Con lười vì người giúp việc

,
Chia sẻ

Thấy mẹ sai pha cốc nước chanh, Nhung 13 tuổi vội vàng gọi ới cô giúp việc đang lau dọn trên tầng ba xuống làm hộ.

Cả hai vợ chồng đều đi làm bận tối mắt tối mũi từ thứ hai đến thứ bảy nên vợ chồng chị Hằng thuê người giúp việc từ khi Nhung lên ba tuổi. Tính đến nay đã tròn mười năm. Vốn quen có người giúp việc nên Nhung sinh ra lười biếng, chẳng muốn động chân động tay vào bất cứ việc gì. Ngay cả đến chuyện vệ sinh cá nhân cũng cần phải có người nhắc nhở, phục vụ.

Đi tắm, Nhung không buồn mang quần áo sạch để thay, tắm xong thì gọi bác Tâm (giúp việc) mang xuống; cặp sách đi học về được quẳng ngay tại phòng khách, ngủ dậy không phải gấp chăn màn….

 

Chị Hằng đi từ sáng sớm đến tối mịt nên ít khi để ý đến những việc nhỏ nhặt ấy của Nhung. Chị chẳng ngờ con mình lại ỷ vào người giúp việc đến vậy. Có lần, bác Tâm bận về quê vài buổi, hai mẹ con cùng nhau nấu ăn nhưng ngay sau đó, chị Hằng đã phải đuổi  Nhung lên phòng vì lóng nga lóng ngóng. Con hến cho vào nồi luộc để nấu canh thì Nhung đổ hết nước luộc đi, nhặt rau thơm thì cầm kéo cắt luôn một đường rồi cho vào chậu để rửa,  nạo củ khoai tây cũng không xong. “ Đến bây giờ tôi mới thấy thực sự lo ngại cho tương lai của con mình. Con gái lớn mà không biết làm gì thì chết thật. Có lẽ tôi phải xem xét lại việc thuê người, bắt cháu làm việc nhiều hơn để sau này có thể tự lập”- chị Hằng tâm sự.

 

Tình trạng con trẻ trở nên quá lười biếng và vô dụng do người giúp việc "bao thầu" mọi việc trong nhà rất phổ biến ở các gia đình thành thị hiện nay. Do nhu cầu công tác, nhiều gia đình phó mặc chuyện chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa cho người giúp việc. Khi thấy con trẻ làm mãi không xong nổi một việc dù nhỏ, người giúp việc đành tặc lưỡi làm thay cho xong chuyện.

Thực tế ngay từ nhỏ, trẻ đã tự làm những việc giúp đỡ người thân hay đơn giản chỉ là tự phục vụ cho mình. Hai tuổi trẻ đã có thể giúp cha mẹ lấy một số đồ vật nhỏ. Ba tuổi, trẻ muốn như người lớn, thấy mẹ giặt đồ cũng muốn bắt chước, thấy bố sửa xe cũng lon ton chạy lại đòi tham gia. Bốn, năm tuổi, trẻ có thể thu dọn đồ chơi, quét nhà, gập quần áo…. Trẻ cũng rất thích đi chợ cùng bố mẹ, được chọn rau, thịt, củ quả… Nên thật sai lầm nếu để con trẻ không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Tình trạng này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhân cách trẻ, khiến trẻ có thói quen ỷ lại hoặc coi thường lao động chân tay. Khi lớn lên, nhiều trẻ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tự tổ chức cuộc sống riêng cho mình.

Trong cuộc họp phụ huynh, anh Thắng (quận Đống Đa) đỏ mặt vì xấu hổ khi cô giáo góp ý về việc cu Tít đã 5 tuổi mà vẫn chưa biết tự mình xúc cơm, rửa mặt, lau tay….Ngay cả đi vệ sinh các cô cũng phải đưa bé vào phòng toalet và kéo quần hộ. Trong khi các bạn cùng lớp đều làm thành thục thì cu Tít luôn phải khổ sở và tỏ ra lúng túng khi phải làm những việc như vậy.

Nghĩ lại, anh Thắng thấy mình thật sự lơ là đến việc giáo dục tinh thần yêu lao động nơi cậu con trai. Anh nhận ra Tít còn thiếu nhiều kỹ năng so với bạn cùng tuổi, vì tuy bố mẹ bận, không có thời gian chăm sóc tỉ mỉ nhưng mọi việc của bé đều đã có người giúp việc lo.

Các bậc phụ huynh nên quy định rõ những việc nào trẻ cần tự làm (thường là những việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân trẻ như gập chăn màn, dọn bàn học của mình...) giao hẹn công khai trước cả gia đình và người giúp việc.

Với trẻ nhỏ nên tùy theo lứa tuổi để cho bé tự làm những việc phục vụ bản thân như mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, cất dọn đồ chơi... Khi mới bắt đầu, trẻ sẽ làm sai, làm hỏng, gây mất thời gian, tuy nhiên cần kiên trì để bé tự làm. Các bậc cha mẹ phải chủ động tập cho con làm việc chứ không thể ỷ lại người giúp việc vì họ sẽ có tâm lý "làm thay cho đỡ mất thời gian".
 
 
Thanh Hoà
Chia sẻ