Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển thể chất ở trẻ từ 0-36 tháng tuổi
Chậm phát triển thể chất ở trẻ là một trong những bất thường khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng nhận biết được.
Chậm phát triển thể chất ở trẻ em do đâu?
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh (Bác sĩ khoa Nhi, bệnh viện Nhi Hà Nội) tình trạng chậm phát triển xảy ra khi đứa trẻ không tăng trưởng ở tốc độ bình thường tương ứng với lứa tuổi của chúng. Cha mẹ có thể là người nhận ra tình trạng này ở trẻ hoặc khi đưa trẻ đi khám kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Nguyên nhân gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất ở trẻ:
Dinh dưỡng nghèo nàn
Thiếu hormone tăng trưởng
Mất cân bằng nội tiết tố (ví dụ như lượng thyroxin thấp do mắc bệnh suy giáp)
Hội chứng Turner (một hội chứng rối loạn di truyền ở nữ giới do mất 1 nhiễm sắc thể giới tính (NST X))
Hội chứng Down (rối loạn về di truyền trong đó bộ NST có 47 NST thay vì 46 NST)
Tiền sử gia đình có người bị chậm phát triển
Có khối u tuyến yên
Suy dinh dưỡng bào thai và nhẹ cân khi sinh
Mắc các bệnh về thận, tim mạch, tiêu hóa và hô hấp
Căng thẳng thần kinh
Do người mẹ khi mang thai sử dụng một loại thuốc nào đó lâu dài
Trẻ mắc bệnh thiếu máu như bệnh hồng cầu lưỡi liềm (JOPON, 2011)
Nhận biết các dấu hiệu chậm phát triển ở trẻ em
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, dưới đây là những dấu hiệu nhận biết chậm phát triển ở trẻ từ 0-36 tháng tuổi:
Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển thể chất ở trẻ sơ sinh đến 2 tháng tuổi
Sau 2 tháng tuổi trẻ không thể tự ngẩng đầu lên khi bạn bế bé ở tư thế nằm ngửa.
Sau 2 tháng tuổi vẫn thấy cổ bé đặc biệt cứng hoặc mềm.
Sau 2 tháng tuổi trẻ duỗi lưng và cổ một cách quá mức khi bạn bế trẻ ở tư thế nằm ngửa giống như con đang muốn đẩy bạn ra.
Sau 2 đến 3 tháng tuổi, chân của bé bắt chéo hoặc ở tư thế cây kéo khi bạn bế con ở thân mình.
Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển thể chất ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi
Trẻ 3 đến 4 tháng tuổi không cầm nắm hoặc với đồ chơi.
Trẻ từ 3 đến 4 tháng tuổi không thể tự ngẩng đầu.
Trẻ 4 tháng tuổi không thể tự đưa đồ vật lên miệng.
Trẻ 4 tháng tuổi không đặt chân xuống khi chân đặt trên bề mặt vững.
Trẻ 4 tháng tuổi vẫn có phản xạ Moro (Khi ngã ngửa hoặc giật mình, bé dang tay chân ra, vươn cổ, sau đó nhanh chóng co hai tay lại và bắt đầu khóc.
Trẻ 5, 6 tháng tuổi vẫn còn phản xạ cổ duỗi không đối xứng (Khi quay đầu sang một bên thì cánh tay bên đó duỗi thẳng, cánh tay còn lại co lên trong tư thế như đấu kiếm).
Trẻ 6 tháng tuổi không thể tự ngồi mặc dù có sự giúp đỡ.
Sau 6 tháng tuổi, trẻ chỉ có thể vươn một tay, tay còn lại nắm chặt.
Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển thể chất ở trẻ từ 7-9 tháng tuổi
Trẻ 7 tháng tuổi kiểm soát đầu kém khi ở tư thế ngồi.
Trẻ 7 tháng tuổi không thể đưa đồ vật vào miệng.
Trẻ 7 tháng tuổi không thể tự tiếp cận với những đồ vật mà chúng thích.
Trẻ 7 tháng không chịu được một số đồ vật có trọng lượng nhẹ trên đôi chân của chúng.
Trẻ 9 tháng không thể ngồi một cách độc lập.
Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển thể chất ở trẻ từ 10-12 tháng tuổi
Sau 10 tháng tuổi trẻ vẫn bò theo tư thế chệch choạc. Bé chống đẩy bằng một tay, chân trong khi kéo tay và chân đối diện.
Trẻ 12 tháng tuổi không thể tự đứng trong khi có sự hỗ trợ.
Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển thể chất ở trẻ từ 13-24 tháng tuổi
Sau 18 tháng tuổi trẻ không thể tự đi lại. Con không tự tin bước đi hoặc đi kiễng chân sau hai tuổi.
Chiều cao tăng <5cm mỗi năm.
Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển thể chất ở trẻ từ 24-36 tháng tuổi
Con không thể đi lại nhanh nhẹn, ngã thường xuyên, không thể bước lên cầu thang.
Chảy nước dãi nhiều.
Con không thể điều khiển được đồ vật.