Con lăn đùng ra ăn vạ giữa chốn đông người, chẳng qua mẹ chưa biết 5 chiêu này
Bạn biết tác hại của việc mua đồ chơi cho con quá nhiều nhưng không biết làm cách nào để "trụ vững" được trước cái nhìn năn nỉ, tiếng khóc thút thít hay cơn ăn vạ của con?
Đồ chơi của con bạn đã quá nhiều? Chúng bày la liệt và vứt lung tung khắp nơi? Nhưng mỗi lần đi siêu thị, chúng đều vòi vĩnh để được mua thêm đồ chơi mới? Bạn biết tác hại của việc mua quá nhiều đồ chơi cho con nhưng không biết làm cách nào để "trụ vững" được trước cái nhìn năn nỉ, tiếng khóc thút thít hay cơn ăn vạ của con?
Vậy bạn hãy thử những "chiêu" sau để đối phó với chúng nhé! Đảm bảo sẽ tiết kiệm được cho các bạn một ngân sách kha khá suốt cả năm đấy!
1. Chiêu số 1: Quy định chỉ mua đồ chơi vào dịp đặc biệt
Bạn hãy thỏa thuận với con rằng, con chỉ được mua quà vào những dịp đặc biệt, ví dụ như ngày lễ, tết, sinh nhật, 1/6… nhưng mỗi lần chỉ được mua 1 món. Con hãy chọn cho kỹ!
Hình ảnh không hiếm khi xảy ra khi bạn có con nhỏ (Ảnh minh họa).
Khi đi chơi, nếu con bạn nhìn thấy một thứ gì đó ở cửa hàng mà chúng muốn có, bạn hãy thử nói với con: "Hay đấy, chúng ta sẽ mua nó vào ngày lễ sắp tới nhé! Ngày lễ gần nhất là ngày nào nhỉ? Trung Thu đúng không con? Vậy mình sẽ quay lại đây vào Trung Thu nhé!"; hoặc "Ồ, chúng ta hãy cho nó vào danh sách quà Nô-en của con nhé!"; hoặc "Hãy chờ xem chúng ta còn thích nó vào tuần sau không nhé!". Dù lúc đó khao khát muốn mua là cực kỳ mãnh liệt, nhưng sau một vài ngày đến cả tuần, ham muốn đó sẽ không còn ngùn ngụt như lúc trước nữa. Hãy giúp con để cảm xúc lắng xuống một chút, mẹ nhé!
2. Chiêu số 2: Con hãy tự kiếm tiền mua đồ chơi
Thú vui mua đồ chơi llà kết quả cơn thèm khát được thỏa mãn tức thì của não bộ. Việc mang lại cho trẻ quá nhiều sự thỏa mãn đó sẽ khiến chúng gặp khó khăn trong việc phát triển và rèn luyện lòng kiên nhẫn, điều này có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chúng sau này.
Có một cách để cha mẹ khuyến khích và rèn luyện lòng kiên nhẫn cho con, đồng thời mang đến cho trẻ một cảm giác về giá trị của tiền bạc, đó là cho chúng một công việc làm trong nhà để tự mình kiếm tiền mua được món đồ chơi đó. Khi bạn phải làm việc để có được một cái gì đó, bạn có xu hướng định giá nó cao hơn và trân trọng hơn. Điều này đúng ở cả trẻ em và người lớn.
Sự trân trọng này, đến lượt nó sẽ giúp trẻ ít có xu hướng vứt bừa bãi hoặc làm hỏng đồ chơi hơn.
3. Chiêu số 3: Mua một thì sẽ cho đi hai
Bạn đã quá mệt mỏi vì sự hỗn độn của đống đồ chơi trong nhà mình? Hãy quy định với con rằng với mỗi món đồ chơi mới mà con muốn mua, con cần phải chọn hai món đồ chơi cũ để cho đi.
Quy tắc này có rất nhiều lợi ích:
- Nó làm cho con bạn phải suy nghĩ "bảy lần" trước khi yêu cầu mua món đồ chơi nào đó.
- Nó cũng giúp mẹ không phải "tước đoạt" đồ chơi của con (hoặc lén lút giấu đi) để cho đi cho đỡ chật nhà.
- Nó giúp con biết san sẻ đồ chơi của mình với các bạn khó khăn khác. Con sẽ thấy được các bạn khác còn không có đồ chơi. Điều đó giúp phát triển sự đồng cảm và hạn chế tính ích kỷ.
4. Chiêu số 4: Trao đổi đồ chơi với bạn bè
Cho con một công việc làm trong nhà để tự mình kiếm tiền mua được món đồ chơi đó (Ảnh minh họa).
Một giáo viên mẫu giáo đã có ý tưởng lập hộp "kho báu" chứa đầy đồ chơi để làm phần thưởng trong lớp học. Cô yêu cầu các bạn mang những món đồ chơi mà mình không còn muốn chơi nữa đến. Các học sinh đều rất hạnh phúc khi được mang về nhà món đồ chơi nào đó mới lạ. Đúng là "cũ người mới ta". Chúng sẽ cho nhau những món mà chúng không thích nữa hoặc cả năm chẳng động đến, nhưng khi đứa kia nhận được thì chúng quý như vàng.
5. Chiêu số 5: Bốn nhu cầu chính
Con có thể mua bất kỳ thứ gì, nhưng nó phải nằm trong danh mục: MẶC – ĐỌC – MUỐN - CẦN, và mỗi thứ chỉ mua 1 lần 1 năm, nên con phải chọn kỹ. Một cái gì đó để MẶC (ví dụ như váy công chúa, vương miện, cánh thiên thần,… - những thứ ngoài quần áo mẹ mua hàng năm), một cái gì đó để ĐỌC, một cái gì đó con thực sự MUỐN và một cái gì đó con thật sự CẦN. Điều này khiến con bạn phải tư duy để sắp xếp món nào vào nhu cầu nào và bắt đầu suy nghĩ theo cách mà bố mẹ suy nghĩ. Nhờ đó, chúng biết chúng thực sự cần mua cái gì và cũng biết thông cảm với bố mẹ hơn.
Những "chiêu" này không chỉ giúp làm giảm tình trạng quá tải đồ chơi ở nhà, nó còn giúp các mẹ dễ dàng hơn trong việc đối phó những căng thẳng gây ra do những cơn mè nheo đòi mua đồ chơi mọi lúc mọi nơi của trẻ. Đây là cách bạn giáo dục con mà không cần đòn roi hay quát mắng.