Đây là 3 độ tuổi hoàng kim để dạy con nên người thành tài, bố mẹ cần lưu ý
Từ nghiên cứu của các nhà khoa học, bộ não trẻ con sẽ ổn định và hoàn thiện vào giai đoạn 10 tuổi. Sau đó, những hành vi và suy nghĩ của chúng sẽ không có nhiều thay đổi lớn.
Các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng trẻ con vào khoảng 3 tuổi, 7 tuổi và 10 tuổi là 3 bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của não bộ. Đây được xem là thời kỳ hoàng kim để trẻ tăng cường trí não, hoàn thiện hành động và suy nghĩ. Vì vậy, các bậc phụ huynh muốn con phát triển tốt thì nhất định phải lưu ý 3 giai đoạn này.
Ảnh minh họa
3 tuổi
Đây là thời điểm đầu tiên để nuôi dưỡng bản năng của trẻ. Khi trẻ 3 tuổi, chúng có ý thức mạnh mẽ và có quyền tự chủ, giai đoạn này chúng luôn trong trạng thái tìm bản năng của mình. Những bản năng này giúp bộ não chúng xuất hiện những đặc điểm như muốn cạnh tranh, muốn bắt chước, muốn làm điều gì đó cho bản thân, hoặc muốn trở thành bạn đồng hành với những người xung quanh như bố mẹ, anh chị em.
Tại thời điểm này, trẻ con không thích nhồi nhét quá nhiều kiến thức, tuy nhiên chúng sẽ tự cảm thấy hạnh phúc khi học được những điều mới mẻ. Đặc biệt, trong độ tuổi này, trẻ con không biết làm sao để thể hiện cảm xúc của mình nên sẽ khóc hoặc đánh. Vì vậy, trước tiên bố mẹ cần phải hiểu nhu cầu của trẻ, sau đó cho chúng cơ hội để lựa chọn, cố gắng không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Cụ thể như, khi những đứa trẻ không chịu rời khỏi màn hình TV thì bố mẹ có thể cho chúng chọn tắm hoặc nghe một câu chuyện trước khi đi ngủ, làm sao để chúng thấy những việc làm đó tốt hơn là xem TV. Điều quan trọng là để cho trẻ tiếp nhận mọi thứ bằng tâm trạng vui vẻ, và nên nhớ luôn khen ngợi chúng trong giai đoạn này.
Ảnh minh họa
7 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu học tiểu học, hay nói đúng hơn bước vào giai đoạn nổi loạn thứ 2 trong cuộc đời. Những đứa trẻ này khi đi học, thường có cảm giác mình trưởng thành. Khi trẻ con lên 7, lên 8 thường yêu thích thiên nhiên, mỗi buổi sáng thức dậy luôn tràn đầy năng lực và thích đến trường chơi cùng bạn bè. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại hạn chế sự tiếp xúc của con với môi trường bên ngoài, không cho đi chơi.
Trên thực tế, ở giai đoạn này, chúng cần phải ra ngoài nhiều hơn, để làm quen nhiều thứ. Bố mẹ không nên ép con liên tục học bài hay làm bài, điều này sẽ khiến chúng dễ ủ rũ và có những thói quen xấu. Khi trẻ con ở độ tuổi này nói "Chút nữa con làm" hoặc "Con không muốn làm" thì bố mẹ nên suy nghĩ, tại sao chúng lại nói như thế? Quan trọng hơn hết, bố mẹ cần nắm bắt tâm lý xem chúng đang muốn làm điều gì trước mà lại bảo đợi chút nữa.
Trong trường hợp này, bạn sẽ tạo điều kiện để chúng suy nghĩ xem cái gì làm trước sẽ có ích hơn. Đây là thời điểm quan trọng để trẻ con dễ thích ứng và cũng dễ thay đổi, vì vậy bố mẹ cần quan sát cẩn thận, dạy dỗ chúng đúng cách, và tốt nhất không nên để con có thói quen "chờ đợi" mọi thứ.
10 tuổi
Từ 7 đến 10 tuổi chính là lúc trẻ con thật sự cần học tập và điều chỉnh mọi hành vi, suy nghĩ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bộ não của trẻ trong giai đoạn này thuộc về sự hướng dẫn và mệnh lệnh của bố mẹ nhiều hơn. Nếu như bố mẹ có kinh nghiệm giáo dục phong phú sẽ có thể hướng dẫn chúng đi theo con đường rõ ràng. Thay vì nói rằng: "Con phải làm như vậy mới đúng", thì có thể thay bằng: "Con muốn làm như thế nào", để chúng cảm thấy mình được tôn trọng và có sự chọn lựa cho bản thân.
Bố mẹ không nên khiến con trẻ trở nên bế tắc trong giai đoạn này. Nếu chúng không thích điều gì, bạn có thể cho chúng một phương án khác để giải quyết. Thay vì bắt ép chúng học môn mà mình không thích, bố mẹ có thể nhẹ nhàng nói rằng: "Nếu không hiểu, con có thể hỏi cô giáo, con sẽ biết được nhiều hơn". Điều quan trọng hơn, bố mẹ phải làm sao để trẻ con ở độ tuổi này tự nói: "Con cũng muốn làm như thế". Nếu như trẻ con đang ở trong tình huống tự đưa ra hướng giải quyết, bạn có thể nói: "Hình như còn cách khác tốt hơn đấy, con suy nghĩ thử xem rồi mai chúng ta nói tiếp. Con là con của mẹ mà, nhất định sẽ nghĩ ra được cách giải quyết tốt nhất".
Nhìn chung, không chỉ 3 độ tuổi này mà trong quá trình con phát triển, bố mẹ cần linh hoạt, uyển chuyển, không sử dụng bạo lực, không lớn tiếng, tôn trọng suy nghĩ và hành động của chúng. Sau mỗi một quyết định, việc khen ngợi con là điều mà bố mẹ nên làm để chúng có động lực để trưởng thành.
(Nguồn: Sohu)