Đây là phương pháp bố mẹ Mỹ áp dụng để không bao giờ phải nhắc trẻ "Nhanh lên con"
Phương pháp đếm ngược thời gian của bố mẹ Mỹ rất hiệu quả trong việc giáo dục trẻ, trẻ vui chơi nhưng có tâm lý định trước thời gian.
Trì hoãn thời gian là thói quen thường ngày của trẻ nhỏ. Các mẹ chắc hẳn đã quen với việc nhắc trẻ đi ngủ vô số lần nhưng trẻ vẫn nghịch đồ chơi và không lên giường đúng giờ. Mỗi khi dắt trẻ đi công viên thì mẹ nài nỉ kiểu gì trẻ cũng không chịu về. Rõ ràng đã quá giờ cơm nhưng trẻ cứ hăng say được nghịch với đồ chơi thêm tí nữa. Hoặc trước khi ra khỏi cửa, mẹ phải hối thúc trẻ xỏ giày vào chân khoảng 10 lần thì bé mới chịu làm theo lời mẹ hay liên tục nói "Nhanh lên con!".
Nhằm giúp trẻ ý thức về thời gian, cha mẹ và giáo viên một số nhà trẻ ở Mỹ đã áp dụng bí kíp dưới đây để giúp trẻ tự quản lý thời gian, không còn tính lề mề nữa:
1. Quy luật tốt là tiền đề giúp trẻ quản lý thời gian
Thực tế, khi trẻ đầy tháng đã có thể phân biệt rõ ràng thời gian giữa ngày và đêm. Mỗi ngày, mẹ cho trẻ ăn, ngủ, chơi, tùy độ tuổi của trẻ thì mẹ cần điều chỉnh theo thời gian giúp trẻ quen với nhịp sinh hoạt. Mỗi ngày của trẻ cần được mẹ sắp xếp theo trình tự chứ không hỗn loạn, bát nháo. Điều này sẽ có lợi trong việc bồi dưỡng cảm giác an toàn ở trẻ nhỏ. Trẻ có giờ giấc sinh hoạt cố định sẽ hạn chế tình trạng thức giấc vào ban đêm, có lợi trong việc nghỉ ngơi của bố mẹ.
Hầu như bố mẹ nào cũng thường xuyên phải hối thúc "Nhanh lên con!".
Khi trẻ đi nhà trẻ, các bậc cha mẹ Mỹ sẽ bắt đầu bồi dưỡng trẻ về khả năng nhận thức quy luật của cuộc sống, quy luật về thời gian dậy sớm và đi ngủ. Đối với trẻ nhỏ chưa biết chữ, bố mẹ Mỹ sẽ dùng tranh minh họa về thời điểm đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, nghe kể truyện, sắp xếp đồ chơi. Chỉ cần nhìn tranh là trẻ có thể hiểu được quy định do bố mẹ đặt ra.
2. Đếm ngược thời gian
Tại Mỹ, khi bước vào nhà trẻ hoặc trường tiểu học, điều bạn nhận thấy đầu tiên sẽ là đồng hồ treo trên tường, bên cạnh là thời khóa biểu tương ứng. Đây là cách nền giáo dục Mỹ dạy trẻ nhận thức về thời gian, và tính quan trọng của thời khóa biểu.
Phổ cập về khái niệm thời gian là điều thật sự nên bắt đầu ngay từ khi trẻ đi nhà trẻ. Các bậc cha mẹ có thể treo một cái đồng hồ trong phòng trẻ, cho trẻ tiếp xúc với tranh ảnh nội dung liên quan về thời gian và các ngày trong tuần.
Làm sao giúp trẻ nhỏ nhận thức về khái niệm trừu tượng là thời gian? Ở công viên, khi trẻ nhỏ ham chơi không muốn về, cha mẹ thường bảo: "Đến giờ về nhà rồi!". Nhưng trẻ vẫn ham chơi và qua nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa muốn về, hình ảnh quen thuộc thường thấy là bố mẹ sẽ lôi kéo trẻ và trẻ sẽ bộc lộ sự phản kháng bằng cách khóc nhè trên suốt đoạn đường về nhà.
Cách giáo dục của phụ huynh ở Mỹ là, trước khi đến thời gian rời khỏi công viên, họ sẽ thông báo trước với trẻ. Chẳng hạn, đúng 12 giờ phải về nhà, mẹ Mỹ sẽ thông báo cho trẻ vào lúc 11 giờ 40 phút, rằng: "Còn 20 phút nữa là chúng ta phải về nhà!".
