Cú điện thoại của mẹ
Đang ngồi trong lớp, điện thoại kêu. Nó bực giọng bấm nút đỏ. Khoảng năm phút sau, điện thoại nó lại rung trong túi quần. Lần này thì nó tỏ ra khó chịu, nó cúp nguồn máy...
Nó vẫn hăng say với bài vở, nó từ chối cuộc gọi của mẹ ngoài quê. Nó nghĩ thầm: “Chắc mẹ lại gọi hỏi thăm sức khỏe, chẳng có gì mẹ gọi hoài tốn tiền điện thoại...”.
Không ít lần nó lười bắt máy của mẹ vì nó chắc rằng mẹ lại điệp khúc hỏi thăm sức khỏe. Tuần nào mẹ cũng gọi cho nó khoảng bốn, năm lần gì đó. Lần nào mà nó chẳng khỏe, thế mà mẹ vẫn hỏi thăm xem nó có khỏe không.
Thi thoảng nó mới gọi về hỏi thăm sức khỏe mẹ và em trai, cũng do máy nó thường xuyên “empty”, nếu tài khoản còn vài trăm đồng thì nó nhá máy mẹ gọi lại. Mẹ và nó thường xuyên nói chuyện nên mỗi lần có việc gì quan trọng nó mới “siêng” bắt máy.
Kể từ ngày bố nó mấtt nó cũng ít gọi về nhà, ngày trước bố nó ốm, hôm nào nó cũng gọi về nhà hỏi thăm. Rồi bố nó mất. Nó chỉ còn mẹ và em trai, thi thoảng nó mới nói chyện với em trai nó. Mẹ thì gọi nó suốt. Vì nó cũng học xa nhà, nó còn phải học, nó không có nhiều thời gian cho những cú điên thoại. Nó khác với những đứa bạn cùng trang lứa, hay tiêu sài thời gian vào message, phone... Nó thì không thích thế, nó cho đó là việc không cần thiết, bởi thế nó cũng sống khác với bạn nó.
Hôm nay, mẹ nó lại gọi. Nó đang học, nó không bắt máy. Nó thường làm như thế với tất cả các cú điện thoại đến khi nó đang bận học. Sau cú điện thoại của mẹ là của em trai nó. Nó cũng không bắt máy. Nó nhận được tin nhắn của em nó sau cú gọi: “Chị đi đâu mà không bắt máy? Làm mẹ lo, mẹ tưởng chị bị ốm nên dấu mẹ không bắt máy! Mẹ vừa gọi cho em...”.
Đọc xong tin nhắn, nó cũng không thể trả lời tin nhắn cho em nó, nó đang học mà. Nhưng bỗng dưng nó thấy buồn buồn, nó cũng chẳng còn tâm trí để nghe thầy giảng. Nó thảng thốt giật mình khi nghĩ tới mẹ. Mẹ nó - một mình ngoài quê, miền trung vừa qua mưa lũ. Quê nó ở Thanh Hóa bị ảnh hưởng của đợt lũ Megi tuy không nặng như các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị nhưng hôm trước mẹ có nói: “Mưa suốt ngày con à, ao nhà ta ngập nước cá ra hết rồi...”. Nó bỗng thấy cay cay sống mũi, nó lao vội ra ngoài bấm nút gọi.
Nó nghe tiếng mẹ nó từ đầu dây bên kia. Nó khóc. Mẹ vẫn dịu dàng hỏi thăm nó khỏe không? Sao mẹ gọi không bắt máy. Nó thút thít, mẹ nó lo sao nó khóc. Nó xin lỗi. Nó vẫn thút thít rồi nó bật khóc to. Nó làm mẹ nó lo hơn. Nó hỏi thăm mẹ nó dồn dập như chưa bao giờ được hỏi: “Mẹ khỏe không?”,“Ao cá nhà ta có sao không mẹ”, “Mưa to thế mẹ có dữ trữ thức ăn không?”, “Mẹ ăn cơm chưa?”, “Em có gọi cho mẹ không?”...
Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà sao hôm nay nó thấy phức tạp quá, diễn đạt thật khó. Nó hỏi dồn để cảm nhận đủ câu trả lời từ mẹ nó, để nghe mẹ nó nói, để nó yên tâm rằng lũ không hoành hành ngôi nhà nhỏ xinh của mẹ con nó. Và để nó cảm nhận đầy đủ hơn về tình yêu của mẹ dành cho nó. Hôm nay nó sâu sắc hơn mọi ngày, nó biết quan tâm đến người thân của nó hơn, nó không còn lười bắt máy vì bất cứ lí do lãng nhách nào.
Vẫn những câu hỏi quen thuộc hàng ngày: “Con có khỏe không? Đi đâu mà mẹ gọi không bắt máy?...” , hôm nay nó nghe thấy ấm lòng lạ thường, nếu trước đây nó nhăn mặt và cúp máy, nó chỉ sợ mẹ tốn tiền... thì hôm nay nó cảm thấy thật hạnh phúc khi nghe giọng mẹ nó. Chỉ nghe giọng mẹ qua điện thoại thôi sao nó thấy nó thật bé bỏng, nó như đang được bên mẹ, nó muốn ôm riết lấy mẹ để hôn lên hai gò má đã sám vì mưa nắng. Nó cảm thấy nó còn hạnh phúc hơn biết bao bạn nhỏ không cha, không mẹ khác trong xã hội này.
Dẫu nó cũng mất cha, nó cũng thiệt thòi lắm nhưng nó còn có mẹ - người mẹ tuyệt vời. Nó sẽ trân trọng những gì mình đang có trước khi mọi thứ biến mất khỏi cuộc sống của nó. Nó sẽ yêu hết mình những gì nó đã đã nhận từ tình yêu thương của mọi người, nó sẽ chẳng thờ ơ với những gì xung quanh nó, nó sẽ không ích kỉ để nhận cho riêng mình một nỗi buồn không đáng có, nó sẽ vui mỗi ngày khi nhìn thấy mẹ cười, khi thấy những cú điện thoại mẹ nó gọi tới số của nó.