Dạy con kỹ năng tranh biện, tư duy phản biện thế nào là đúng?
Việc dạy trẻ tranh biện không chỉ giúp bé phát triển tư duy phản biện, mà còn tạo ra một môi trường học tập tích cực.
Tư duy phản biện là kỹ năng cần thiết với mọi người, kể cả trẻ nhỏ. Nhiều người quan niệm trẻ em nên phải luôn nghe lời người lớn. Song, thực tế, khi phản ứng với đầy đủ diễn giải, lập luận, điều đó cũng có nghĩa là trẻ đang thực hành tư duy phản biện.
Cần sự rèn luyện
Các nhà nghiên cứu học thuật chứng minh rằng, trong quá trình tranh luận, mỗi người có thể học hỏi, trau dồi kiến thức mở rộng ra ngoài môn học thông thường. Cốt lõi của việc phản biện là truyền tải thông tin. Nền tảng thông tin càng vững chắc và đa chiều, người tham gia càng tăng cơ hội chiến thắng.
Tuy vậy, bề dày kiến thức không hẳn là yếu tố quyết định. Người tranh biện giỏi phải có kỹ năng nghiên cứu, chọn lọc, sắp xếp và trình bày thông tin một cách hấp dẫn. Điều đó cũng có nghĩa là, mỗi người có thể tăng cường khả năng cấu trúc và tổ chức suy nghĩ, phát triển bố cục bài nói hiệu quả.
Mỗi cuộc tranh biện có hai phe: Khẳng định - ủng hộ ý kiến và đối lập - bác bỏ ý kiến. Từng bên sẽ triển khai các lập luận sao cho hợp lý, dẫn chứng thuyết phục nhất, làm sáng tỏ quan điểm bản thân trong khoảng thời gian nhất định.
Trong quá trình phát biểu ý kiến, học sinh cần tập trung ghi nhận thông tin từ đội bạn để phản bác logic, chặt chẽ hơn. Tư duy và phản xạ sau mỗi lần tranh biện sẽ nhanh nhạy hơn, tạo lợi thế trong mọi tình huống đời sống, nhất là khi cần đưa ra quyết định.
Ngoài kiến thức, người tranh biện có thể tăng sự tự tin khi thể hiện quan điểm cá nhân, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, cân bằng cảm xúc. Quá trình làm việc theo nhóm đồng thời khuyến khích tinh thần đồng đội.
Trong đó, tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng. Ông John Dewey, một triết gia và nhà tâm lý học người Mỹ, đã đưa ra thuật ngữ “tư duy phản biện” để mô tả mục tiêu giáo dục hướng tới rèn luyện tư duy một cách khoa học.
Ông Dewey định nghĩa, tư duy phản biện là sự kiểm tra tích cực, kiên trì và cẩn thận về một niềm tin hoặc dạng kiến thức thay vì chấp nhận chúng một cách thụ động. Một người có khả năng tư duy phản biện sẽ đặt những câu hỏi phù hợp để có được nhiều thông tin nhất có thể, thay vì hài lòng với câu trả lời mình nhận được. Một đứa trẻ có khả năng này sẽ có thể phân tích mọi thứ một cách hợp lý.
Kỹ năng tư duy phản biện không phải là một kỹ năng bẩm sinh. Kỹ năng này cần được học tập và rèn luyện với nỗ lực lâu dài. Việc cha mẹ rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện cho con từ sớm sẽ giúp trẻ hình thành quan điểm và ý tưởng riêng. Khi đó, trẻ sẽ hiểu mọi người hơn và nhận thức được những người mà con tiếp xúc có thể trở thành bạn tốt hay không.
Nhà tâm lý học người Mỹ Richard Herrnstein và các đồng nghiệp từng hướng dẫn cho hơn 400 học sinh lớp 7 về tư duy phản biện qua một chương trình học được xây dựng hoàn chỉnh. Sau 60 bài học kéo dài 45 phút, các trẻ được kiểm tra nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm những bài kiểm tra: Bài kiểm tra năng lực của trường Otis-Lennon và Ma trận tiến bộ Raven (cả hai đều được sử dụng để đo chỉ số IQ).
Chương trình học đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. So với những học sinh thuộc nhóm đối chứng, những đứa trẻ được học các bài về tư duy phản biện có những cải thiện đáng kể về khả năng hiểu ngôn ngữ, tư duy sáng tạo và thậm chí cả chỉ số IQ. Điều đó cho thấy, việc dạy trẻ tư duy phản biện có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo và nâng cao chỉ số IQ.
Yếu tố cần thiết để trẻ tự tin
Theo chị Hương Đỗ - tác giả, dịch giả, giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con, trong thế giới đầy thách thức và đa dạng ngày nay, việc phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho trẻ em không chỉ là một ưu điểm, mà là một yêu cầu cần thiết để con có thể tự tin đối mặt với những khó khăn trong tương lai.
Kỹ năng này không chỉ giúp trẻ đưa ra những quyết định đúng đắn, hiểu rõ hậu quả của hành động, mà còn là chìa khóa mở cửa cho sự sáng tạo, sự độc lập, và khả năng làm chủ cuộc sống.
