Đánh đập, quát nạt trẻ là “hạ sách”

,
Chia sẻ

Nhiều người nghĩ rằng, ông bà, bố mẹ có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm giáo dục, chăm sóc trẻ. Ít người lớn biết rằng chính mình còn thiếu và yếu về kỹ năng thực tế.

Theo các chuyên gia tâm lý, rèn kỹ năng cho người lớn là chuyện khó, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi nếp nghĩ và cách cư xử của đối tượng này. Và trong những buổi giao ban, thảo luận về chủ đề chăm sóc, giáo dục con cái ở cơ quan, các bậc cha mẹ nhận thấy rất rõ nhiều “lỗ hổng” về kiến thức và kỹ năng sống, nhưng không dễ khắc phục.

Tranh minh họa: NOP.

Khi nghe con trai 6 tuổi nhắc nhở ba mẹ không được đánh con, vì như thế là vi phạm pháp luật, tôi ngạc nhiên nhưng rất vui vì sự hiểu biết của cháu. Tôi chỉ nhắc khéo: “Con phải ngoan thì ba mẹ không bao giờ đánh con”. Thằng bé thắc mắc: “Thế nào là ngoan hả mẹ?”. “Ngoan là phải biết nghe lời ba mẹ”. Con trai tôi vẫn chưa chấp nhận: “Cái gì đúng thì con mới nghe theo chứ. Vì thế ba mẹ phải gương mẫu nhé”. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải thống nhất giữa lời nói và việc làm. Những câu nhắc khéo của con giúp chúng tôi nhận ra “lỗ hổng” của mình về kiến thức cũng như kỹ năng sống còn khá lớn.

Vào chăm sóc con trai tôi, nhiều lần mẹ nói khéo: “Vợ chồng anh chị học làm gì cho nhiều bằng này bằng nọ, việc quan trọng nhất là xây dựng mái ấm gia đình thì lại thiếu hụt, lúng túng. Con hơn ba tuổi mà còi xương, yếu ớt, hay để mẹ đem nó về quê nuôi khi nào lớn thì lên ở với anh chị”. Cả hai vợ chồng không khỏi chạnh lòng, nhưng đó là sự thật. Mặc dù trước khi sinh con, tôi đã tự bổ túc cho mình khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc gia đình, nuôi dạy con trẻ từ sách  báo, đồng nghiệp, nhưng trước mọi tình huống xảy ra, tôi đều thấy bỡ ngỡ, tự ti và thực hiện một cách vụng về.

Đánh đập vì bất lực

Nhiều bậc phụ huynh nhận thức rất rõ rằng, sử dụng biện pháp mạnh (dọa nạt, đánh đập) để giáo dục con cái thường là lợi bất cập hại. Có thể dẫn đến hậu quả trẻ bất hợp tác với cha mẹ. Có trường hợp cha mẹ sau khi mắng mỏ, đánh đập con trẻ xong thì giải thích rằng, tất cả những gì mình làm đều là muốn tốt cho con. Nhưng khi trao đổi với các chuyên gia tâm lý, hầu hết phụ huynh đều thừa nhận rằng, quát nạt trẻ là biểu hiện sự bất lực của mình trong dạy bảo con cái. Ngược lại, dùng biện pháp quá mềm dẻo như chiều chuộng, nhu nhược với con cũng để lại những hậu quả xấu, tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh vẫn thực hiện. Những nghiên cứu gần đây của các nhà giáo dục học cho thấy, có hơn 60% phụ huynh cho rằng mình từng đánh đập con trẻ.

Nhiều giáo viên từ bậc mầm non đến bậc phổ thông khi trao đổi về vấn đề văn hóa học đường kịch liệt phản đối bạo lực đối với học sinh về mặt tinh thần cũng như thể chất. Nhưng một số, nhất là những người làm công tác chủ nhiệm, cũng thừa nhận rằng, những năm trong nghề ít nhiều đã dùng biện pháp mạnh đối với học sinh.

Không ít phụ huynh và giáo viên thẳng thắn trao đổi những băn khoăn: Thực chất kỹ năng sống là những kỹ năng gì? Vận dụng như thế nào vào cuộc sống? Liệu những kỹ năng của người lớn có phù hợp với con trẻ không?

 
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Theo Đất Việt
Chia sẻ