"Dạy con bằng đòn roi", một hot mom phản đối gay gắt điều này
Bà mẹ này tâm sự về những lý do dẫn đến việc cô không đánh con.
Thực tế ở nhiều gia đình, việc đánh, quát, mắng, chửi con... đã trở thành chuyện bình thường, diễn ra hàng ngày như cơm bữa. Ba mẹ thường lấy lý do là "không dạy thì sau đời nó cũng dạy", "hư không đánh thì để làm loạn à", "phải dạy bằng đòn roi chứ nói không ăn thua"... để bao biện cho những trận đòn khủng khiếp.
Thế nhưng, hot mom Giang Ơi không đồng ý với quan điểm này. Cô và chồng cùng thống nhất việc sẽ không đánh con, không dùng đòn roi với con. Lý do được đưa ra khiến không ít phụ huynh phải nhìn lại mình.
"Vì sao mình không đánh con?
Dù phương châm sống của mình vẫn là tôn trọng những niềm tin, quan điểm, phong cách sống khác biệt của mọi người, nhưng dạo này thấy nhiều người nói "phải đánh con cho quen đặng sau này đời còn đánh nó bầm dập" mình thấy tội những đứa trẻ con. Bởi vậy cho phép mình chia sẻ lý do mình không đánh con như sau:
1. Mình không đánh con để sau này ra đời, nó hiểu và tin rằng không ai có quyền đánh nó. Giàu hay nghèo, sang hay hèn, vẫn không ai có quyền đánh nó. Trong bất cứ mối quan hệ người lớn nào của nó, nó cũng cần có một niềm tin bất di bất dịch rằng nó xứng đáng được tôn trọng và không bao giờ chấp nhận việc bị đánh đập, NHẤT LÀ bởi người thân của nó.
2. Mình không đánh con để nó không nhìn nhận vũ lực như một giải pháp. Khi đối mặt với mâu thuẫn, chọn 1 trong 3 cách:
- Đối thoại để thoả thuận và giải quyết mâu thuẫn.
- Điều chỉnh góc nhìn của mình để chấp nhận chung sống với mâu thuẫn.
- Rời bỏ khỏi những môi trường và mối quan hệ độc hại, bạo lực.
Thiết nghĩ một khi đã sinh con ra và yêu cầu nó phải "ngoan", lễ phép, hoà nhã, lịch sự, tinh thần ổn định, lớn lên trở thành người hào phóng, tế nhị, vị tha, tử tế... thì mình phải rèn giũa chính mình trở thành như vậy trước đã", Giang Ơi trải lòng.
Tâm sự của Giang Ơi được nhiều phụ huynh đồng tình, thậm chí còn muốn xem xét lại bản thân vì rất hay dùng đòn roi với con mà không nghĩ đến hậu quả. Cha mẹ nào cũng mong con lớn lên ngoan ngoãn, giỏi giang, đối xử tốt với mọi người, đặc biệt là người thân nhưng lại không nghĩ rằng, những đứa bé từ nhỏ phải chịu đòn roi, đánh đập sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý.
Những đứa trẻ này sẽ có xu hướng hành xử y như ba mẹ của mình, cho rằng không đòn roi thì không giải quyết được mọi việc. Những người khác được dùng đòn roi với mình và mình cũng được làm thế với họ.
Cha mẹ làm gương - hành vi này của trẻ có thể xuất phát từ việc sao chép cách ứng xử của cha mẹ
Trẻ con có xu hướng học theo bản năng và bắt chước người lớn, đặc biệt là ba mẹ. Khi còn nhỏ, thời gian của trẻ phần lớn là được ở bên gia đình, chính vì thế con dễ dàng học theo tính cách, thói quen của ba mẹ.
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều bố mẹ hay đánh mắng con khiến bé cũng hành xử tương tự với bạn bè, anh chị em của mình. Tuy nhiên, những hành vi này của trẻ có thể xuất phát từ việc sao chép cách ứng xử của cha mẹ. Hãy làm những điều này nếu muốn trở thành tấm gương tốt cho con.
1. Hãy trở thành người cha mẹ muốn con trở thành
Cha mẹ hãy nói năng lịch sự, lễ độ, giữ thái độ nhã nhặn, biết kiểm soát cảm xúc, hạn chế sử dụng điện thoại, chăm vận động, thể thao, không nói dối vặt, không so sánh, than vãn bản thân....
2. Cha mẹ nên thường xuyên nhìn nhận lại bản thân và thay đổi
Điều này giúp phụ huynh kịp thời nhận ra xem những hành vi tiêu cực của con có xuất phát từ chính cách hành xử của cha mẹ mỗi ngày hay không để có cách điều chỉnh kịp thời. Cha mẹ đặt quyết tâm thay đổi, con cái cũng sẽ thay đổi và sẽ tiến bộ hơn.
3. Cha mẹ không nên ép con làm theo ý mình
Việc cha mẹ dùng quyền lực để ép con làm theo ý mình sẽ khiến trẻ có tư tưởng chống đối, khó bảo. Cha mẹ có thể chọn cách tiếp cận tích cực hơn như: bình tĩnh trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân, hướng dẫn cụ thể, giữ thái độ nhã nhặn, ghi nhận và khen thưởng khi trẻ làm tốt và làm gương để trẻ học theo.
4. Đừng áp đặt sự hoàn hảo vào con
Theo chuyên gia, không có phụ huynh nào hoàn hảo, do đó, cũng không nên kỳ vọng sự hoàn hảo từ các con... Phụ huynh nên nhìn nhận điều này để không dán nhãn và đổ lỗi cho các hành vi tiêu cực của con để giúp trẻ khôn lớn, phát triển trong vòng tay yêu thương của gia đình.