Dạy con kiểu Pháp: Tại sao trẻ ngoan hơn?
Thực ra, các bà mẹ Pháp không hoàn toàn để mặc con cái mình. Họ giải thích rằng, họ không muốn lúc nào cũng bao bọc con cái, biến chúng thành những con thú nhồi bông. Họ hướng cho bọn trẻ tự do phát triển. Như vậy sẽ đỡ mệt mỏi cho bố mẹ, mà lại tốt hơn cho con cái.
Có con ư, chuyện nhỏ!
Pamela dần nhận ra sự khác biệt đầu tiên giữa mẹ Pháp và mẹ Mỹ qua một nghiên cứu của đại học Princeton.
Nghiên cứu này so sánh kinh nghiệm chăm sóc trẻ của các bà mẹ có hoàn cảnh tương tự nhau tại hai thành phố Columbus (Mỹ) và Rennes (Pháp). Kết quả cho thấy mức độ mệt mỏi vì con cái của các bà mẹ Mỹ cao gần gấp hai lần so với mẹ Pháp.
Thậm chí, theo một nghiên cứu khác thì những bà mẹ công sở ở Texas cho rằng thà phải ở nhà làm công việc nội trợ còn dễ chịu hơn chăm sóc lũ trẻ.
Sau khi tìm hiểu thêm, Pamela nhận thấy rằng các bà mẹ của hai nước khác nhau ngay trong quan điểm về chuyện có con. Trong khi mẹ Mỹ coi đó là một sự kiện lớn, không ngừng lo lắng về việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của một đứa trẻ thì mẹ Pháp lại coi việc đó là hết sức bình thường. Đến ngày sinh, họ vẫn thấy rất bình thản và nhún vai cho rằng: Chuyện gì đến sẽ đến. Nếu có gì không may xảy ra, chúng ta vẫn có thể có em bé khác nữa cơ mà.
Bản thân các ông bố Pháp cũng chẳng bao giờ nhặng xị lên khi nghe tin vợ sinh. Nếu trên tivi có một trận bóng đá, thì họ sẽ ở nhà xem thay vì chạy vội vào viện. Và dường như, chính sự bình thản này đã được truyền vào những đứa trẻ từ khi chúng ở trong bụng mẹ.
Bởi vậy, người Pháp không bị ám ảnh chuyện con cái. Quan điểm của họ rất rõ ràng rằng: Họ sẽ không đánh mất cuộc sống của chính mình chỉ vì nghĩa vụ làm cha mẹ.
Khi Pamela than thở với một người bạn Pháp về việc con mình quấy khóc suốt đêm, cô đã được chia sẻ rằng: “Các bà mẹ Pháp thường không cho con bú, vì điều đó sẽ làm xấu vòng một của họ. Thế nên tôi thường cho một chút xíu rượu cô nhắc (cognac) vào bình sữa. Và ... alê hấp, thế là xong, con bé ngủ một mạch tới sáng. Còn nếu nó vẫn bị tỉnh dậy giữa chừng, thì mình chỉ cần… bịt lỗ tai lại.”
Sau khi sinh, phụ nữ Pháp không dành toàn bộ thời gian để chăm con, bởi họ nghĩ rằng, đó là lúc họ cần tút tát lại cơ thể và đặc biệt là chăm sóc đời sống tình dục của mình. Đây cũng là lý do tại sao các bà mẹ Pháp thường thuê người trông hoặc gửi con đi nhà trẻ từ rất sớm.
Họ cho rằng, làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải thường xuyên phục dịch con cái của mình. Có lẽ vì vậy, người mẹ Pháp lúc nào cũng chỉn chu, sang trọng. Không bao giờ chúng ta thấy cảnh họ phải tất tả vì lũ trẻ.
Để con cái tự phát triển
Phụ nữ Pháp vẫn rất quan tâm tới con cái. Họ biết rõ về các chứng bệnh trẻ nhỏ thường gặp và có biện pháp phòng tránh hợp lý. Họ không tỏ ra quá hoảng sợ, lo lắng về tình hình sức khoẻ của con mình. Sự bình tĩnh này giúp họ thoải mái hơn và tạo cho con cái sự tự lập.
Một so sánh khác là trong khi cha mẹ Mỹ thường có xu hướng ca ngợi, để khuyến khích con mình mỗi khi chúng làm được điều gì đó, dù chỉ là rất nhỏ, thì mẹ Pháp lại bình thường hoá những chuyện đó. Thậm chí, khi đứa trẻ khoe một bức tranh vừa mới vẽ, họ có thể cười nhạo và đùa rằng: Còn lâu mới được bằng Picasso!
Mẹ Mỹ luôn mong muốn con mình phải được học nhiều, biết nhiều. Còn mẹ Pháp không quá chú trọng đến chuyện đó. Họ không khuyến khích con cái đọc sách trước khi lên sáu tuổi. Thay vào đó, họ để trẻ tự do phát triển trí não với những trò chơi thông minh, phù hợp lứa tuổi. Họ luôn nhiệt tình khi nói chuyện với con và dạy chúng nhận biết thế giới xung quanh.
Giải thích về sự khác biệt này, Pamela cho rằng người Pháp có được sự bình thản đó là vì đất nước họ có nhữg dịch vụ công hết sức ưu việt. Phụ huynh Pháp không phải lo trả tiền cho giáo dục mầm non, không phải lo lắng về bảo hiểm y tế hoặc các khoản tiết kiệm trang trải cho chuyện học hành.
Thậm chí nhiều người còn được nhận tiền hàng tháng để khuyến khích có con cái. Thế nên, so với các nước châu Âu, một khu vực có rất nhiều cặp vợ chồng sợ đẻ, thì tỷ lệ sinh của nước Pháp vẫn cao thứ 2, sau Ailen.
Trong khi đó, ở Mỹ, do khoảng cách giàu nghèo lớn nên lúc nào các bậc cha mẹ cũng muốn con cái mình trở thành người ưu tú. Hơn nữa, họ cho rằng xã hội có quá nhiều mối nguy hiểm, nên luôn thấy bất an và nghĩ rằng cần phải bảo vệ, che chở con cái mình. Chính những kỳ vọng và lo lắng thái quá đó làm cha mẹ Mỹ thấy mệt mỏi, căng thẳng.
Tuy nhiên, đây không hẳn là lý do chính. Bởi lẽ, ở Pháp dù người giàu hay người nghèo, ở thành phố hay tỉnh lẻ thì các bậc phụ huynh vẫn có rất nhiều điểm tương đồng trong cách dạy con. Thế nên Pamela kết luận rằng: Các bà mẹ Mỹ chỉ tự quan trọng hoá vấn đề rồi tự làm khổ mình. Và việc họ mệt mỏi vì con là điều không thể tránh khỏi.