Khi đến mốc thời gian 12 giờ, họ sẽ thông báo với đứa trẻ là giờ chơi đã kết thúc và lập tức rời khỏi công viên. Phương pháp đếm ngược thời gian rất hiệu quả trong việc giáo dục trẻ, trẻ vui chơi nhưng có tâm lý định trước thời gian, trẻ sẽ không cảm thấy bất ngờ hay không kịp thích ứng về lời thông báo của mẹ, khi đúng giờ trẻ sẽ ngoan ngoãn nghe lời mẹ rời khỏi công viên.
Vui chơi nhưng có tâm lý định trước thời gian, trẻ sẽ không cảm thấy bất ngờ hay không kịp thích ứng về lời thông báo của mẹ (Ảnh minh họa).
3. Đọc số để hiểu thời gian đang trôi qua
Đọc số chính là cách nhận biết đồng hồ. Thông thường trẻ học tiểu học mới có thể đọc hiểu về con số trên đồng hồ. Tuy nhiên, việc dạy trẻ quản lý thời gian không nhất thiết đợi đến khi trẻ học tiểu học. Chỉ cần trẻ biết một chút về các con số là bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu thời gian mỗi ngày đang trôi qua.
Các bậc cha mẹ có thể vẽ hình minh họa, giúp trẻ ghi nhận hoạt động mỗi ngày đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian. Điều này giúp trẻ có cái nhìn trực quan về hoạt động tốn nhiều thời gian và ít thời gian nhất.
Theo thời gian, trẻ sẽ có sự đoán định chính xác về thời gian khi bắt tay vào mọi việc. Kĩ năng dự toán thời gian rất cần thiết và sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc của trẻ sau này. Thực tế, nhiều người có thói quen đến trễ là do họ không dự toán chính xác về mốc thời gian trước khi rời khỏi nhà.
4. Phân biệt giữa "việc cần thiết" và "việc muốn làm"
Dựa theo nguyên tắc việc cấp thiết và không cấp thiết là bí quyết quản lý thời gian, sắp xếp công việc theo trình tự hợp lý. Chúng ta luôn có nhiều việc muốn làm, nhưng thời gian thì có hạn. Bởi thế nhà trẻ và trường tiểu học ở Mỹ coi trọng trong việc giáo dục trẻ về "việc cần thiết" và "việc muốn làm", giúp trẻ hiểu rằng cho dù việc trẻ không thích nhưng bắt buộc trẻ phải làm.
Bố mẹ Mỹ giúp trẻ rèn luyện và phân biệt như sau: Chẳng hạn, bé cần ăn, cần ngủ và cần làm bài tập. Bé muốn chơi game, muốn đọc truyện, muốn chơi với bạn.
"Việc cần thiết" và "việc muốn làm" không nhất thiết xung đột nhau. Bố mẹ cần giúp trẻ sắp xếp thời gian hợp lý, xác định mục tiêu ngắn, mục tiêu lâu dài, ưu tiên trình tự thì trẻ sẽ sớm hoàn thành "việc cần thiết", sau đó trẻ sẽ có thời gian cho "việc muốn làm".
5. Ưu tiên trình tự việc cần làm
Stephen Richards Covey được biết đến với cuốn sách nổi tiếng "7 thói quen của người thành đạt". Trong đó, ông giúp mọi người phân biệt việc quan trọng và việc cấp thiết thành 4 loại:
- Việc quan trọng nhưng không cấp thiết.
- Việc cấp thiết nhưng không quan trọng.
- Việc quan trọng và rất cấp thiết.
- Việc không quan trọng và không cấp thiết.
Vậy chúng ta giúp trẻ sắp xếp trình tự ưu tiên như thế nào?
1. Việc quan trọng và rất cấp thiết
Việc này thường liên quan đến mục tiêu ngắn. Chẳng hạn, trẻ cần ôn bài chuẩn bị kỳ thi vào ngày mai, việc này rất quan trọng bởi không ôn bài sẽ phát sinh hậu quả là điểm kém.
2. Việc quan trọng nhưng không cấp thiết
Việc này thường liên quan đến mục tiêu lâu dài. Chẳng hạn, trẻ cần học ngoại ngữ, học kĩ năng, hoặc trở thành thành viên đội bơi.
3. Việc cấp thiết nhưng không quan trọng
Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ sẽ bị quấy nhiễu bởi những yếu tố liên quan. Chẳng hạn, trẻ muốn xem một bộ phim hoạt hình yêu thích, nhưng do trùng vào thời gian ôn bài, trẻ chỉ có thể chọn 1 trong 2. Trẻ phải ôn bài trước và bộ phim hoạt hình sẽ được xem lại vào lần sau.
4. Việc không quan trọng và không cấp thiết
Chẳng hạn, trẻ muốn đi đến tiệm đồ chơi hoặc đi công viên, nếu trẻ chưa làm xong việc bố mẹ giao thì đương nhiên việc đó phải xếp sau cùng.
Theo Sohu