Con suýt mất mạng vì bố mẹ chủ quan lúc ốm sốt

,
Chia sẻ

Thấy con ấm đầu, tưởng bé Vy bị cảm, chị Hoa tự mua thuốc cho uống, tuy nhiên chỉ 3 ngày sau, bé mê man.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bé bị sốc sốt xuất huyết khiến suy đa cơ quan và xuất huyết nội tạng ồ ạt.

Phải mất đến 3 tuần chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai, mới giúp bé Vy tự thở mà không cần đến máy.

Chị Hoa thừa nhận, thấy bé ấm ấm đầu, nghĩ cháu bị cảm thông thường nên chỉ ra nhà thuốc mua thuốc hạ sốt. "Đến khi bé nằm mê man li bì, đưa đến bệnh viện, tôi mới biết con bị sốt xuất huyết", chị Hoa nói.

Tương tự trường hợp của chị Hoa, tại Bạc Liêu, các bác sĩ khoa Nhi bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, 2 cháu bé tại địa phương này vừa tử vong do sốt xuất huyết. Nguyên nhân cũng do bố mẹ đưa con nhập viện khi bệnh đã quá nặng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cũng cho hay, trong mấy tuần qua, khoa này liên tục tiếp nhận những trẻ nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh do sốt xuất huyết, từ các tỉnh khác chuyển đến.

Cụ thể vào ngày 23/10, bé gái 5 tuổi, ở Bến Cát, Bình Dương, được chuyển viện với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết độ 4 trong tình trạng kéo dài, suy hô hấp do tràn dịch màng bụng, màng phổi. Ngoài ra, bệnh nhi còn bị tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa.

Người nhà cho biết, do thấy bé bị nóng nên chỉ cho uống thuốc cảm mà không đưa đến bệnh viện, tuy nhiên đến này thứ 4 thì bé nôn ra máu, co giật và mê man.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, dù đã được điều trị chống sốc, đặt nội khí quản và cho thở máy, song sức khỏe của bệnh nhi vẫn xấu dần do chứng suy đa cơ quan.

“Phải qua gần 3 tuần lọc máu liên tục để thải loại độc chất và các hóa chất trung gian gây viêm, tổn thương cơ quan ra khỏi máu bệnh nhân, tình trạng sức khỏe của bé mới cải thiện dần”, bác sĩ Tiến cho biết.

Một trường hợp khác đối diện với nguy cơ tử vong may mắn được cứu sống là bé trai 6 tuổi nam, nhà ở Đức Hòa, Long An. Khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết, bé bị sốt cao 3 ngày liên tục, đến sáng ngày thứ 4 thì bớt sốt, nhưng lại nằm yên than đau bụng, ói ra dịch nâu đen, tay chân lạnh. Lúc này người nhà mới chịu đưa vào bệnh viện.

“Khi chúng tôi tiếp nhận, bé tỏ ra bứt rứt, môi tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tay chân lạnh. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhi bị tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều gây suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu nặng trên nền bệnh sốt xuất huyết độ 4”, một bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Minh Tiến, trong những năm gần đây, việc điều trị sốc sốt xuất huyết tại các địa phương trên toàn quốc đạt nhiều tiến bộ, phần lớn các trẻ được điều trị ra khỏi sốc và phục hồi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhập viện quá muộn khiến bệnh nhân suy hô hấp, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị và đe dọa tính mạng của trẻ.

Để tránh tình trạng trên, bác sĩ Tiến khuyên phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. “Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày đồng thời mà không giảm thì nên đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị. Đặc biệt là là những trẻ dư cân, béo phì”, ông Tiến nói.

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue. Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh. Loại muỗi này sống chủ yếu trong môi trường nước sạch. Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng mắc bệnh.

Biểu hiện bệnh ban đầu là sốt (có thể kéo dài 2-7 ngày) sau đó xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch. Dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời. Người từng bị sốt xuất huyết vẫn có thể tái mắc bệnh vì siêu vi Dengue gây sốt xuất huyết có đến 4 loại khác nhau.

Cách tốt nhất để phòng bệnh, theo các bác sĩ y tế dự phòng là diệt môi trường sống của lăng quăng, diệt muỗi và không để muỗi đốt.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