Cuộc sống bỉm sữa chẳng còn áp lực khi mẹ áp dụng 6 mẹo này
Lên kế hoạch sắp xếp cho các không gian trong căn nhà sẽ giúp công việc nội trợ hay bỉm sữa không còn quá đáng sợ.
Gia đình có nhiều trẻ nhỏ thì việc giữ không gian gọn gàng, ngăn nắp là điều không dễ dàng. Chị Dung (31 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ chị luôn có cách để quản lý được sự bừa bộn đó, và có thể dọn dẹp chúng trong khoảng thời gian ngắn. Là một bà mẹ có 3 con nhỏ (các bé lần lượt 6 - 3 - 1 tuổi), mọi công việc trong gia đình đều do 2 vợ chồng chị Dung tự sắp xếp.
"Với mình, ngôi nhà không chỉ là không gian sống mà còn là nơi tái tạo năng lượng cho cả gia đình. Mình là một người khá quan trọng đời sống tinh thần, nên mình thật sự đã phải lên kế hoạch một cách khá tiểu tiết cho ngôi nhà, để nó luôn trong tầm kiểm soát của mình, giảm tải áp lực dọn dẹp cho bản thân, từ đó công việc nội trợ hay bỉm sữa với mình không còn là việc quá đáng sợ và rối tinh mù lên nữa.
Nhà mình mới chỉ gọn gàng ở mức tương đối thôi. Mình biết có rất nhiều căn nhà gọn gàng, sạch sẽ, đẹp hơn nhà mình nhiều lắm; nhưng biết đâu những kinh nghiệm nho nhỏ của mình lại giúp ích hơn cho các mẹ bỉm bận rộn như mình, nhỉ?", chị Dung bật mí.
1. QUAN TÂM TỚI CHẤT LIỆU KHI THI CÔNG
Màu sáng thường sẽ đẹp khi đưa vào không gian, nhưng thường mọi người e ngại vì nó dễ bám bẩn. Nhà mình thì hầu hết mọi thứ đều làm màu sáng vì mình thích tone màu này, và cho đến nay thì mọi thứ vẫn sáng sủa, sạch sẽ. Khi chọn vật liệu, nếu không yên tâm, có thể xin mẫu vật liệu của xưởng thi công và test khả năng bám bẩn cũng như lau chùi trước khi sử dụng. Sơn cũng vậy! Nhà mình sơn tường và đồ gỗ màu sáng, thỉnh thoảng cũng có nét vẽ của con, nhưng đều lau được bằng khăn ẩm. Vật liệu dễ lau chùi khiến việc dọn dẹp nhàn hơn, và cũng giữ được độ mới của nội thất lâu hơn.
Một căn nhà gọn gàng sẽ khiến tâm trạng mẹ bỉm tốt hơn.
2. BỐ TRÍ, QUY HOẠCH CHỨC NĂNG TỪNG KHU VỰC NHỎ TRONG NHÀ
Trong bản vẽ nhà chỉ có bố trí không gian các phòng, còn khi sử dụng căn nhà, việc bố trí khu vực chi tiết cho gia đình tiện sử dụng mình thấy khá quan trọng. Điển hình nhất là tủ bếp. Khi nhận nhà, những hệ thống tủ bếp là trống rỗng, và sắp xếp sao cho đồ đạc cùng công năng sử dụng vào hết 1 khu vực tiện lợi nhất lại là việc của chủ nhân.
Mình thường chia phần không gian lớn hơn thành những phần nhỏ hơn và quy định chức năng của từng khu. Khu bếp sẽ có khu vực sơ chế, nấu nướng, pha chế, làm bánh,...; phòng các con sẽ có góc học tập, góc chơi...; phòng tắm có khu vực khô và ướt... Thậm chí đến việc cất quần áo vào tủ mình cũng chia theo khu vực để tiện lợi nhất cho việc lấy/xếp đồ. Việc phân khu như này đòi hỏi quy hoạch hợp lý để vừa tiện ích khi sử dụng, lại tránh việc lộn xộn khi đi tìm đồ mình cần hoặc không biết cái này thì cất ở đâu...
