Đau đầu vì con bướng

,
Chia sẻ

Cu Bon (Hà Nội) mới hơn 2 tuổi rất bụ bẫm, dễ thương nhưng cả nhà đều bó tay trong việc dạy dỗ.

Cháu nói tục, đánh bạn, cầm đồ chơi ném vào mặt mẹ, không vừa ý là té ngửa nằm luôn ra đất dù đang đứng hay ngồi.

Chị Liên, mẹ cu Bon cho biết, bé rất bướng, không sợ hay nghe lời bất kỳ ai. Bé không gọi chị là "mẹ" mà gọi thẳng tên, có lần còn cầm đồ chơi ném vào mặt chị đến chảy máu và hay đánh đuổi bọn trẻ hàng xóm khi sang chơi. Không hài lòng với cái gì là cháu lại giở bài ngã ra đất ngất đi, sợ con bị đau nên lần nào chị cũng vội vàng chạy tới đỡ đầu.
 

"Có lần bị bố đánh vào mông, bé cũng ngã ra, ngất đi một lúc. Vì thế giờ cả nhà chả ai dám đánh, mắng nặng bé. Con đòi gì là y như rằng cả nhà răm rắp tuân theo", chị Liên tâm sự.

Cùng cảnh ngộ như chị Liên, cô con gái nhà chị Hương (Gia Lâm, Hà Nội) gần 2 tuổi nhưng rất nghịch và bướng bỉnh. Dù là con gái nhưng bé hay bắt nạt các bạn cùng tuổi nên nhiều gia đình không muốn cho con chơi với bé nữa. Mỗi lần không vừa ý là cháu thường quăng ném đồ đạc, ưỡn người ra và đập đầu xuống đất.

"Muốn hướng con theo tính cách nhẹ nhàng nên tôi đã dùng mọi cách khuyên nhủ, thậm chí phạt đòn nhưng đều vô ích. Khi tôi phân tích tại sao con bị phạt, bé vâng dạ rất ngoan nhưng 5 phút sau là quên ngay", chị Hương cho biết.

Nhà tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám Tuna (Hà Nội) cho biết, tính bướng bỉnh hay gặp ở trẻ nhỏ và cũng là sự phát triển tâm lý bình thường. Nhưng ở một số trường hợp như hai bé ở trên, tính ương ngạnh thể hiện một cách thái quá, cha mẹ cũng tỏ ra bất lực trong việc dạy con.

Theo chị, tính bướng bỉnh ở trẻ liên quan nhiều đến yếu tố gia đình, cách ửng xử của bố mẹ với con cái và giữa bố mẹ với nhau. Nếu trong nhà, bố mẹ có tính nóng nảy, hay cãi nhau, phản ứng mạnh sẽ ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.

Ngoài ra, những trẻ quá được nuông chiều, luôn thấy mình là trung tâm của sự chú ý, muốn làm là làm, không mấy khi bị phạt cũng trở nên bướng bỉnh, ích kỷ. Ngược lại, cha mẹ tỏ ra quá nghiêm khắc trong cách dạy con, đánh trẻ thậm tệ hoặc dùng những từ nặng nề như: "Đập cho vỡ mặt bây giờ", "Đồ hư đốn", "Tao chưa thấy đứa nào hỗn như mày"... cũng phản tác dụng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp cha mẹ không quá nuông chiều, không đánh nhưng trẻ vẫn tỏ ra ngang ngạnh. "Đến một giai đoạn nhất định trẻ sẽ tỏ ra bướng bỉnh, điều này cũng là bình thường Nhưng một số cha mẹ có thể có cái nhìn hơi quá về con và quy chụp con là hư, hỗn", chị Nga cho biết.

Theo chị, bé bướng bỉnh vì chưa biết cách ứng xử như thế nào cho phù hợp. Khi được 2 tuổi bé bắt đầu nhận thức, biết thế giới xung quanh, bắt đầu thể hiện mình thế này, thế kia. Nhưng các bé chưa ý thức hết được hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Đến 3 tuổi bé bắt đầu hình thành ý thức cá nhân, khẳng định cái tôi của mình. Lúc này, trẻ muốn xem phản ứng của người khác như thế nào, hình thành sự thách thức. Nhưng nếu cha mẹ có cách tác động phù hợp trẻ sẽ thay đổi.

Nếu cha mẹ tảng lờ, không nhắc nhở thì trẻ sẽ được đà, thích nói gì thì nói, thậm chí đánh bạn. Cha mẹ cần hướng nhận thức của bé về bản thân, về thế giới xung quanh, ứng xử như thế nào cho phù hợp, cái gì không được phép.

Trước hết, khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh, không chịu nghe lời, cha mẹ không nên phê bình trẻ "Hư", "Hỗn" hay "Sao mà dốt thế". Ngược lại phải nhận xét điểm này tốt, ngoan và điểm này chưa được, đồng thời động viên con: "Nếu con cố gắng con có thể làm tốt". Điều quan trọng là không để hành vi không tốt của trẻ lặp đi lặp lại hay để trẻ thấy nhờ thế mà được thỏa mãn nhu cầu nào đó.

Chị Nga cũng cho biết, cha mẹ cần dạy bé cách yêu thương, hiểu cảm xúc của người khác. Cha mẹ có thể lấy các tình huống khi một người bị ngã xe, khi hai bạn đánh nhau và hỏi bé: "Nếu con là người bị ngã (bị đánh) con sẽ thấy thế nào?" hay "Con nghĩ vì sao hai bạn lại đánh nhau?"... Từ đó, trẻ sẽ có ý thức chú ý đến người khác cử xử ra sao, để điều chỉnh hành vi của mình.

Ngoài ra, bạn có thể dành thời gian đọc truyện cho con nghe. Không chỉ là kể chuyện đơn thuần mà qua đó, cha mẹ có thể hỏi con về các nhân vật trong truyện, nói cho con hiểu ý nghĩa của chuyện. Khi bé đã được 5, 6 tuổi thì bạn có thể hỏi con câu chuyện có ý nghĩa như thế nào. Qua những câu chuyện, trẻ học được cách phải yêu thương bố mẹ, hòa đồng thân thiện với bạn, người khác.

Chị Nga cũng lưu ý, cha mẹ cũng cần xem trẻ có gặp vấn đề gì về tâm lý không. Có thể, bé có khó khăn về tâm lý do sự phát triển thần kinh, trong gia đình có vấn đề làm cho trẻ phát triển không bình thường. Khi ấy, trẻ cần được hỗ trợ về tinh thần, tâm lý.

 
Theo Nam Phương
Vnexpress
Chia sẻ