Đây là lý do tại sao mẹ nên cho bé ăn bốc thường xuyên hơn nữa
Không chỉ giúp trẻ hào hứng với các loại đồ ăn mà ăn bốc bằng tay còn mang lại nhiều lợi ích khác chưa chắc các mẹ đã biết hết.
Việc cho bé được cầm nắm thức ăn và ăn bằng tay rất quan trọng, nó giúp bé học hỏi và phát triển hoàn thiện hơn. Ban đầu, khi bé 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé làm quen với 1 số loại đồ ăn dễ dàng cầm được trong tay, bé sẽ thích được khám phá đồ ăn. Khi bé bắt đầu ăn được nhiều loại thức ăn hơn, mẹ có thể để bé được ăn bằng tay với các loại đồ ăn đa dạng hơn, đầy đủ dưỡng chất hơn.
Bé 6 tháng tuổi có thể tập cầm nắm thức ăn (Ảnh minh họa).
Vậy tác dụng của việc cho bé ăn bốc là gì?
1. Giúp trẻ cầm nắm tốt hơn: Bé có xu hướng cầm nắm đồ vật bằng ngón trỏ và ngón cái và để trong lòng bàn tay từ 7-10 tháng tuổi. Lúc này, bé sẽ cố gắng đưa thức ăn lên miệng và để bé dùng tay đưa thức ăn có vẻ là cách dễ nhất trẻ có thể làm được ở giai đoạn này.
2. Giúp phát triển kĩ năng nói: Cử động cắn và nhai thức ăn giúp bé phát triển các cơ miệng và là tiền đề giúp bé phát triển ngôn ngữ, kĩ năng nói về sau. Mẹ có thể cho bé cầm nhiều loại thức ăn khác nhau, từ rau củ mềm đến loại trái cây cứng hơn, các món ăn dạng lỏng, hoặc bánh có thể tan trong miệng bé đều rất có ích cho việc phát triển kĩ năng nói của bé.
3. Giảm nguy cơ biếng ăn, kén ăn: Mẹ cho bé ăn bằng tay với cá loại thực phẩm đa dạng sẽ giúp bé bớt kén đồ ăn và dễ dàng chấp nhận đồ ăn hơn các bé khác. 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để giới thiệu cho bé làm quen với các loại thức ăn khác nhau.
4. Tăng khả năng phối hợp tay - mắt: Việc cầm nắm, giữ thức ăn bằng tay giúp bé phối hợp tay-mắt nhịp nhàng. Mẹ có thể đưa cho bé đồ ăn kích thước vừa phải, dễ cầm nắm, rồi chuyển sang loại khó nắm giữ hơn, ví dụ như chuối để tăng cường phối hợp tay - mắt hơn.
5. Tăng khả năng cảm quan: Khi cho bé ăn bốc bằng tay, mẹ sẽ lo lắng về việc thức ăn rơi vãi, lộn xộn, mất vệ sinh. Nhưng mẹ yên tâm vì khi bé trải nghiệm 1 món đồ ăn mới, bé sẽ thích được cầm, ngửi và thậm chí chơi với đồ ăn đó. Tất cả bổ trợ cho các giác quan và khả năng cảm quan của bé.
6. Giúp bé tự tin hơn: Một số bé không thích ăn bằng thìa, vì vậy hãy để bé được ăn bằng tay và luôn kiểm soát bé. Bé sẽ cảm thấy tự tin hơn với việc ăn bằng tay.
Bé tự tin hơn khi được tự cầm thức ăn (Ảnh minh họa).
1 số lưu ý khi cho bé ăn bốc bằng tay
- Đồ ăn nấu cho bé cần được nấu chín, đủ mềm và cắt thành miếng nhỏ, dễ cầm nắm.
- Có nhiều ý kiến cho rằng không nên cho bé sơ sinh ăn trứng, cá và các sản phẩm từ đậu nành quá sớm, bé có thể bị dị ứng thức ăn do sức đề kháng còn yếu. Nhưng theo nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ thì không có bằng chứng thực tiễn nào cho kết quả bé bị dị ứng do ăn những loại thực phẩm này. Cha mẹ có thể cân nhắc để cho bé ăn tùy thuộc cơ địa từng bé.
- Luôn rửa thật sạch tay bé trước và sau khi ăn.
Dưới đây là 1 số đồ ăn bé có thể dễ dàng cầm nắm bằng tay:
- Các loại rau, củ quả luộc mềm như cà rốt, súp lơ, củ cải…
- Các loại trái cây mềm: dưa vàng, dâu tây…
- Các loại bánh có hình tròn đầy như bánh quy, bánh rán…
- Các loại bánh mỳ thái lát hoặc bánh hình que.
- Cơm nắm thành hình tròn.
- Dưa chuột thái miếng dọc, to bản vừa tay bé.
- Các loại ngũ cốc
- Các loại thịt gà, bò, lợn…
Nguồn: Motherandbaby/Babycenter