Con trai dạo này gầy đi trông thấy, Ly Kute tiết lộ lý do liên quan tới chiều cao của bé khiến hội chị em thi nhau đồng tình "Con mình cũng y hệt"
Dạo gần đây, bé Khoai Tây trông gầy đi so với lúc trước khiến không ít fan hâm mộ thắc mắc.
Con trai của Ly Kute - cậu bé Khoai Tây mới gần 7 tuổi nhưng đã rất chững chạc, ra dáng thanh niên nhí. Cậu nhóc sở hữu làn da trắng trẻo giống mẹ và những đường nét khuôn mặt cực đáng yêu, đôi mắt to tròn, lanh lợi. Theo dõi cuộc sống của Khoai Tây mới thấy, những năm qua cậu nhóc được mẹ nuôi dạy cực kỳ chu đáo.
Mỗi lần được mẹ khoe trên trang cá nhân, dù chỉ là đằng sau lưng hoặc đeo khẩu trang thì Khoai Tây vẫn khiến fan trầm trồ vì siêu dễ thương. Cậu nhóc còn rất tình cảm, biết quan tâm và hay giúp đỡ mọi người. Trong những khung hình đứng cùng mẹ, Khoai Tây có vầng trán cao thanh tú, càng lớn càng khôi ngô.
Khoảnh khắc đáng yêu của Khoai Tây.
Mới đây, Ly Kute đã khoe khoảnh khắc cận cảnh của con trai bên em cún yêu của cả nhà. Trông Khoai Tây rất đỗi tình cảm, yêu quý chú cún cưng. Đặc biệt, nhiều fan hâm mộ tinh ý nhận ra cậu bé dạo này trông gầy hẳn so với trước đây. Một người nhận xét: "Khoai Tây lớn hơn nên mi nhon hơn chị nhỉ". Đáp lại, Ly Kute tâm sự: "Ừ, chị thấy tầm này đang phát triển chiều cao nên gầy hơn em nhỉ".
Là mẹ bỉm, chắc hẳn các chị em đều đã từng trải qua giai đoạn này của con. Đó là bé tăng chiều cao nhưng không tăng cân, dẫn đến con gầy đi làm nhiều mẹ lo lắng. Vậy lý do dẫn đến bé bị chững cân nặng trong giai đoạn này là gì?
Khoai Tây cùng mẹ Ly.
Trẻ tăng trưởng chiều cao vào những thời điểm nào?
Từ khi sinh ra tới khi trưởng thành, trẻ có 3 giai đoạn phát triển chiều cao, đó là: thời kì trong bụng mẹ, dưới 3 tuổi và trước khi dậy thì đến lúc dậy thì. Ba giai đoạn này đều rất quan trọng, vì ở 3 giai đoạn này trẻ tăng chiều cao rất nhanh nên cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, thúc đẩy tăng chiều cao tốt nhưng cân nặng của trẻ vẫn phải ổn định.
Chiều cao của trẻ chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố di truyền đến các yếu tố ngoại cảnh tác động vào. Khi ở giai đoạn còn trong bụng mẹ đến lúc sinh ra, bé cần đạt chiều cao khoảng 50cm là tốt nhất. Đến giai đoạn thứ hai, trong năm đầu tiên bé sẽ tăng chiều cao thêm 25cm, 2 năm sau mỗi năm sẽ tăng thêm 10cm. Vào giai đoạn tuổi dậy thì, tốc độ tăng chiều cao sẽ từ 10 đến 12cm/năm trong một đến hai năm, sau đó chậm lại và ngừng tăng ở tuổi 25-30.
Theo chia sẻ của Ly Kute, ngay từ khi chưa tròn 5 tuổi, Khoai Tây đã cao 1m20. Theo bảng chiều cao, cân nặng trung bình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì chiều cao của Khoai Tây đã tương đương gần bằng 1 bé trai 7 tuổi.
Cậu bé sở hữu chiều cao đáng nể.
