khi chúng khó chịu. Lưu ý là sự tử tế không phải là nhượng bộ, dễ dãi mà để giúp trẻ bình tĩnh, dễ tiếp thu và hợp tác hơn.

"Trong cuộc sống, khó tránh những lúc trẻ cảm thấy buồn, thất vọng khiến cha mẹ xót xa. Nhưng đôi khi, đừng cố gắng an ủi, để trẻ tập luyện kỹ năng ứng phó với nỗi buồn trong cuộc đời, điều này cực kỳ quan trọng khi trẻ trưởng thành. Không có con có thể là bất hạnh, nhưng có con mà con hư thì bất hạnh ngàn lần" - chuyên gia Mai Thanh Thủy nhắn nhủ.

Thấy con trẻ có dấu hiệu hư, cần thay đổi phương thức dạy dỗ; không nên mong đợi con sẽ tiến bộ ngay mà cần có thời gian.
Chia sẻ