Cứ trở lạnh là bé ngạt mũi, sụt sịt
Con trai tôi hiện 2 tuổi, lúc 5,5 tháng tuổi cháu được chẩn đoán viêm V.A, đã dùng thuốc và khỏi bệnh nhưng sau đó cứ có đợt lạnh là cháu lại ngạt mũi và sụt sịt.
Xin bác sỹ tư vấn để trị bệnh viêm V.A cho cháu hiệu quả và tôi phải phòng ngừa bệnh cho cháu thế nào? (Phùng Quang Anh - Hà Nội)
Trả lời:
Như chẩn đoán, cháu nhà anh mắc viêm VA do thời tiết. Với bệnh này, khi đã mắc mà không điều trị hoặc phòng ngừa bệnh thì rất dễ tái mắc lại nhiều lần.
Viêm V.A có thể gây các biến chứng như viêm mũi (chảy mũi đục, nghẹt mũi, nhức mũi), viêm xoang (chảy mũi như mủ, nhức vùng má), viêm tai giữa thanh dịch (nghe kém, màng nhĩ không thủng), viêm tai giữa cấp (sốt, nhức tai, nghe kém, sau đó chảy mủ tai, thủng nhĩ), viêm amiđan (2 amiđan to, nuốt khó, nuốt vướng, thỉnh thoảng lên cơn bộc phát cấp), viêm thanh quản (khó thở, ho, khàn tiếng, dễ dẫn đến tử vong).
Trong các trường hợp viêm V.A tái phát nhiều lần và nặng thì các bác sĩ sẽ có chỉ định nạo/cắt V.A cho trẻ. Đây là phương pháp điều trị cho kết quả tốt nhất và có thể dứt điểm được bệnh. Tuy nhiên, việc nạo/cắt phải được tiến hành với đúng bệnh và đúng kỹ thuật.
Nếu cháu hay bị tái mắc thì tốt nhất anh nên cho con đi khám lại tại chuyên khoa Tai – mũi – họng ở bệnh viện. Chỉ có khám trực tiếp thì các bác sỹ mới có thể dựa vào những triệu chứng lâm sàng, khám đường hô hấp trên, vùng xoang mũi và soi vòm họng bằng gương soi gián tiếp hoặc nội soi... để chẩn đoán bệnh và đưa ra lời khuyên điều trị cụ thể.
Về phía gia đình, để phòng bệnh cho trẻ cần chú ý giữ ấm cho con trong những ngày lạnh. Chú ý giữ ấm vùng mặt, tai, tay, chân. Tránh cho trẻ ra ngoài trời quá lâu khi trời lạnh.
Tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho bé.
Sử dụng nước muối sinh lý đã ngâm ấm để vệ sinh mũi cho bé, tập cho bé thói quen xúc họng nước muối hàng ngày để phòng viêm họng, tránh ảnh hưởng tới đường hô hấp.
Hạn chế để bé hít phải phấn hoa, tránh cho bé tiếp xúc với thú bông và vật nuôi trong nhà, nhất là chó và mèo...
Hạn chế dùng điều hoà nóng, máy sưởi vì sẽ làm phòng thêm khô hanh ảnh hưởng đến niêm mạc mũi của trẻ. Nếu cần sử dụng thì nên có thêm máy làm ẩm không khí.
Lan Anh
(Tổng hợp)