Dạy con tiết kiệm - 'khóa học bắt buộc'
Tiết kiệm được coi là kỹ năng cha mẹ có thể dạy trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào.
Có kỹ năng tiết kiệm càng sớm, trẻ sẽ càng sẵn sàng khi bước vào giai đoạn tự lập.
Cha mẹ hãy biến việc dạy kỹ năng tiết kiệm thành niềm vui cho trẻ. Dạy trẻ chi tiêu, tắt đèn khi ra khỏi phòng hay ăn hết thức ăn… và biến những khoảng khắc đó thành niềm vui với trẻ.
Công việc không dễ dàng
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái, cũng giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình”.
Trong khi đó, doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki - tác giả cuốn “Cha giàu, cha nghèo” - cho biết: “Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sợ bạn và con của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn”.
Theo các chuyên gia, không bao giờ là quá sớm cho việc giáo dục con về tiền bạc. Trong quá trình lớn lên của trẻ, sự thiếu nhận thức đúng đắn về tiền bạc khiến trẻ không hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền, không biết cách sử dụng tiền và dễ sai lầm.
Trong đó, dạy con tiết kiệm là một trong những công việc khó khăn và vất vả nhất của cha mẹ. Bởi, nuôi dạy trẻ cần phương pháp và thời gian, không phải ngày một ngày hai mà cha mẹ có thể khiến một đứa trẻ từ nghe lời, thành tự giác, rồi có một thói quen.
Công việc dạy trẻ tiết kiệm càng trở nên khó khăn hơn gấp bội, khi cha mẹ cần hướng dẫn con cách sử dụng tiền hợp lý. Thậm chí, xa hơn là đầu tư và kiếm tiền từ sức lực của chính bản thân.
Bé Hoài An (Ba Đình, Hà Nội) dù mới 7 tuổi, nhưng luôn sắp xếp đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân gọn gàng. Những thói quen tốt đó của Hoài An là nhờ cha mẹ bé luôn ân cần chỉ dạy. Cha mẹ còn dạy bé gấp quần áo cũ, cất gọn để mang đi ủng hộ những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Anh Quang Huy - bố của bé Hoài An - chia sẻ: “Làm như vậy sẽ giúp các con nhận thức được giá trị của việc tiết kiệm, biết trân quý giá trị của cuộc sống. Thực tế, các con như một tờ giấy trắng, vẫn còn mải chơi, nay mình nhắc nhưng mải chơi lại quên. Tuy nhiên, khi phụ huynh kiên nhẫn dành thời gian hướng dẫn, bảo ban con thêm 1 - 2 lần thì trẻ sẽ có thói quen tốt và dần trở thành người biết tiết kiệm”.
Dạy con tiết kiệm đơn giản là bắt đầu từ những việc nhỏ như nuôi lợn đất, giữ gìn đồ dùng… tất cả cần đặt mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Hơn hết, cha mẹ cần vừa làm người bạn đồng hành, vừa là tấm gương cho con học tập.
Ở hầu hết các quốc gia châu Á, cha mẹ sẽ quản lý tiền tiêu vặt của con. Phụ huynh cũng sẽ chi thêm cho các khoản phát sinh. Tuy nhiên, ở Nhật Bản lại không phải như vậy. Tại xứ sở hoa anh đào, phụ huynh mong muốn giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và tự quản lý chi tiêu. Đặc biệt, nếu muốn có được số tiền để mua thứ gì đó, trẻ phải lao động và tiết kiệm.
Cách dạy con tiết kiệm tiền của phụ huynh Nhật Bản được coi là vô cùng đáng học hỏi. Tại quốc gia này, cha mẹ đưa tiền tiêu cho con một lần vào đầu tháng. Nếu chẳng may các em có tiêu hết thì cũng sẽ không được cho thêm khoản nào cả. Do đó, ngay từ bé, các em đã phải học cách tính toán chi tiêu và phân chia tiền hợp lý trong tháng.
Ngay khi còn là học sinh mầm non, mỗi bé sẽ được cha mẹ cho 50 - 70 yên/ngày. Các bé có thể mua cho mình bánh kẹo hoặc đồ chơi với giá từ 10 - 50 yên. Vì vậy, để mua được món đồ với giá 50 yên, các bé phải “nuôi heo”. Điều đó tạo cho các bé khả năng tiết kiệm.
Lên bậc tiểu học, các bé bắt đầu được cho tiền tiêu vặt hàng tháng, đầu tiên là 1.000 yên, để bé được mua thứ mình thích. Nếu sử dụng hết, muốn mua thêm thứ khác, trẻ phải đợi tới tháng sau. Tùy từng gia đình mà quyết định khoản tiêu vặt đó được dùng để mua gì, có thể là đồ dùng học tập hay đồ chơi. Lớn hơn một chút, số tiền tiêu vặt đó sẽ tăng, nhưng không quá nhiều.
Cha mẹ Nhật sẽ hướng dẫn các em ghi chép các khoản chi trong tháng, được cho bao nhiêu? Mua cái gì? Giá bao nhiêu?… Sau đó, để trẻ tự hệ thống lại cái gì đáng và không đáng mua để tháng sau chi tiêu hợp lý hơn. Ngoài ra, cha mẹ Nhật luôn lên phương án dạy con phải có kế hoạch trong tương lai, muốn có “thù lao” thì phải lao động và tích lũy từng ngày.
