Dạy con tự xúc thìa để bé tự lập trong ăn uống

Minh Nhật,
Chia sẻ

Tự xúc ăn bằng thìa được coi là kỹ năng khó nhất trong số các kỹ năng bé học khi ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (BLW). Mới đây, một bà mẹ trẻ ở TPHCM đã chia sẻ phương pháp chị dạy con tự xúc ăn bằng thìa hiệu quả.

Trong phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW, tự xúc ăn bằng thìa là kỹ năng khó nhất đối với trẻ. Ban đầu con ăn bốc là chủ yếu, sau đó bé dần chuyển sang kỹ thuật nhón thức ăn, tập dùng ống hút... và cuối cùng tự xúc ăn bằng thìa.

Mới đây, chị Thủy (30 tuổi, TP HCM) đã chia sẻ kinh nghiệm của chị khi rèn kỹ năng tự xúc ăn bằng thìa cho con. Mẹ trẻ chia sẻ: "Đối với trẻ, đây là một kỹ năng vận động thực sự khó. Bởi vì nó đòi hỏi một chuỗi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác giữa não, mắt, tay và miệng. Một thìa thức ăn đi từ bát qua thìa vào tới miệng sẽ phải trải qua một chuỗi các phối hợp phức tạp của các bộ phận trên cơ thể. Vì thế mẹ cần phải dạy kỹ năng này cho con".

Kinh nghiệm rèn con tự xúc ăn bằng thìa của mẹ trẻ

1. Khi nào nên dạy bé tự xúc ăn bằng thìa?

Chị Thủy cho hay, khi con đã nhai nuốt tốt và thành thạo kỹ năng bốc nhón mẹ có thể giới thiệu thìa cho con. Với các em bé ăn BLW từ 6 tháng thì khoảng 9-10 tháng là các con đã hoàn thiện được các kỹ năng nhai nuốt, bốc nhón khá tốt rồi. Lúc này mẹ có thể cân nhắc đến việc tập xúc thìa cho con. Một số em bé sẽ thành thạo kỹ năng bốc nhón chậm hơn, khoảng 11-12 tháng, nên quan trọng nhất vẫn là sự quan sát của mẹ.

"Đừng nghĩ dạy con xúc thìa càng sớm thì con càng nhanh thành thạo mẹ nhé! Khi kỹ năng vận động tinh khéo của con chưa nhuần nhuyễn thì việc mẹ giới thiệu thìa cho con chỉ khiến con xem thìa là đồ chơi, cáu gắt vì chưa xúc được và khiến việc dọn dẹp của mẹ mệt mỏi hơn mà thôi" - chị Thủy chia sẻ.

Dạy con tự xúc ăn bằng thìa để bé tự lập trong ăn uống - Ảnh 1.

Chị Thủy và con trai của mình.

2. Rèn con tự xúc ăn bằng thìa như thế nào?

Có thể chia làm 2 giai đoạn:

+ Kỹ năng múc: Múc thức ăn lên từ bát.

+ Kỹ năng gập cổ tay: Gập cổ tay để đưa thìa có thức ăn từ bát lên miệng chính xác.

Mẹ trẻ TP HCM cho biết: "Mẹ cần quan sát xem bé thuộc nhóm "múc giỏi" hay "đưa vào miệng giỏi" để hỗ trợ con cho phù hợp.

+ Với các bé thuộc nhóm "múc giỏi"

Mẹ hãy cung cấp cho con các món ăn có độ bám dính tốt như cơm nếp, xôi, cháo đặc, khoai nghiền, sinh tố, soup, sữa chua… để con tập xúc. Những món ăn này dễ xúc và ít bị rơi rớt trên đường di chuyển từ bát lên miệng bé. Sau khi con xúc đồ ăn bám dính thành thạo rồi thì mẹ tăng độ khó lên với các món khô như cơm chiên, xôi vò, ngũ cốc, thịt băm, rau băm, trứng bác... Giai đoạn đầu con chưa biết đưa lên miệng mẹ hãy hỗ trợ đẩy tay con hoặc đẩy thìa lên gần miệng bé rồi giảm dần sự hỗ trợ nhé.

