Đau đầu nghĩ cách "quản" con nghỉ hè
Mấy hôm nay, sáng nào đi làm, chị Dung, nhân viên văn phòng ở Hà Nội cũng đèo thêm cậu con trai đến cơ quan. Cũng như năm trước, kỳ nghỉ hè của con luôn khiến chị đau đầu.
Năm ngoái, chị Dung phải gửi cậu con trai lớp 2 sang nhà ông bà ngoại ở Gia Lâm trong ba tuần cháu được nghỉ hè. Thế nhưng, năm nay, em dâu mới sinh, ông bà bận chăm cháu nội, nên chị không dám gửi con về ngoại nữa.
Hai vợ chồng chị cũng đã tính nhiều cách khác nhưng đều không ổn, chẳng hạn, cho con đi trại hè thì mất số tiền khá to (5 triệu cho 3 ngày) mà cũng không yên tâm khi để con đi xa với toàn người lạ. Gửi con về ông bà nội ở Thái Bình cũng không được vì ông bà đã già, không thể lúc nào cũng theo cháu, mà thằng bé nghịch ngợm, xung quanh thì đầy ao, hồ...
Cuối cùng, hai người đành chọn cách: Tuần đầu tiên, chị Dung sẽ đưa con đến cơ quan. Tuần thứ hai chồng chị sẽ cho cháu theo vào xưởng cơ khí cùng. Còn tuần thứ ba sẽ gửi nhóc đến nhà bác ruột (cũng có cậu con bằng tuổi). Thế nhưng, kế hoạch này đã "phá sản" ngay từ đầu vì đến cơ quan mẹ, cậu con luôn tay luôn chân nghịch ngợm, hết lôi tài liệu của mẹ ra xem, lại đòi máy tính để chơi game rồi làm vỡ cốc, đổ ghế...
Chị Dung quá mệt khi vừa phải để tâm làm việc, vừa trông con, lại ngại với đồng nghiệp. Bởi vậy, sang ngày thứ tư, chị đành viết giấy xin nghỉ phép để ở nhà trông con.
Thay vì tìm cách quản lý con, bố mẹ hãy để bé được trải nghiệm những điều mới mẻ trong những ngày nghỉ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng chung cảnh ngộ, chị Hòa, Mỹ Đình, Hà Nội mấy ngày nay mệt phờ vì phải làm "xe ôm" ngày 2 lần đưa đón Bin, cậu con cả đang học lớp 6 đến lớp học vẽ ở tận Định Công.
Chị Hòa cho biết, mấy ngày mới nghỉ, chị để Bin ở nhà với bà giúp việc và cậu em trai 5 tuổi. Thế nhưng, cậu bé trở nên hay cáu kỉnh, bực bội vì cả ngày phải loanh quanh trong nhà, không được chơi máy tính (bố mẹ sợ con chơi game quen thành nghiện). Cũng vì vậy, Bin hay nổi quạu, có khi còn trêu, đánh em khóc.
Tham khảo vài người bạn cùng cơ quan, chị Hòa quyết định cho con đi học vẽ. Vấn đề là, trong ngày nghỉ, hai mẹ con đi vài nơi mà Bi chẳng thích chỗ nào, lại chỉ hào hứng với một chỗ ở tận Định Công. Thấy thầy dạy rất nhiệt tình, lớp học có tiếng, chị Hòa đành chiều con, chấp nhận ngày hai lần đưa đón con. Vì thế, sáng nào chị cũng đi làm muộn, trưa nắng to cũng phải lọ mọ đi đón con về.
"Mọi người cứ bảo trẻ con bây giờ khổ vì được nghỉ hè ít hơn ngày trước. Còn mình thấy may mà chỉ nghỉ có 2-3 tuần, chứ 'chơi' cho 3 tháng như hồi bọn mình thì không biết xoay sở thế nào", chị Hòa tâm sự.
Cùng chung tâm trạng với chị, trên các diễn đàn làm cha mẹ, các vị phụ huynh cũng thi nhau hỏi cách làm thế nào để cùng con "vượt hè". Có người còn thổ lộ: "Con mình đang học lớp một rồi, nghỉ hè định gửi con về lại trường mầm non nhưng cu cậu không thích, mà mình cũng thấy như thế phí thời gian của con quá. Làm sao bây giờ?"
Hiện nay, thường trẻ được nghỉ hè rất ngắn, khoảng 2 tuần đến một tháng nhưng lại là khoảng thời gian khó khăn với nhiều phụ huynh, nhất là những người có con học cấp 1, cấp 2.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Dương Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Eveil (Hà Nội), thật ra, bố mẹ không nên coi thời gian con nghỉ hè là một thách thức. Trẻ đã có cả một năm học với lịch trình kín mít từ sáng đến tối ở trường, vì vậy, thay vì nghĩ cách quản lý, giết thời gian, bạn hãy làm cho những ngày nghỉ của con trở nên hữu ích và lý thú. Trong hè, kỵ nhất là việc nhốt trẻ trong nhà để bé suốt ngày với TV và máy tính.
Theo bà, để không bị động và xáo trộn khi con đến kỳ nghỉ, bố mẹ cần lên kế hoạch cho những dịp này từ trước để sắp xếp thời gian, tiền bạc cho những hoạt động ý nghĩa: Cả nhà có thể đi nghỉ mát cùng nhau, cho trẻ được trải nghiệm không gian sống khác, gần gũi với thiên nhiên bằng cách cho bé về thăm ông bà nội ngoại ở quê (nếu có).
Bố mẹ cũng có thể cho con đến thư viện gần nhà để đọc sách hoặc đưa bé đi mua sách. Những lớp học ngoại khóa, rèn kỹ năng sống, hay các môn nghệ thuật cũng là lựa chọn rất hay dành cho trẻ trong thời gian này. Một số trẻ khác lại rất thích thú với các hoạt động thể chất như học võ, tập bơi, chơi bóng...