Ví dụ, trong tuần này, bé được mời sinh nhật bạn vào thứ 4. Để có thể mua được món quà tặng bạn thì trẻ phải tiết kiệm tiền tiêu vặt từ thứ 2, thứ 3. Hoặc, để có thể mua được một chiếc ô tô điều khiển từ xa giống bạn A, trẻ sẽ phải tự gấp quần áo, sắp xếp và dọn dẹp phòng ngủ, cắt cỏ hoặc cọ toilet…
Lên bậc trung học cơ sở, mỗi em được cho tiền chi tiêu cá nhân trung bình từ 5.000 - 8.000 yên/tháng, tùy theo kinh tế mỗi gia đình. Với số tiền đó, trẻ phải tự chi trả tất tần tật các khoản như: Đồ dùng cho học tập, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc, sinh nhật bạn… Nếu muốn mua khoản lớn hơn thì đương nhiên trẻ phải tiết kiệm.
Hướng dẫn từ những điều cơ bản
Chia sẻ về cách dạy trẻ tiết kiệm, cô Đinh Thị Phương Lan - giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara - chia sẻ: “Sự ham học hỏi của trẻ ngày càng tăng theo độ tuổi. Vì vậy, điều quan trọng đối với cha mẹ là dạy trẻ những bài học tích cực về tiền bạc, kỹ năng tiết kiệm cho trẻ ngay từ nhỏ. Khi tiết kiệm tiền trở thành một công việc hằng ngày của trẻ, thì tiết kiệm cho tương lai sẽ trở thành thói quen. Giáo dục tài chính sớm có thể là bước đầu tiên trên con đường tự do tài chính của trẻ sau này”.
Do đó, trước hết, cha mẹ cần dạy trẻ những điều cơ bản về tiết kiệm. Cô Phương Lan dẫn chứng, theo các chuyên gia, ngay từ khi trẻ 5 tuổi, cha mẹ đã có thể bắt đầu dạy con về kỹ năng tiết kiệm tiền. Ở lứa tuổi bắt đầu này, trẻ có thể còn quá nhỏ. Tuy nhiên, chúng có thể hiểu giá trị và ý tưởng về các mặt hàng kinh doanh. Đây chính là cơ sở để trẻ hiểu về tiền sau này. Về sau, khi trẻ có được các kỹ năng toán học cơ bản, cha mẹ có thể dạy trẻ các khái niệm tài chính phức tạp hơn.
Phụ huynh cũng cần dạy trẻ cách đặt mục tiêu tiết kiệm cho một ngày quan trọng. Từ đó, giúp con không bị rơi vào sự hài lòng tức thì. Ví dụ, cha mẹ có thể dễ dàng mua cho con một chiếc hộp bút mới nhân ngày tựu trường. Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nếu chiếc hộp bút đó được mua với những đồng tiền tiết kiệm của con trong 2 tháng trước.
“Theo Prosperity Now, đây là một trong những cách hiệu quả cho việc giáo dục tài chính dựa trên thời gian của trẻ. Cha mẹ có thể giúp con phát huy kỹ năng tiết kiệm bằng cách mở một tài khoản tiết kiệm. Sau đó, khi nhận được tiền mừng sinh nhật hoặc tiền mặt từ các công việc khác, con sẽ cất vào tài khoản và phục vụ cho việc mua các mặt hàng có giá lớn hơn.
Còn nếu con đủ tuổi để hưởng trợ cấp, hãy khuyến khích chúng gửi tiết kiệm và hưởng phần trăm hằng tháng. Lúc này, cha mẹ có thể dạy con cách thường xuyên kiểm tra số dư và chắc chắn chúng sẽ vô cùng thích thú khi thấy số dư tài khoản đang tăng dần với số tiền gửi và tiền lãi cộng vào”, nữ giáo viên chia sẻ.
Không ít phụ huynh đặt câu hỏi rằng, khi nào là thời điểm thích hợp để có thể dạy trẻ về tiền. Theo cô Phương Lan, học về tiền không phải như việc trẻ đi học trên trường. Vì vậy, hãy biến nó thành niềm vui bằng cách tìm những khoảnh khắc có thể dạy con về tiền, kỹ năng tiết kiệm cho trẻ trong cuộc sống hằng ngày.
Khi con có cơ hội đến ngân hàng cùng cha mẹ, phụ huynh hãy nói cho trẻ biết rằng, đây như một khu vườn giúp tiền phát triển. Cha mẹ có thể mua một con heo đất và khuyến khích con mình “vỗ béo” nó hằng ngày. Khi tiết kiệm tiền là một việc rất thú vị, trẻ sẽ rất thích được lặp lại hành vi này.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ tiết kiệm thông qua các ví dụ. Trẻ em có khả năng quan sát rất cao. Vì vậy, từng hành vi, thái độ của cha mẹ và những người xung quanh về tiền bạc đều có ảnh hưởng lớn đến kỹ năng tiết kiệm ở trẻ. Phụ huynh hãy khen ngợi những hành vi tích cực của trẻ như việc gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc trả tiền cho những công việc đơn giản. Những lời khen ngợi này sẽ khuyến khích trẻ biến tiết kiệm trở thành một thói quen.
Đặc biệt, cha mẹ cần dạy cho trẻ những bài học về tiền bạc bằng cách tạo thói quen tiết kiệm cho con. Đồng thời, hướng dẫn con cách để phát triển tiền bạc. Đây sẽ là nguồn vốn tự do để trẻ phát triển tài chính sau này.