3. NẾU KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG QUẢN LÝ NÓ - HÃY "GIẤU" NÓ!
Mình đang nói đến các thể loại chai lọ, mỹ phẩm, thuốc thang, đồ chơi... nói chung trong nhà. Không có chỗ cất hợp lý, mấy món này rất dễ "bay màu", khi cần tìm hoài không thấy hoặc bị vứt lung tung mỗi thứ 1 nơi.
Mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp sẽ khiến tâm trạng của mẹ thoải mái hơn.
Nhất là nhà mình có đông trẻ con, mà tụi nó thì luôn bị hấp dẫn bởi đám chai lọ đầy bí ẩn của người lớn. Mình nhận ra nếu bày chúng ra khơi khơi thì không khác gì 1 lời mời gọi 3 đứa con xông vào nghịch. Nhưng nếu cất giấu chúng được khỏi tầm mắt thì giảm thiểu đi tới 90% việc bị thất lạc đồ hay thậm chí là hỏng hóc. Vì vậy, với những món đồ lắt nhắt, mình thường cất giấu chúng, khi cần thì lấy ra. Có thể nhiều người sẽ thấy hơi bất tiện, nhưng sự tiện lợi đôi khi không thể song hành cùng sự gọn gàng được, và mình chọn gọn gàng, để thấy cuộc sống vui vẻ hơn khi không phải chứng kiến đống đồ đạc lung tung mỗi nơi 1 thứ.
4. CHIA NHỎ VIỆC DỌN DẸP
Mình thường chia nhỏ việc dọn dẹp, tránh dồn hết vào 1 hôm để đỡ áp lực và cũng dễ bố trí thời gian hơn. Nhà mình có lẽ chỉ tổng vệ sinh vào gần Tết thôi, còn trong năm, mỗi ngày mình sẽ làm 1 việc. Hôm thì lau kính, hôm sau cọ toilet, hôm sau nữa hút bụi ở các khe nhỏ, hôm nào đó sẽ lau nhà...
Nên nhờ sự giúp đỡ của máy móc
5. SỬ DỤNG MÁY MÓC HỢP LÝ
Nhà mình không có giúp việc, nhưng có dàn máy móc tuy không xịn xò nhưng mình tận dụng được tối đa công năng sử dụng của chúng. Một chiếc máy hút bụi cầm tay hơn 1 triệu đồng có thể thay thế hoàn toàn cho cái chổi quét nhà, và độ sạch sẽ, tiện lợi, tiết kiệm công sức chắc chắn hơn em chổi truyền thống. Một chiếc robot không biết vẽ bản đồ, nhưng nhờ nó mà mình có ý thức giữ nhà cửa thoáng đãng gọn gàng hơn để chừa lối đi cho robot hút sạch bụi hàng ngày. Một em máy rửa bát nhỏ xinh nhưng đủ dùng để nỗi lo tụ tập ăn uống hay nấu nướng bày vẽ cho tụi trẻ con không còn là điều quá e ngại nữa. Một giàn máy giặt sấy quá tuyệt vời cho cả 4 mùa. Rồi bếp từ có chức năng hẹn giờ để không bao giờ phải lo cháy khét cạn nước, lò nướng để làm 1 tỉ món ngon, nồi nấu chậm hơn "300 cành" đã "kinh qua" 3 lần nấu cháo ăn dặm, ... - Tất cả đều phục vụ cuộc sống hàng ngày của mình một cách cần mẫn, thiết thực, không bao giờ đi buôn dưa lê, đòi tăng lương hay bỏ về quê...
6. TẠO RA NHỮNG GÓC CHILL TẠI GIA
Ở nhà 4 bức tường nheo nhóc với con mọn mãi cũng nhàm... Đôi khi mình tự tạo một góc nhỏ trong nhà thành studio chụp ảnh cho con, hay góc tiệc trà bánh, góc rạp chiếu phim, góc nhà hàng 5sao...
Để thấy cả thế giới ngoài kia đều có thể bê về nhà, không gì bằng ở nhà - nơi nhiều tiếng cười, sự thoải mái và dễ chịu nhất thế gian!