Tiết lộ về bí quyết nuôi con cao lớn của mình, Ly Kute cho hay cô cho con uống một loại sữa bột của Úc với hàm lượng canxi gấp đôi các loại sữa bình thường. Nhờ đó mà chiều cao của Khoai Tây tăng nhanh trong vài tháng.
Tuy nhiên, sữa có lẽ không phải là tất cả bởi chiều cao của một đứa trẻ còn do nhiều yếu tố quyết định. Chẳng hạn như: Gen, chế độ ăn uống hàng ngày, vận động, ngủ nghỉ, môi trường sống, đời sống tinh thần... Từ nhỏ, Khoai Tây cũng được mẹ cho đi học bơi lội đều đặn, hiện tại cậu bé còn có vẻ rất thích chơi trượt ván...
Vì sao con bị chững cân, chỉ tăng chiều cao
Nếu như trẻ tăng chiều cao nhưng không tăng cân nặng, thì cha mẹ nên xem xét lại chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Nhiều bà mẹ than phiền suốt một thời gian dài con không hề tăng lạng nào thì đây cũng là tình trạng chung diễn ra ở nhiều gia đình, mẹ nên để ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.
Với trẻ chỉ uống sữa có đủ chất dinh dưỡng (như: canxi, chất béo, đường, đạm,..) cần thiết để phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, trẻ không chịu ăn các thực phẩm khác sẽ dẫn tới thiếu hụt những nhóm chất dinh dưỡng khác để phát triển cân nặng. Việc này ảnh hưởng tới tốc độ phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Trẻ biếng ăn sẽ không tăng cân được, dẫn tới thể trạng yếu và phát triển không toàn diện. Nhóm trẻ chỉ thích ăn một nhóm thức ăn nhất định hoặc từ chối nhiều nhóm thức ăn cũng gây nên sự thiếu cân bằng về chất dinh dưỡng, gây ra sự phát triển không tương ứng chiều cao hoặc cân nặng theo đúng lứa tuổi. Vì thế, cha mẹ cần cân bằng giữa tăng chiều cao và cân nặng của trẻ một cách hợp lý nhất.
Làm sao để cân bằng cả chiều cao lẫn cân nặng của trẻ?
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố ưu tiên vì dinh dưỡng có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển cả chiều cao và cân nặng của trẻ. Một chế độ ăn uống tốt sẽ giúp trẻ đạt sự toàn diện về thể chất và tinh thần nên cha mẹ cần quan tâm xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
Có thể chia dinh dưỡng làm 3 giai đoạn quan trọng: giai đoạn tiền và trong mang thai, giai đoạn nhỏ trước 6 tuổi và giai đoạn tiền-trong dậy thì.
- Giai đoạn tiền và trong mang thai: người mẹ cần bổ sung đủ folate, vitamin D, sắt, kẽm, ăn các thực phẩm giàu chất béo omega-3 tốt như hạt, cá cho dầu như cá thu, cá hồi, lươn sông, cá chép 2 ngày/tuần.
- Giai đoạn trẻ nhỏ dưới 6 tuổi: cho trẻ bú mẹ sớm và lâu nhất có thể, cho trẻ ăn dặm đúng khi trẻ 6 tháng tuổi, giúp trẻ phát triển kỹ năng ăn đa dạng, và ăn đầy đủ các vi chất quan trọng như vitamin D, kẽm, sắt, chất béo omega-3,... Hạn chế trẻ thừa cân béo phì sau 2 tuổi.
- Giai đoạn tiền - trong dậy thì: Giúp trẻ ăn đa dạng đặc biệt đủ các nhóm dinh dưỡng, rau củ quả và các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng cho quá trình này là canxi, sắt, kẽm, vitamin D...
Để duy trì cân nặng hợp lý, bố mẹ cần lưu ý những điều sau: Không ép ăn quá nhiều; Cho con ăn thức ăn lành mạnh; Hạn chế đồ nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh; Cho con vận động để tiêu hao năng lượng trước khi đến giờ ăn tiếp theo; Chia khẩu phần ăn phù hợp với bé...