Con trai út của Hà Tăng 3 tuổi đã có thể tự làm điều này, vừa giỏi vừa ngoan bảo sao mẹ tự hào thế
Dù còn nhỏ tuổi nhưng bé út nhà Hà Tăng đã thể hiện sự tự lập.
Con trai út của Tăng Thanh Hà có tên thân mật là Mason, năm nay 3 tuổi. Thi thoảng, Hà Tăng cũng khoe một vài khoảnh khắc của con trai, dù không nhiều nhưng ai cũng thấy Mason là một cậu bé rất lanh lợi, thông minh.
Mới đây, bà mẹ 3 con đã chia sẻ một đoạn clip ghi lại khoảnh khắc của con trai út trước giờ ngủ. Trong khi anh hai và chị ba đã có thể tự ngủ từ rất lâu thì Mason mất một lúc mới đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cậu bé không cần mẹ ru, tự hát và đi vào giấc ngủ một cách từ từ.
Hà Tăng tâm sự, thay vì ru con ngủ thì bé tự hát ru mình nên mẹ chẳng cần động tay động chân vào: "Ngày trước mẹ hát ru cho ngủ! Bây giờ tự hát tự ru mình ngủ. Chắc cũng chục bài mới ngủ". Đoạn clip ngắn nhưng cho thấy rằng, ngay từ khi còn nhỏ, con của Tăng Thanh Hà đã rất tự lập, không quá phụ thuộc vào mẹ. Thay vì phải ôm ấp, vỗ về, ru ngủ như nhiều em bé cùng tuổi thì Mason đã tự biết cách đưa mình vào giấc ngủ dễ dàng.
Không những thế, Mason hát bài "twinkle twinkle little star" rất thành thạo. Nhiều người khen tiếng Anh của cậu bé hay, phát âm tròn vành rõ chữ, âm cuối cũng rất tốt. Điều này chứng tỏ Hà Tăng đã cho các con tiếp xúc với ngôn ngữ này từ nhỏ.
Khoảnh khắc đáng yêu của Mason
Tăng Thanh Hà kết hôn với Louis Nguyễn vào năm 2012. Sau 10 năm, cặp đôi có ba đứa trẻ xinh xắn: Richard, Chloe và Mason. Theo dõi Tăng Thanh Hà, không ít người hâm mộ nể phục cách cô nuôi dạy con cái. Mặc dù ba bé đều là "con nhà giàu", nhưng Hà Tăng và chồng đã giáo dục cho các bé tính tự lập ngay từ nhỏ qua các công việc như tưới cây hay rửa bát.
Cả Richard và Chloe đều có niềm đam mê với sách, trong khi Mason lại mê mẩn âm nhạc và chơi đàn. Đôi khi, Hà Tăng và chồng đưa các con tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời và những trải nghiệm thực tế để phát triển về mặt thể chất lẫn hiểu biết.
Mặc dù Richard, Chloe và Mason thỉnh thoảng mới xuất hiện trên mạng xã hội nhưng qua những tấm hình hiếm hoi, có thể thấy các cô bé, cậu bé có ngoại hình kháu khỉnh và tính cách đặc biệt. Mason, đã gần tròn 3 tuổi, được mẹ đưa đi nhiều nơi để khám phá thế giới. Cậu bé biết chơi piano, nói tiếng Anh siêu và cực kỳ đáng yêu.
Khác biệt rõ rệt giữa một đứa trẻ tự ngủ và đứa trẻ cần dỗ dành mới ngủ được, không chỉ là IQ mà còn nhiều yếu tố khác
Nếp ngủ của trẻ không chỉ tác động trực tiếp tới sự vất vả của người mẹ mà theo các chuyên gia tâm lý, một em bé ngủ ngoan và một em bé ngủ kém có sự khác biệt đáng kể về nhiều yếu tố khi lớn lên:
1. Khác biệt về chỉ số IQ và chiều cao
Đứa trẻ thường xuyên cần bố mẹ dỗ dành khi đi ngủ có thể do đã phụ thuộc vào bố mẹ quá nhiều, càng lớn càng dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như: Ngủ muộn, khó đi vào giấc ngủ. Hiện tượng này kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Đứa trẻ đó cũng không thể ngủ sâu giấc, ảnh hưởng đến quá trình tiết ra hormone tăng trưởng trong khi ngủ, không tốt cho sự phát triển chiều cao và trí não của trẻ.
Trái lại, một đứa trẻ có nếp ngủ đều đặn, khả năng tự ngủ từ bé, chúng có thể tiếp tục duy trì thói quen tốt này khi lớn lên. Chất lượng giấc ngủ của những đứa trẻ này cũng tốt hơn, bộ não và cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi hoàn toàn trong khi ngủ, nhờ đó cơ thể phát triển tốt hơn, trí thông minh cũng được kích thích tối đa.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra những đứa trẻ có giấc ngủ không đều đặn, hay đi ngủ muộn cũng có khả năng phản ứng và nhận thức kém hơn các trẻ có chất lượng giấc ngủ tốt. Cụ thể, theo nghiên cứu về ảnh hưởng của giấc ngủ đối với trí nhớ từ Đại học Y Harvard (Mỹ), kết quả cho thấy trí nhớ của những đứa trẻ đi ngủ muộn kém hơn rất nhiều so với những đứa trẻ đi ngủ sớm. Hệ thống thần kinh trong vỏ não quyết định chất lượng trí nhớ. Trẻ ngủ muộn trong thời gian dài sẽ chậm phát triển trí não hơn, hoạt động của hệ thần kinh kém dần, dẫn tới khả năng đọc thông tin và trí nhớ không tốt.
2. Tác động đến sự tự lập
Những đứa trẻ thường xuyên phải bố mẹ ru ngủ từ bé khi lớn lên, khả năng tự lập sẽ kém hơn, thiếu kĩ năng quản lý thời gian, chúng luôn cần bố mẹ sắp xếp, đốc thúc mọi việc. Dần dần, chúng hình thành tâm lý ỷ lại vào cha mẹ, sống dựa dẫm người khác.
Trong khi đó, các bé có thể tự ngủ từ sớm có khả năng tự biết điều chỉnh hành vi, ý thức cao về thời gian, phát triển tính tự lập và khả năng thích ứng với môi trường mạnh mẽ.
3. Khác biệt về tính cách
Những em bé biết tự ngủ từ sớm có xu hướng trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn hơn, không cần sự kỉ luật quá mức của cha mẹ. Ngược lại, những bé cần cha mẹ dỗ dành khi ngủ trong thời gian dài thường có tính cách nóng nảy, hay gây ra nhiều rắc rối khi lớn lên.