+ Với các bé nhóm "đưa lên miệng giỏi"

Mẹ hãy tập cho con dùng nĩa xiên thức ăn trước. Cho con tập xiên các loại trái cây, rau củ như táo, kiwi, cà rốt, su su, bí ngòi... cắt nhỏ. Giai đoạn đầu mẹ sẽ xiên thức ăn cho con trước - khi con đưa đồ ăn vào miệng thành thạo rồi, mẹ sẽ hướng dẫn con tập xiên - và cuối cùng là mẹ sẽ giới thiệu thìa cho con thay vì nĩa.

Như con trai mình, con thành thạo kỹ năng gập cổ tay hơn nên mình cho con học nĩa trước. Mình vẫn chế biến đồ ăn ở dạng bốc nhón cho con nhưng hơi to hơn chút để con dễ xiên. Đến bữa ăn mẹ ngồi cùng và hướng dẫn con cách cầm nĩa, xiên đồ ăn và đưa lên miệng như thế nào. Mình tập nĩa cho con từ 10 tháng, đến 12 tháng mới giới thiệu thìa thì con chỉ mất có 1 tháng là có thể xúc thìa thành thạo rồi.

Giai đoạn mới làm quen với thìa bé sẽ rất tò mò. Con chưa hiểu thìa dùng để xúc thức ăn và cách sử dụng thìa như thế nào. Có thể con sẽ chơi, gặm thìa hoặc thậm chí ném thìa đi.

Đây đơn giản là cách con khám phá thìa nên bố mẹ không cần quá lo lắng hay bực bội. Hãy nhất quán hướng dẫn con sử dụng thìa đúng cách để bé nhanh thành thạo kỹ năng này nhé! Ngoài ra, bố mẹ có thể hướng dẫn con các trò chơi rèn luyện khả năng vận động tinh, giúp con dần dần khéo léo hơn trong việc sử dụng ngón tay, bàn tay, cổ tay, bổ trợ cho việc tập xúc thìa của con rất tốt. Ví dụ: tập xúc các loại đậu/ hạt, xúc nước, xúc pom pom...".

Dạy con tự xúc ăn bằng thìa để bé tự lập trong ăn uống - Ảnh 2.

Những lưu ý quan trọng với mẹ khi rèn bé tự xúc ăn bằng thìa

- Hãy cho bé ăn cùng với gia đình để con có cơ hội quan sát người lớn dùng thìa, đũa như thế nào. Các con rất thích bắt chước người lớn.

- Thời gian đầu tập thìa bé sẽ rất dễ cáu gắt, nản vì chưa xúc được. Con có thể quăng ném thìa đi và chọn bốc. Đừng bực mình hay cố ép con xúc tiếp, hãy thử lại vào bữa tiếp theo.

- Cung cấp đồ ăn đúng với giai đoạn phát triển và kỹ năng của con.

- Đừng cố chỉnh sửa cách dùng thìa của con. Nếu bé muốn dùng tay trái/phải khi xúc thìa, hãy để con tự lựa chọn.

- Kể cả khi đã xúc thìa thành thạo rồi vẫn sẽ có một giai đoạn bé không muốn xúc và đòi mẹ đút. Giai đoạn này bố mẹ nên khuyến khích con tự xúc chứ đừng đút cho con.

- Mẹ phải chuẩn bị tinh thần dọn dẹp vì bé học thìa thật sự rất rất bẩn (đây là lý do tại sao tận 12 tháng mình mới giới thiệu thìa cho con, vì mình lười dọn dẹp đó).

Thời gian đầu con chưa xúc thành thạo thì việc bé làm đổ đồ ăn, vương vãi khắp nhà, thậm chí bôi trét lên đầu lên cổ là điều dĩ nhiên. Mẹ có thể trải 1 tấm bạt lớn dưới nền nhà, cho con mặc yếmđể giảm thiểu thời gian dọn dẹp vệ sinh sau mỗi bữa ăn của con.

- Và cuối cùng, mẹ phải thật kiên trì. Vì thời gian học kỹ năng của mỗi bé mỗi khác và học xúc thìa thật sự là một kỹ năng rất khó với bé, nên mẹ đừng lo lắng, sốt ruột hay so sánh em bé của mình với em bé nào khác nhé!

Dạy con tự xúc thìa để bé tự lập trong ăn uống - Ảnh 3.

 

Chia sẻ