Tư duy phản biện là khả năng tư duy một cách chủ động và linh hoạt để tưởng tượng, phân tích, và đánh giá thông tin một cách có tính logic và phê phán. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp mọi người xác định tính toàn vẹn và giá trị của thông tin, phân biệt được thông tin thực tế và thông tin không chính xác. Chị Hương Đỗ dẫn chứng, theo bà Amy Morin - một chuyên gia tâm lý tại Mỹ, tư duy phản biện còn liên quan đến việc giải quyết vấn đề phức tạp và phát triển các giải pháp rõ ràng.
Trong quá trình tư duy phản biện, người ta có khả năng đặt ra những câu hỏi quan trọng, phân tích các quan điểm khác nhau, và đưa ra những luận điểm dựa trên sự hiểu biết và logic. Kỹ năng này không chỉ giúp hình thành quan điểm và ý tưởng của mỗi người, mà còn là công cụ mạnh mẽ trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp.
“Tư duy phản biện cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, đặc biệt khi kết hợp với khả năng đọc hiểu. Việc nắm vững kỹ năng này cho phép tiếp cận thông tin một cách chủ động. Đồng thời, giúp phát triển khả năng phê phán và đánh giá thông tin một cách có trách nhiệm và thông minh. Tư duy phản biện không chỉ giúp người ta hiểu rõ hơn về một vấn đề, mà còn giúp họ xây dựng ý kiến cá nhân một cách có cơ sở và có khả năng bảo vệ ý kiến đó trước các đối luận khác”, chuyên gia chia sẻ.
Theo chị Hương Đỗ, phụ huynh cần chú ý một số điều trong quá trình giáo dục con phát triển tư duy phản biện. Thực tế, nhiều người hiểu lầm rằng, phản biện là việc chỉ trích và tìm kiếm lỗi lầm của người khác. Song, đây là quan điểm sai lầm. Nếu tập trung quá mức vào việc tìm lỗi, có thể dẫn đến tình trạng “vạch lá tìm sâu”.
Tư duy phản biện thực sự là khả năng quan sát, sự ham học, khả năng phân tích sự việc từ nhiều góc độ khác nhau. Khi tôn trọng quan điểm của người khác, quan điểm của chúng ta cũng sẽ được tôn trọng.
Tuy nhiên, phụ huynh cần hướng dẫn con, tránh việc đưa cảm xúc cá nhân quá mức khi tham gia tranh luận. Nếu không kiểm soát được, sự tham gia của trẻ trong quá trình phản biện có thể trở nên quá giới hạn và không hiệu quả. Trong đó, việc đề nghị cho trẻ tóm tắt câu chuyện là một phương pháp tuyệt vời để khuyến khích tư duy phản biện và phát triển kỹ năng tổng hợp thông tin. Khi học cách tóm tắt câu chuyện, trẻ không chỉ nắm bắt thông tin chính, mà còn phải suy nghĩ về những điểm quan trọng và quan hệ giữa chúng.
Tóm tắt câu chuyện đòi hỏi trẻ phải chú ý và lựa chọn những chi tiết quan trọng. Điều này giúp trẻ hiểu rõ nội dung của câu chuyện và phát triển khả năng phân tích thông tin. Ngoài ra, quá trình tóm tắt cũng khuyến khích trẻ xây dựng kỹ năng ngôn ngữ và diễn đạt. Bởi, trẻ cần chọn lọc từ ngữ phù hợp để truyền đạt ý nghĩa chính. Cha mẹ cũng nên đặt ra những thách thức nhằm khuyến khích trẻ tập trung vào điểm chính và chi tiết quan trọng của sự kiện, câu chuyện hoặc thông tin nào đó.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể đọc sách cùng con và khuyến khích trẻ đọc sách. Khi đọc một câu chuyện, trẻ phải kết nối các chi tiết, cũng như suy nghĩ về tính cách của nhân vật hay các sự kiện diễn ra. Qua trải nghiệm này, trẻ không chỉ là người đọc, mà còn là người tham gia tích cực vào quá trình tư duy và đánh giá.
Ngoài ra, những cuốn sách kiến thức giúp trẻ mở rộng kiến thức, khuyến khích phát triển khả năng đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời và xử lý thông tin một cách chín chắn. Từ đó, trẻ sẽ trở nên thông thái hơn và phát triển kỹ năng tư duy phản biện, làm giàu tư duy logic, sáng tạo.
“Con thường học theo cha mẹ. Để dạy con phát triển tư duy phản biện, điều quan trọng là phụ huynh phải sở hữu kỹ năng này trước. Chúng ta có thể chia sẻ với trẻ, tìm hiểu cùng con và thảo luận về những ý kiến có thể được coi là “sai” trong một thông tin nào đó.
Khi truyền đạt thông tin, cha mẹ cần tạo ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Hãy khuyến khích con đưa ra ý kiến của mình và đồng thời chia sẻ cách cha mẹ nghĩ về vấn đề đó. Qua đó, con sẽ học được cách đối diện với những quan điểm khác nhau”, chị Hương Đỗ chia sẻ.