Dạy bé làm quen với chữ viết

,
Chia sẻ

Học đọc và học viết chữ là “chìa khóa vàng” dẫn đến những thành công của trẻ ở trường và trong cuộc sống. Vì vậy bạn hãy giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng này.

Trẻ nhỏ nên được làm quen với chữ viết ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí khi còn rất nhỏ. Từ việc đọc và viết chữ, con bạn bắt đầu hiểu thêm nhiều điều và chữ viết thực sự đóng một vai trò quan trọng đối với đời sống giáo dục của trẻ.

Mọi đứa trẻ đều bắt đầu viết những chữ xiêu vẹo, nhưng đó lại là một trong những hành động trẻ cảm thấy thích thú nhất. Vì để viết được 1 chữ tuy không đẹp, nhưng chúng đã phải nỗ lực để cầm bút, giữ giấy không xê dịch và luôn cố gắng di chuyển các điểm bút trên mặt giấy.

Ở độ tuổi 3 – 4 tuổi, trẻ thực sự phải được thực hành viết chữ. Bạn có thể hướng dẫn trẻ từng bước, ví dụ như dạy trẻ viết tất cả những chữ cái riêng lẻ có trong tên của bé. Vì thông thường tầm tuổi này trẻ chưa biết ghép những chữ cái với nhau và chỉ biết viết những chữ riêng lẻ.

Khi đã biết hết mặt chữ, trẻ sẽ được hướng dẫn ghép chữ thành từ. Từ giai đoạn mẫu giáo và lớp 1 là thời gian hầu như để trẻ ghép chữ và viết những từ này lên bức tranh chúng tự vẽ. Ở tuổi này, trẻ thường chỉ dùng chữ viết hoa và không có dấu cách mỗi từ. Và các cô giáo sẽ dạy thực hành viết từ trái sang phải, viết cả chữ thường và chữ hoa, cũng như cách đặt dấu cách giữa các từ và cách phát âm đúng chính tả.
 
Khi trẻ lớn hơn, chữ viết sẽ nhỏ và sạch sẽ hơn. Khoảng lớp 2 và lớp 4 trẻ học viết thảo đoạn văn dài hơn để luyện chữ. Viết chữ rất quan trọng với trẻ ngay từ khi học mẫu giáo, vì chữ viết là công cụ duy nhất để trẻ làm bài tập ở trường (trẻ không thể gõ bài vào máy tính hay nhập bài vào một máy móc nào đó). Chữ viết còn ảnh hưởng đến thái độ đến trường cũng như tính cách của mỗi đứa trẻ.

Cách dạy trẻ thực hành viết: Khi con bạn đủ 1 tuổi, bước đầu bạn cho bé làm quen với chữ viết bằng cách đưa cho chúng những chiếc bút, mẩu giấy… Khi trẻ lớn hơn, bạn khuyến khích trẻ vẽ lại những gì chúng yêu thích khi đi dạo bên ngoài. Những bài tập vẽ và viết giúp cho tay trẻ cứng cáp, phát triển các cơ và làm xương rắn chắc hơn.

Dù khi bé đã được đến trường và được dạy viết thì ở nhà bạn cũng cần tìm ra phương thức hướng dẫn trẻ tập viết. Với những đứa trẻ vẫn coi việc viết chữ là “khủng khiếp”, là nỗi ám ảnh thì bạn hãy thử áp dụng những mẹo sau:

- Giúp trẻ viết chầm chậm. Bạn có thể giữ tay trẻ khi chúng viết. Nhiều đứa trẻ không thích viết chữ vì thế chúng cứ cố viết thật nhanh cho xong việc. Bạn khuyến khích trẻ viết từ từ và cẩn thận.

- Giải thích những lỗi sai trẻ mắc phải. Và bạn hãy dạy trẻ cách dùng tẩy để xóa lỗi sai đó.

- Bạn thử tìm những quyển giúp bé tập viết dễ dàng hơn, tốt nhất là vở có dòng kẻ ô hoặc quyển sách có sẵn chữ mờ để bé tập tô lên đó.

- Bạn hãy nhớ chỉ cho trẻ dùng bút chì để tập viết vì bút chì nhẹ giúp bé dễ cầm và viết bằng bút chì bé có thể xóa những lỗi sai.

- Cung cấp cho trẻ nhiều từ vựng bằng cách thường xuyên đọc cho trẻ nghe, chỉ cho trẻ những từ gần gũi xung quanh.

Một số điều ảnh hưởng đến khả năng viết của trẻ bạn nên biết:

- Trẻ gặp vấn đề nào đó về trí nhớ nên không thể nhớ cách phát âm, ngữ pháp hay các quy tắc một cách chính xác.

- Vấn đề ngôn ngữ là nguyên nhân khiến trẻ khó phát âm chuẩn và không hiểu đúng cấu trúc câu.

- Giác quan không tốt khiến trả viết chữ không thẳng hàng.

- Tâm lý cũng ảnh hưởng tới khả năng viết của trẻ. Vì thế bạn đừng nên gây áp lực mỗi lần muốn bé tập viết.

Học đọc và học viết chữ là “chìa khóa vàng” dẫn đến những thành công của trẻ ở trường và trong cuộc sống. Vì vậy bạn hãy dành thời gian đọc sách và tập viết cùng với trẻ. Khi bạn cùng trẻ viết chữ, nghĩa là bạn đã giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng nhất đối với trẻ.

Hoàng Ngân
Theo Kidshealth
Chia sẻ