“Đánh chừa mẹ này”

,
Chia sẻ

Có hôm khách đến nhà, ngồi vào cái ghế của Cốm hay ngồi, Cốm xông hẳn lên lòng khách mà tát và đạp, miệng nói đánh chừa.

 

1. Bé Mít ở tập thể Giảng Võ ở nhà với bà nội. Từ khi bé được 11 tháng, bà hay dậy cháu đánh chừa tất cả mọi thứ trong nhà.

Mít ngã, đánh chừa cái sàn nhà làm Mít đau. Mít quờ tay phải bát mỳ, đánh chừa cái bát mỳ nóng lại nằm ngay trong tầm với của Mít. Mẹ đi làm về, chưa kịp bế, Mít khóc òa lên. Thế là đánh chừa mẹ hư nhé! Cả nhà Mít, ai cũng áp dụng việc đánh chừa để dỗ Mít nhé. Từ ông, bà, bố, mẹ, cô và cả anh Tít.

18 tháng, Mít đi nhà trẻ. Gặp ai hay điều gì không vừa ý, Mít đều đánh chừa. Đánh chưa bạn, đánh chừa cô giáo, đánh chừa đồ chơi. Mà mỗi lần đánh chừa, Mít đầu cầm một chiếc que, dứ dứ hoặc đập túi bụi vào mặt bạn. Đã mấy lần, cô giáo phản ánh với bố mẹ Mít. Nhưng bà và bố mẹ Mít đều gạt đi: “Chuyện trẻ con, cô chấp làm gì”.

2. Mẹ Cốm không biết bao nhiêu lần phải xấu hổ vì cái thói đánh chừa của con. Mấy lần cho con xuống nhà ông ngoại, ông bà cứ để cho cháu đánh chừa, tát bôm bốp vào mặt ông. Cả nhà con cười nghiêng ngả ra chiều thích thú làm Cốm càng đánh hăng.

Mẹ có mắng bảo con không được làm như thế, bà lại giận: “Khác gì nó mắng vào mặt ông bà đâu. Trẻ con chứ có gì đâu”. Được thể, có hôm khách đến nhà, ngồi vào cái ghế của Cốm hay ngồi, Cốm xông hẳn lên lòng khách mà tát và đạp, miệng nói đánh chừa.

Giúp bé từ bỏ thói quen đánh chừa

Tất cả những hành động của bé đều xuất phát từ những hành động của bố mẹ và những người xung quanh. Hành động đánh chừa cũng thế. Bé hay đánh chừa vì cả nhà thường xuyên đánh chừa.
Đánh chừa tạo cho bé thói quen hung hãn và đổ lỗi cho người khác

Nguy hiểm hơn, bé quen đánh chừa lớn lên sẽ quen đổ lỗi cho người khác. Tính tình bé có thể hung hãn hơn, quen thói đánh, đập, tát người khác. Tốt nhất, bố mẹ không nên tạo cho bé thói quen đánh chừa. Nếu có đánh chừa, phải đánh chừa người lớn trước vì người lớn đã dạy con thói quen đó.

Mẹ Huynhphuclinh trong CLB Làm Cha Mẹ chia sẻ kinh nghiệm rất hay về việc giúp bé từ bỏ thói quen đánh chừa: “Mỗi khi bé ngã hay bé va vào ai đó, chị ấy chuyển sự chú ý của bé bằng cách nói với bé: con làm người đó/đồ đó bị đau rồi”. Đó là cách giúp bé chuyển hướng chú ý mà cũng biết quan tâm tới người khác hơn là đổ lỗi.

Theo chuyên gia tâm lý học Lê Khanh, không chỉ riêng bé Mít mà có nhiều bé khác trong độ từ 1 – 2 tuổi thích đánh chừa người khác. Đơn giản, vì cả nhà xúm vào dạy bé đánh chừa thì làm sao bé không bắt chước được cơ chứ.

Để giúp bé không tập nhiễm thói quen đó, cả nhà không được nói từ đánh chừa hay đánh chừa bất kỳ một người nào, một đồ vật gì. Nếu bé vẫn có thói quen đánh chừa, cả nhà áp dụng chính sách “ba không”: “Không nghe - không thấy - không phản ứng, nghĩa là coi như không có chuyện gì xảy ra, không khen, không chê, không trách phạt gì cả - lờ đi như chưa hề có chuyện đó - dần dần cháu sẽ quên đi thôi. Bên cạnh đó, cũng có thể áp dụng một số hành vi tích cực khác sau khi cháu đã giảm chuyện đánh chừa) để thay thế.

Nam Phương
(Tổng hợp)
Chia sẻ