Dấu hiệu "báo động" cho thấy bạn đang quá bao bọc, nuông chiều con

Minh Phương,
Chia sẻ

Bạn có thể đang nuông chiều con cái quá mức mà không nhận ra điều này. Dưới đây là những gạch đầu dòng để bố mẹ xem xét lại cách nuôi dạy con của mình.

Con của bạn có phải là một đứa trẻ nhõng nhẽo, bạn đang quá chiều chuộng con mình? Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Trẻ em đã chỉ ra rằng trẻ được gia đình bao bọc sẽ ít có khả năng tự chủ, khả năng kết nối với mọi người xung quanh. Điều này có thể gây áp lực trong cuộc sống và là nguyên nhân dẫn tới bệnh trầm cảm.

1. Thay con làm tất cả công việc

Bạn có giúp con mặc đồ, đeo cặp, dọn dẹp bàn học? Việc nuông chiều con quá mức sẽ khiến trẻ ỷ lại, không biết giá trị của lao động và không biết cách tự lập trong cuộc sống. Vì vậy, hãy để bé thực hiện công việc trong khả năng của mình thay vì bố mẹ làm hết tất cả. Đó có thể không phải là những công việc phức tạp, nhưng để con tự làm những việc phù hợp với độ tuổi.

Dấu hiệu báo động cho thấy bạn đang quá bao bọc, nuông chiều con - Ảnh 1.

Nuông chiều con quá mức dễ khiến trẻ bị ỷ lại vào bố mẹ (Ảnh minh họa).

2. Đáp ứng mọi yêu cầu của con

Nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng đáp ứng cho con bất cứ thứ gì con muốn. Nhỏ thì mè nheo đòi bố mẹ mua đồ chơi, lớn thì đòi điện thoại, vật dụng đắt tiền. Khi thứ mình cần đạt được quá dễ dàng, trẻ sẽ ỷ lại vào cha mẹ, không biết trân trọng những gì đang có, dẫn đến thái độ vô tâm, vô cảm, chỉ nghĩ đến bản thân. Do vậy, bố mẹ tuyệt đối không nên ngay lập tức mua hoặc thay mới mọi thứ theo yêu cầu của con. Điều quan trọng là hãy dạy con về giá trị của món đồ.

3. Quá kiểm soát vấn đề ăn uống

Con bạn có phải là đứa trẻ hay kén chọn trong việc ăn uống. Đòi mẹ nấu món này món kia nhưng cuối cùng vẫn bỏ dở. Nhiều phụ huynh cảm thấy vô cùng vất vả trong việc nấu nướng cho con, nhưng đổi lại các con thậm chí không thèm đoái hoài đến đồ ăn. Đừng dễ tính cho con ăn bất cứ thứ gì chúng muốn. Đưa ra danh sách các món có lợi cho sức khỏe và để con chọn lựa.

4. Can thiệp vào những cuộc cãi cọ

Bố mẹ thường lập tức chen vào cuộc tranh giành, cãi cọ của con với bạn bè. Tuy nhiên, nếu chúng không gây ra nguy hiểm gì cho nhau thì tốt hơn là bố mẹ nên bình tĩnh chờ đợi, để con tự giải quyết vấn đề với các bạn. Như vậy trẻ có thể học được cách xử lý, giải quyết căng thẳng.

5. Luôn khen ngợi con quá mức

Dấu hiệu báo động cho thấy bạn đang quá bao bọc, nuông chiều con - Ảnh 2.

Trẻ được khen quá nhiều sẽ tự cho mình là giỏi và không biết khuyết điểm của bản thân (Ảnh minh họa)

Lúc nào cũng tán dương, khen ngợi con có thể khiến trẻ khó chấp nhận thất bại trong cuộc sống. Không nên khắt khe, cầu toàn nhưng cũng không có nghĩa lúc nào cũng hết lời khen ngợi con, cho mọi việc con làm đều là đúng. Trẻ được khen quá nhiều sẽ tự cho mình là giỏi và không biết khuyết điểm của bản thân, cứ như vậy ra ngoài xã hội bé sẽ gặp nhiều thất bại và không có tâm lý vững vàng trước những thử thách trong cuộc sống. Trong những tình huống trẻ gặp khó khăn, bố mẹ nên trò chuyện cùng con để tìm ra cách giải quyết vấn đề.

6. Quản lý mối quan hệ bạn bè của con

Cố gắng không nên can thiệp quá sâu vào việc lựa chọn bạn của con. Cho phép con chọn bạn dựa trên khả năng tự nhận thức và kĩ năng giao tiếp. Ngoài ra kĩ năng tương tác, giao tiếp của con cũng sẽ được cải thiện.

7. Sắp đặt hoạt động hàng ngày của con

Dấu hiệu báo động cho thấy bạn đang quá bao bọc, nuông chiều con - Ảnh 3.

Trẻ không có bất kỳ khoảng thời gian trống nào và cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng với kế hoạch mà bố mẹ đặt ra (Ảnh minh họa).

Do quá bao bọc và lo lắng cho con mà nhiều bố mẹ áp đặp cả các hoạt động hàng ngày của con cái, từ việc học ở trường cho đến tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trẻ không có bất kỳ khoảng thời gian trống nào và cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng với kế hoạch mà bố mẹ đặt ra. Hãy lắng nghe con mình, cho phép con quyết định hoạt động mà con yêu thích nhất.

8. Đặt nhiều quy tắc nghiêm khắc

Nhiều người có xu hướng nghiêm khắc, khuôn phép và luôn kiểm soát hành vi của con. Họ xây dựng nên các quy tắc nghiêm ngặt và muốn trẻ phải tuyệt đối tuân theo. Tuy nhiên cách giáo dục này có thể khiến con không phát triển kỹ năng tự kỷ luật và quyết đoán vì mọi thứ được quyết định bởi cha mẹ.

Cha mẹ nên là người góp ý, đồng hành cùng con như một người bạn. Không phải việc áp đặt quy tắc như người độc tài trong gia đình. Chẳng hạn như với kỹ năng quản lý thời gian, bạn có thể dạy con cách tự xây dựng lịch hoạt động hằng ngày của mình.

Nuôi dạy con độc lập, quyết đoán và bản lĩnh là điều cần thiết, giúp con bạn lớn lên trở thành một người sống có trách nhiệm.

Nguồn: Family

Chia sẻ