Cuộc chiến nuôi con thành Tây lai: Cháu cãi, ông bà sốc

Theo Giadinhnet,
Chia sẻ

Đi học về, cu Lim nhìn thấy ông bà đang ngồi ở ghế uống nước liền giơ một tay lên "Hello" rồi cởi giầy đi thẳng vào trong.

Ông bà ngoại Lim ở quê gần nửa năm mới lên thăm cháu, suốt cả buổi chiều bà ngoại thấp thỏm chờ cháu về để ôm cho bõ nhớ không ngờ thái độ lạnh lùng, không thân mật của cháu khiến bà vừa ngạc nhiên, vừa buồn não lòng.

"Sao bà vào mà không gõ cửa?"

Bà Vũ Thị Ninh (bà ngoại Lim) tâm sự: "Lâu lâu mới lên thăm cháu mà nó làm tôi bất ngờ quá. Ngày nhỏ bà lên bế ẵm suốt, nó tình cảm với bà là thế mà bây giờ nó chẳng thân mật gì cả. Cứ bà chạy đến ôm nó lại gỡ tay ra nói "cháu đang bận chơi" hay "bà đừng làm phiền cháu". Bà hỏi chuyện thì nó đáp cụt lủn, "không" hay "không thích", "thích đi dã ngoại, không thích về quê"... Tôi bảo: Lim phải xưng với bà là Lim chứ sao lại nói trống không như thế? Nó thản nhiên bảo: "Ở lớp Lim vẫn nói thế với cô giáo có sao đâu?".

Bữa tối vừa dọn ra, Lim reo lên vì thấy có nhiều món ngon rồi ngồi thẳng vào ghế tự lấy đồ ăn cho vào bát ăn ngon lành mà không cần biết bữa cơm chưa bắt đầu và nó cũng không mời ông bà hay bố mẹ trước khi ăn. Ăn xong nó vào phòng riêng, đóng cửa lại. Thấy vậy tôi góp ý với các con thì con trai tôi gạt đi: "Thời buổi bây giờ nó thế. Với lại cu Lim học trường Tây nên nó tự nhiên lắm. Không rụt rè như trẻ quê".
 

Chị Kiều Linh, phố Liên Trì, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng than thở: "Tôi mất cả núi tiền cho con đi học trường quốc tế với mong muốn con làm quen với cách sống tự lập của người Tây và được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, được học tập theo hướng gợi mở và sáng tạo nhưng những thay đổi ở con làm vợ chồng tôi quá bất ngờ vì nó có những biểu hiện không thích nói tiếng Việt và từ chối những cử chỉ quan tâm của người thân. Chỉ thích làm theo ý của mình, mọi góp ý của bố mẹ đối với nó gần như không có tác dụng".

Khi chúng tôi hỏi về đứa cháu nhỏ của bà Nguyễn Thị Minh, phố Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang học cấp 2 ở một trường quốc tế tại Hà Nội, bà không giấu nổi nỗi buồn. Bà Minh kể: "Phải thừa nhận là nó năng động, tự tin hơn hẳn các bạn cùng khu phố. Nhưng vợ chồng tôi không thể thích nghi được với cách sống của cháu.  Nó không tình cảm với ông bà như trước nữa, chỉ thích ra ngoài với bạn bè. Mỗi khi không đồng ý điều gì với ông bà, bố mẹ là nó có thể ngồi nói chuyện "tay đôi" quyết liệt ngay. Nhiều hôm mẹ nó nói: "Con cãi lại ông bà, bố mẹ như thế là hỗn láo, không chấp nhận được”. Không ngờ nó phản ứng ngay: "Thế từ nay khi có chuyện, con sẽ nói tiếng Anh, trong tiếng Anh không có từ nào hỗn hết, chỉ có "I" với "You" thôi.
 
Có buổi nó đang học trong phòng, tôi và ông ấy đi chơi về qua phố Hàng Than mua cho nó cốc chè bưởi mà nó thích. Về tôi cho vào cốc mang lên cho nó. Tôi vừa tươi cười đẩy cửa vào nói: "Bà mua cho cháu cốc chè bưởi ngon lắm nhé". Không ngờ nó quay lại tròn xoe mắt: "Sao bà vào phòng cháu mà không gõ cửa?"...
 

Bà Minh vẫn giọng trầm buồn khi nói về cô cháu gái: "Lúc đầu cho cháu theo học trường quốc tế gia đình tôi cứ nghĩ là để cho cháu vừa học, vừa được vui chơi... Vì sau khi học hết cấp 1 cả gia đình tôi đều nhận thấy nó trải qua những năm tháng học căng thẳng- căng thẳng ngay từ khi bắt đầu tập đọc, tập viết. Sự hăm hở học của cháu tôi những ngày đầu bước chân vào trường tiểu học đã lập tức tiêu tan, thay vào đó nó sợ học. Học tiểu học nhưng nó phải học sáng, học chiều và tối về nhà... học tiếp. Buổi tối ngồi học ở nhà, nó thường xuyên ngủ gục hoặc khóc ngay tại bàn học vì quá mệt, buồn ngủ mà vẫn chưa làm hết số bài tập cô cho về nhà. Nên lên cấp hai gia đình tôi quyết định cho cháu học trường quốc tế"...

Không ít phụ huynh cho con theo học trường quốc tế than thở sau một thời gian cho con theo học, con của họ đã có những thay đổi ngoài mong muốn: Con quá độc lập, suy nghĩ, cách sống quá... Tây, hay tỏ ra quá xa cách với bầu không khí gia đình như mất hẳn  thói quen mời ăn cơm, thiếu thái độ nhún nhường trong giao tiếp, ý thức tự tôn cá nhân, tự do cá nhân quá mạnh...
 
Con không thành "Tây" cũng chẳng ra "ta"

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm Tư vấn Tâm lý Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, giáo dục các nước phương Tây thường chú ý phát huy năng lực cá nhân, nhờ đó trẻ sẽ tự lập trưởng thành nhưng điều này trái với thuần phòng mỹ tục của Việt Nam nên khiến ông bà, cha mẹ bị sốc. Vì phương Tây thường giải quyết mọi việc theo tư duy duy lý - coi trọng lý lẽ chứ không phải tư duy duy tình - đặt nặng tình cảm. Tuy nhiên, tư duy duy lý cũng rất coi trọng cảm xúc của người khác. Nhưng cách áp dụng của một số trẻ em Việt Nam học trường Tây vẫn chưa khéo làm tổn thương đến cảm xúc của người thân. Nếu lường trước những điều này thì gia đình có con theo học trường quốc tế mới dung hòa được mối quan hệ với con, cháu.

Một chuyên gia tâm lý khi được hỏi về vấn đề này lại tỏ ra khá gay gắt cho rằng, khi cha mẹ nhận ra sự "lai hóa" của con thì đứa trẻ đã "mất" khá nhiều. Vì chúng rất dễ trở thành những đứa trẻ không thành Tây cũng chẳng ra ta. Những đứa trẻ người Việt Nam cần được giáo dục, đào tạo chúng thành người Việt để phục vụ, cống hiến cho đất nước.
 
Chia sẻ