Đau lòng trẻ em bị xâm hại tình dục

,
Chia sẻ

Hàng loạt trường hợp xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, trong đó có nhiều nguyên nhân do chính sự chủ quan, vô tâm của cha mẹ.

Mấy ngày nay, thấy con gái của mình có những biểu hiện lạ, bé Mai ít nói hơn và thường cáu mỗi khi không vừa ‎ lòng điều gì, chị Thảo không hề có lo lắng gì. Chị vẫn nghĩ con gái mình đang tuổi lớn có nhiều thay đổi về mặt tâm lý. Gặn hỏi mãi, rồi chị mới phát hiện ra con gái mình bị xâm hại tình dục.

Bé Mai, 5 tuổi đang học mẫu giáo. Chị Thảo vẫn thuê một người lái xe ôm đưa đón con đi học hàng ngày. Hôm vừa rồi, vì đi làm về trễ, chỉ mình bé ở nhà với người đàn ông đó,  nhưng rồi chị không ngờ được chính ông ta đã giở trò đồi bại với con . Bận công việc nên chị Thảo cũng không để ‎ mắt tới con.
 
Trường hợp của bé Hương bị xâm hại tình dục do chính người anh hàng xóm. Ngày nghỉ, bé thường sang bên nhà bên cạnh chơi. Một lần, trong lúc chơi, anh ta đã không kiềm chế mình, ôm chầm lấy bé Hương và đã có những hành động thú tính. Khi phát hiện ra con gái mình bị xâm hại tình dục, thương con nhưng mẹ của Hương cũng ngại không tố cáo vì ảnh hưởng đến cả đời con bé.

Khi được hỏi, các bậc cha mẹ đã chuẩn bị gì cho trẻ về xâm hại tình dục, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra ngạc nhiên và không hề quan tâm tới vấn đề này. Chị Thanh (quận Đống Đa, HN) :  Con tôi còn bé nên mình cũng không nghĩ tới chuyện đó. Đến khi đọc các bài báo, mình mới giật mình. Mà cũng do trẻ còn nhỏ nên chưa thể nào giáo dục được nhiều kiến thức tự vệ ».

Theo chuyên gia tâm lý Thanh Hải (tổng đài 1088), xâm hại tình dục trẻ em không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà còn tác động lớn tới tâm ly của trẻ. Không những thế những tác động này còn ảnh hưởng lâu dài, trở thành nỗi ám ảnh trong đầu trẻ kể cả lúc trưởng thành.

Nhóm trẻ em dưới 10 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm số lượng ít nhưng hậu quả từ hành vi xâm hại của thủ phạm gây ra cho trẻ lại nghiêm trọng hơn rất nhiều. Thể chất và trí tuệ của trẻ còn rất non nớt, khả năng phục hồi tổn thương thể chất, đặc biệt là khả năng thoát khỏi sự khủng hoảng về tinh thần là rất khó nếu không được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc can thiệp bằng cách lấy lời khai, giám định…sẽ khiến trẻ bị hoảng loạn tinh thần như sợ hãi, giật mình trong khi ngủ, la hét, đái dầm, chậm nói, phát âm kém…

Trường hợp thứ nhất, trẻ thu mình và trở nên thụ động, tránh đối đầu, luôn có phản ứng đề phòng tự bảo vệ, luôn cố gắng làm người khác vui lòng để không gặp rắc rối. Những đứa trẻ như vậy rất nhạy cảm với những phê bình và sự chối từ của người khác. Chúng thường có cảm giác mặc cảm về bản thân, thiếu tự tin chủ động trong giao tiếp. Không bao giờ trẻ muốn tự bộc lộ hết những gì mình muốn nói.

Trường  hợp thứ hai, trẻ trở nên hiếu chiến và có những hành vi bạo lực. Rất nhiều trẻ sau khi bị xâm hại thường hung hãn, nghịch ngợm quậy phá. Thông qua các hành vi trẻ bộc lộ ra bên ngoài sự tổn thương của tâm lý và có thể diễn lại những gì mình đã phải chịu đựng. Những đứa trẻ như vậy thường yếu kém trong khả năng tập trung, tiếp thu kiến thức chậm và khó hoà đồng với bạn bè, hay bắt nạt bạn bè và cô lập.

Các bậc cha mẹ nên thường xuyên quan tâm, để mắt tới con trẻ. Bất cứ dấu hiệu khác lạ của bé cần nhẹ nhàng hỏi han, tránh làm cho trẻ xúc động mạnh. Nếu “có” bất kỳ dấu hiệu nào, cha mẹ nên đưa trẻ đến một bác sĩ để bác sĩ có thể xác nhận các dấu hiệu thể chất đó và làm xét nghiệm tìm các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục. Bên cạnh đó, cũng nên trang bị cho trẻ những kiến thức để phòng bị như không lại gần người lạ, không tiếp xúc quá gần người khác giới,…

 Duy Khánh

 

Chia sẻ